(Baothanhhoa.vn) - Khôi phục và duy trì tổ chức môn đua thuyền truyền thống đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai, gắn với các lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân hằng năm.

Đua thuyền ngày xuân

Khôi phục và duy trì tổ chức môn đua thuyền truyền thống đang được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa triển khai, gắn với các lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân hằng năm.

Đua thuyền ngày xuânCác đội đua tranh tài tại Lễ hội đua thuyền truyền thống xã Nga Bạch (Nga Sơn) Xuân Giáp Thìn 2024.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm nay, xã Nga Bạch đã sôi nổi tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu vui xuân của Nhân dân trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Như thường lệ, vào ngày mùng 3 tết, người dân trong xã lại náo nức đổ ra bờ sông Sung để theo dõi, cổ vũ cho các đội đua của địa phương. Đây là lễ hội văn hóa, TDTT mới được xã tổ chức trở lại trong 2 năm gần đây sau nhiều lần bị gián đoạn.

Theo một số sử liệu địa phương, lễ hội đua thuyền truyền thống xã Nga Bạch được ra đời tại thôn Bạch Đằng, sau chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938). Kể từ đó, lễ hội đã trở thành ngày hội vui khỏe của dân làng nơi đây. Hình ảnh dưới sông Sung đoàn thuyền rẽ nước lướt đi, tiếng hò dô khỏe khoắn vang lên hòa cùng tiếng cổ vũ của khán giả trên bờ, tạo nên không khí tưng bừng, náo nức, rộn rã khó quên.

Trước năm 1975, lễ hội đua thuyền được tổ chức đều đặn nhưng một thời gian dài sau đó, vì nhiều lý do khác nhau, lễ hội này không còn được tổ chức. Trước nguy cơ bị mai một, xã Nga Bạch đã quyết tâm khôi phục lại lễ hội đua thuyền truyền thống - “món ăn” tinh thần đã gắn bó với Nhân dân địa phương từ bao đời nay.

Ông Mai Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Nga Bạch, cho biết: Lễ hội bơi trải (đua thuyền) truyền thống là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nga Bạch và các xã lân cận trong dịp Tết Nguyên đán. Được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Nga Sơn, kể từ năm 2023, xã Nga Bạch duy trì tổ chức lễ hội bơi trải truyền thống vào ngày mùng 3 tết hằng năm. Dịp Tết Giáp Thìn năm nay, xã Nga Bạch chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để lễ hội được diễn ra an toàn, vui tươi, phấn khởi. Đây cũng là sự kiện quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vui xuân của Nhân dân trong và ngoài xã. Qua đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống. Lễ hội có ý nghĩa khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức cố kết cộng đồng, sức mạnh truyền thống của dân tộc.

Trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có sự quan tâm, chú trọng tới việc khôi phục nhiều lễ hội, hội thi đua thuyền truyền thống, bơi trải với mục tiêu đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa mà ông cha ta đã để lại. Vào ngày mùng 2 và mùng 3 tết, nhiều địa phương trong tỉnh đã sôi nổi tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống. Điển hình là tại xã Trung Chính (Nông Cống), lễ hội đã trở thành ngày hội văn hóa - thể thao đặc sắc dịp tết trên dòng Lãng Giang, với sự tranh tài của 8 đội đến từ các thôn, đơn vị. Trong tiếng trống hội rộn rã, tiếng reo hò cổ vũ nhiệt tình, các đội đã cống hiến cho khán giả những pha đua hấp dẫn, ngang sức ngang tài. Lễ hội đua thuyền là dịp người dân thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, gửi gắm ước nguyện về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Một số lễ hội đua thuyền truyền thống tiêu biểu khác như: Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Yên, xã Quảng Nham (Quảng Xương); lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hói Đào, xã Nga Liên (Nga Sơn); lễ hội đua thuyền truyền thống xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa với điều đặc biệt là không diễn ra trên sông mà tại hồ Trù Ninh; lễ hội đua thuyền truyền thống xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn)... Một số địa phương khác như TP Sầm Sơn, các huyện Thường Xuân, Bá Thước đã chú trọng khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội đua thuyền truyền thống, bơi trải gắn với phát triển du lịch và đẩy mạnh phong trào TDTT của địa phương. Việc tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống còn góp phần truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay và các thế hệ tiếp theo.

Ông Lê Đông Dương, Phó trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Điểm sáng trong phong trào TDTT quần chúng của các địa phương những năm gần đây đó là việc không ngừng khôi phục và tổ chức các lễ hội, hội thi, giải đua thuyền truyền thống hàng năm. Bên cạnh việc sưu tầm các tư liệu lịch sử về lễ hội đua thuyền truyền thống, các địa phương đã có sự chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức sự kiện văn hóa – TDTT đặc sắc này vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, cũng như để quảng bá du lịch. Không chỉ ở các huyện khu vực đồng bằng, ven biển, nhiều huyện khu vực miền núi đã và đang từng bước đưa đua thuyền truyền thống trở thành môn thể thao thế mạnh của địa phương, được đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia thi đấu và cổ vũ nhiệt tình, sôi nổi. Đua thuyền truyền thống vừa là nét văn hóa đặc sắc, vừa là điểm tựa góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào TDTT các địa phương.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]