Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - 10 năm nhìn lại
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 33), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện, đưa văn hóa thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội; đồng thời, phát huy tốt vai trò của con người Thanh Hóa trong xây dựng và phát triển của tỉnh. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật trên một số lĩnh vực.
Các tiết mục văn nghệ tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX. Ảnh: Thùy Linh
Con người được xác định là nguồn lực quan trọng nhất trong các nguồn lực. Nhiệm vụ xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện được quan tâm thực hiện, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách với những phẩm chất: Có thế giới quan khoa học, có lý tưởng, khát vọng cống hiến; có nhân cách, lối sống đẹp, yêu quê hương, đất nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường; hiếu học, ham hiểu biết, có sức sáng tạo và khả năng thích ứng; có ý thức tôn trọng pháp luật; sống có tự trọng, có dũng khí đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, tôn vinh, nhân lên cái đẹp, cái tốt trong xã hội. Các phong trào gắn với xây dựng và phát triển con người được tiến hành sâu rộng, như: “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Công dân kiểu mẫu”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Thanh niên tình nguyện”, nhất là việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Giai đoạn 2014-2024, trên địa bàn tỉnh đã có 526 tập thể, 844 cá nhân là các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo lời Bác được khen thưởng; tôn vinh 17 cá nhân đạt danh hiệu “Vì sự phát triển tỉnh Thanh Hóa”; hàng trăm học sinh, sinh viên đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi về giáo dục, khoa học và nghệ thuật trong nước và quốc tế. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh luôn đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Các hoạt động nhằm cải thiện tầm vóc, thể trạng, chất lượng cuộc sống của người dân được quan tâm. Thể thao thành tích cao của tỉnh luôn đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thể thao quần chúng được triển khai, nhân rộng và phát triển mạnh, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm phát triển, hoàn thiện con người đã được cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai và thực hiện đồng bộ trong gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư, trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Theo đó, nhiều phong trào được tổ chức sôi nổi, rộng khắp trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo“, "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân tôn trọng pháp luật, đạo đức kinh doanh, uy tín thương hiệu, cạnh tranh lành mạnh,... Đến nay, toàn tỉnh có 83% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (tăng 7% so với năm 2014); có 82,3% thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (tăng 15,3% so với năm 2014); có 46% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (tăng 43,5% so với năm 2014). Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 8 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh; 20/27 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 532/558 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao; 4.287/4.357 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và sắc thái văn hóa xứ Thanh được quan tâm đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 1.535 di tích được kiểm kê và công bố (trong đó có 856 di tích được xếp hạng các cấp); có 10 bảo vật quốc gia, 22 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật. Nhiều di sản văn hóa khôi phục và bảo tồn, gắn với phát triển du lịch. Trong 10 năm, có gần 300 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp và phục dựng với tổng kinh phí trên 3.500 tỷ đồng, trong đó các di tích trọng điểm đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống và phát triển du lịch.
Hoạt động văn hóa cơ sở được quan tâm tổ chức thường xuyên, sâu rộng, trong đó đã phát huy tốt vai trò của Nhân dân, nòng cốt là hoạt động của trên 1.300 đội văn nghệ quần chúng và các câu lạc bộ nghệ thuật, 8 đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang; mạng lưới thư viện từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và phát triển theo hướng hiện đại; duy trì và phát huy có hiệu quả hoạt động của 6 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn và Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống. Hoạt động văn học, nghệ thuật luôn bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn cuộc sống để sáng tác. 10 năm qua, văn nghệ sĩ tỉnh Thanh Hóa đã sáng tác hơn 30.100 tác phẩm văn học nghệ thuật ở các thể loại, trong đó gần 1.050 tác phẩm đã đoạt giải tại các cuộc thi các cấp. Hoạt động báo chí, xuất bản đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa. Các cơ quan báo chí trong tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở, các tạp chí khoa học chuyên ngành văn hóa,... đã đăng, phát trên 1,46 triệu lượt tin, bài, ảnh, phóng sự. Hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại được tỉnh quan tâm thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả tích cực,...
Có được những kết quả trên là do các cấp ủy đảng ngày càng quan tâm và có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa theo hướng cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị; ban hành kịp thời các văn bản, kế hoạch cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa được nâng cao; nguồn lực phát triển văn hóa, con người được tăng cường với hơn 6.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và hơn 3.412 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa được đầu tư cho các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa; chất lượng công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ quản lý, cán bộ tham mưu lĩnh vực văn hóa được nâng lên,...
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn không ít hạn chế, khó khăn. Song, nhìn chung, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa, con người ngày càng toàn diện hơn. Hệ thống di sản văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị; hệ thống các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống và phát triển con người được quan tâm đầu tư, hoàn thiện. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Những giá trị mới về văn hóa, con người thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế được tiếp thu có chọn lọc... Những kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh trong những năm qua.
Phần thi xe tuyên truyền cổ động tại Liên hoan Tuyên truyền cổ động tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Ảnh: Mạnh Cường
Phát huy những kết quả đạt được, bám sát đường lối văn hóa của Đảng, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW trong thời gian tiếp theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu: Xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Thanh Hóa hướng đến các giá trị chân - thiện - mĩ, trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Xây dựng nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang đậm sắc thái xứ Thanh. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, đưa văn hóa thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; các chương trình, đề án của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, con người, trọng tâm là Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 4/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển văn hóa, con người kịp thời, phù hợp với các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa.
Thứ ba, tiếp tục chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhà trường và cộng đồng dân cư; trong Đảng và hệ thống chính trị và trong kinh tế. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, sắc thái văn hóa xứ Thanh. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hoàn thành xây dựng các thiết chế, công trình văn hóa - thể thao tiêu biểu của tỉnh, như: Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Công viên văn hóa xứ Thanh, Cung văn hóa thiếu nhi, Sân vận động tỉnh, Nhà thi đấu tỉnh đạt chuẩn; phát huy hiệu quả công năng của hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật. Tăng cường giao lưu, quảng bá hình ảnh đẹp của vùng đất, con người Thanh Hóa đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Đăng cai tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp khu vực, cấp quốc gia và quốc tế nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ và du khách đến với Thanh Hóa.
Thứ tư, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và nhu cầu thực tế của tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để xây dựng, phát triển văn hóa và con người trong thời kỳ mới. Khuyến khích thu hút đầu tư tạo thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường và các ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa.
Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, lực lượng văn nghệ sĩ. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ và cán bộ văn hóa; thu hút đội ngũ biên kịch, đạo diễn, diễn viên trẻ, có tài năng để bổ sung cho các nhà hát chuyên nghiệp của tỉnh.
Đào Xuân Yên
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
{name} - {time}
-
2025-01-15 10:07:00
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo
-
2025-01-15 09:15:00
Nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp bộ máy: Tỷ lệ hưởng lương hưu được tính thế nào?
-
2024-08-11 09:52:00
Quy định 144-QĐ/TW: “Trọng dân” và “gần dân” một cách thực chất
Những “cánh chim” không mỏi
MTTQ huyện Quan Sơn phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
5 bài học kinh nghiệm trong công tác Thi đua - Khen thưởng
Thọ Xuân quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên
Phát huy vai trò của MTTQ trong định hướng thông tin trên không gian mạng
Đảng bộ xã Quảng Thái: Dấu ấn 70 năm xây dựng và phát triển
Nhân dân là nhân tố quyết định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tăng cường công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Phát huy vai trò người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân đồng bào DTTS