(Baothanhhoa.vn) - Thường ngày kỵ giỗ, lễ, tết, tôi mới về quê. Thăm nhà, rồi bên nội, bên ngoại và bà con chòm xóm. “Đêm nằm, năm ở”, được tận hưởng không khí chân tình, ấm áp, nhớ làm sao. Như chợt thấy tuổi thơ trong veo hiện về trong ký ức, rằng ngày xưa thế này, thế kia. Nhớ đến nao lòng...

Thanh âm quê nhà...

Thường ngày kỵ giỗ, lễ, tết, tôi mới về quê. Thăm nhà, rồi bên nội, bên ngoại và bà con chòm xóm. “Đêm nằm, năm ở”, được tận hưởng không khí chân tình, ấm áp, nhớ làm sao. Như chợt thấy tuổi thơ trong veo hiện về trong ký ức, rằng ngày xưa thế này, thế kia. Nhớ đến nao lòng...

Đã qua rằm tháng năm, đường về quê nghe gió thoang thoảng trời hạ. Những cánh đồng lúa đã gặt, rơm rạ cũ mềm, trơ gốc. Cò dang trắng đồng, bay chấp chới trong hanh hao gió trời. Chiều chủ nhật, tôi tranh thủ về thăm quê ngoại. Chỉ mới đi trên đường rẽ vào nhà ngoại, hai đứa nhỏ thích lắm, giơ tay chỉ cái này cái kia, rồi trầm trồ đủ thứ sao ở quê cái gì cũng đáng yêu hết mẹ nhỉ? Tôi mỉm cười, rằng các con cũng đáng yêu như thế đó. Tôi tắt xe máy từ ngoài cổng, chợt nghe tiếng guốc gỗ lộc cộc gõ vào nền sân gạch vang lên những âm thanh giòn giã. Thì ra là mẹ chờ sẵn mừng rỡ dang tay ôm chầm hai đứa cháu ngoại vào lòng. Thú thực, tôi tự nhiên lặng người đi, bần thần bởi âm thanh tiếng guốc gỗ kia ám ảnh và như “thôi miên” tôi trở về với những tháng ngày thời thơ ấu, như chạm đến trong sâu thẳm tâm hồn tôi về những kỷ niệm ngọt ngào êm đềm...

Còn nhớ con đường làng dẫn tôi và chúng bạn đồng lứa đến trường ngày nào cũng vang vọng tiếng guốc trẻ con đi học. Thường bố mẹ đứa nào cũng mua hay tự đẽo gọt cho con, nhất là con gái một đôi guốc mộc đơn sơ. Tôi nhớ một buổi trưa đi học về, bố nhễ nhại mồ hôi vừa “hoàn thành” đôi guốc gỗ cho tôi, rồi bảo tôi ướm thử, xem có vừa và có thích đôi quai guốc ấy không? Bố bảo bố đẽo gọt từ cây gỗ xoan để vừa nhẹ và nếu rửa chân ướt guốc thì cũng mau khô. Bố khéo tay lắm, cần mẫn đẽo gọt sao cho mỗi chiếc guốc đều có độ cong, nhìn duyên dáng lắm dù từ gỗ mộc đơn sơ. Rồi bố đóng quai cho từng đôi guốc, còn đóng thêm vào đế guốc một lớp cao su để đi dễ dàng hơn.

Còn nhớ ban đầu đi đôi guốc ấy hơi gượng gạo, trật lên trật xuống nhưng rồi cũng quen dần. Trên nền sân gạch trong nhà, ngoài hiên, mỗi ngày tiếng guốc gỗ vang lên nhịp nhàng, như sự đoàn tụ ấm cúng của gia đình trong thời tuổi thơ tôi đã qua đi. Riêng tôi, tiếng guốc gỗ đã theo chân bố, chân mẹ vào lớp học trường làng ngày nào, rồi có lúc ríu ran theo chị ra đứng đầu ngõ đợi mẹ, đợi bà đi chợ về. Tiếng guốc gỗ ấy, gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm vừa giản dị vừa thiêng liêng gắn với quê nhà.

Chao ơi, bây giờ một tiếng guốc gỗ bình thường ấy lại vang lên trong lòng tôi, cho tôi trở về hồi ức tháng ngày đã qua, cả một vùng quê, một ký ức xa xưa hiện về. Tôi thắp nén nhang lên bàn thờ bố. Bố không còn nữa nhưng còn đó đôi guốc mẹ đang mang đến độ cũ mòn. Tôi về lại đây, trong ngôi nhà ba gian cổ kính, đầy ắp thời tuổi thơ nơi chị em tôi lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ. Không gian cổ kính, tất cả như trầm mặc, lặng lẽ để có thể cảm nhận những tiếng guốc gỗ vang lên từ bước chân của mẹ, như những nốt nhạc ngân lên từ từ cho tôi nghe rõ dần nhịp điệu thời gian. Tôi ngước nhìn lên di ảnh bố và thầm kêu thảng thốt trong lòng hai tiếng “Bố ơi...!”.

Những ca từ trong ca khúc “Về đây nghe em” của nhạc sĩ Trần Quang Lộc chợt vang lên trong tôi, vừa day dứt vừa nhớ thương: “Về đây nghe em. Về đây mặc áo the đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa mới”... Tiếng guốc gỗ ấy chính là một chứng nhân của thời gian, mạch sống trong tâm tưởng tôi. Tôi gọi đó là thanh âm quê nhà.

Tản văn của Hồ Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]