(Baothanhhoa.vn) - Như cánh chim bằng đã sải rộng đôi cánh mênh mang mà thỏa sức vẫy vùng, con người mang trái tim rộng lớn và cháy bỏng tình yêu Tổ quốc ấy, cũng đã tận hiến trọn vẹn lửa nhiệt huyết để trở về với bầu trời. Và từ đây, trái tim ấy sẽ hòa vào một dải non sông tươi đẹp...

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

Như cánh chim bằng đã sải rộng đôi cánh mênh mang mà thỏa sức vẫy vùng, con người mang trái tim rộng lớn và cháy bỏng tình yêu Tổ quốc ấy, cũng đã tận hiến trọn vẹn lửa nhiệt huyết để trở về với bầu trời. Và từ đây, trái tim ấy sẽ hòa vào một dải non sông tươi đẹp...

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người kiến tạo tài ba!

Mọi con đường được khai phá và định hình, đều bắt đầu từ những bước chân sơ khai in hằn lên mặt đất. Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam cũng vậy, với người đặt nền móng đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Để từ nền móng này mà vun đắp và định hình nên tầm vóc nước Việt Nam XHCN trong thời đại ngày nay. Trong quá trình ấy, không thể phủ nhận có bàn tay tài hoa của “kiến trúc sư” Nguyễn Phú Trọng.

Với tư cách là một nhà lý luận xuất sắc, đồng thời với tư duy sắc sảo và tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng ta, lại thông qua quá trình nắm bắt thực tiễn sâu sắc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết nên “nội hàm” xã hội XHCN mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu dựng xây, đó là: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của CNXH và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi” (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam).

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

“Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai...” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Trong ảnh: Một góc ruộng bậc thang ở Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Đông

Từ tổng kết thực tiễn để nâng tầm trở thành lý luận; rồi trở lại, vận dụng lý luận ấy vào thực tiễn; đồng thời, đúc rút thành những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là một “quy trình” mang tính khoa học nghiêm cẩn. Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thể hiện một cách sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng và lý luận cùng thực hành phải luôn đi đôi với nhau”. Bởi, thực tiễn được xem là thước đo, là tiêu chuẩn của chân lý. Do đó, chỉ khi đưa những lý luận vào thực hành trong thực tiễn, để thực tiễn kiểm nghiệm tính đúng - sai, thì khi ấy mới có thể mang lại thành công.

Nhưng thực hành như thế nào để mang lại kết quả thì cũng không phải câu hỏi dễ trả lời. Như chính Tổng Bí thư đã trăn trở, rằng “Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng CNXH là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội”. Nắm rất rõ quy luật, cho nên Tổng Bí thư đã nhiều lần chỉ rõ, để xây dựng nên một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì phải xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Để rồi, những thành tựu phát triển rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được trong hơn 1 thập kỷ qua, đã một lần nữa khẳng định cho tầm nhìn chiến lược và trí tuệ của nhà kiến tạo tài ba - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc (12/2023). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Trong rất nhiều bài học sâu sắc, được đúc rút trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới và dựng xây đất nước, người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh bài học lấy “dân là gốc”. “Dân là gốc” bởi “dân vi quý” (dân là quý) và cũng bởi “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (nghĩa là lật thuyền mới biết sức dân như nước). Con người Việt Nam là nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch và là người làm nên lịch sử. Do đó, quy tụ được sức mạnh Nhân dân, sức mạnh lòng dân thì không khó khăn nào không thể vượt qua. Xuất phát từ quan điểm và góc nhìn rất nhân văn ấy, mà trong nhiều quyết sách của Đảng - với dấu ấn “kiến tạo” của Tổng Bí thư - đã luôn đặt con người vào trung tâm của chính sách, trung tâm của sự phát triển và đề cao phẩm giá con người. Từ đó, tạo dựng niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, để khơi dậy sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng trong dân mà đưa các quyết sách của Đảng vào cuộc sống.

Điều này lại càng đúng với định hướng của Đảng ta về việc xây dựng “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” và “do Nhân dân làm chủ” (Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Cho nên, bài học lấy “dân là gốc” chưa bao giờ là cũ với dân tộc Việt Nam. Và trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, bài học ấy đã được Tổng Bí thư nắm chắc và thực hành một cách rất nhân văn và đầy hiệu quả. Có rất nhiều ví dụ điển hình, mà thành công của Việt Nam khi đã vượt qua đại dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế - xã hội, đều có xuất phát điểm từ bài học lấy “dân là gốc”. Đặc biệt, cũng bởi nắm vững và thực hành triệt để quan điểm ấy, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo dựng nên một “di sản niềm tin” trong lòng người dân Việt Nam.

Người mang khát vọng “hóa Rồng” cho dân tộc!

Khi nhìn sâu vào quá khứ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, sẽ không khó để nhận ra rằng, dẫu luôn phải đối mặt với họa ngoại xâm hay vô vàn nghịch cảnh, khó khăn nội tại, thì cha ông ta vẫn chưa bao giờ ngơi nghỉ khát vọng hưng thịnh, vững bền cho dân tộc. Thế nên, dưới sự trị vì của hoàng đế Lê Thánh Tông, Đại Việt đã trở thành một quốc gia hùng mạnh trong khu vực, mà khi bàn về tư tưởng “trị quốc, an dân” của vị vua thời Lê Sơ, hậu thế đã đúc kết thành một câu rất ngắn gọn và hàm súc: “Triệu dân vỗ yên, trăm việc chấn chỉnh, văn giáo rộng ban, vũ công đại định”. Để rồi, trong thời đại Hồ Chí Minh, khi cả dân tộc đang phải gắng sức cho những cuộc trường chinh gian khổ, ác liệt nhất, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn tin tưởng về tương lai dân tộc Việt Nam rồi sẽ “rạng rỡ như mặt trời mùa xuân” mà khát vọng “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

Cách đây vài ba thập kỷ, nếu nói đến khát vọng “hóa Rồng” cho dân tộc Việt Nam, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là giấc mộng viễn vông. Thế nhưng, có một sự thật rất hiển nhiên rằng, muốn phát triển hưng thịnh thì trước hết phải có khát vọng cháy bỏng về sự hưng thịnh cho quốc gia - dân tộc. Để từ khát vọng thôi thúc mãnh liệt, con người mới không thôi tìm tòi và thiết kế nên những đường hướng cụ thể và đúng đắn, để hiện thực hóa khát vọng lớn lao ấy. Suốt những năm tháng nắm giữ các trọng trách và cương vị cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa khi nào nguôi quên niềm đau đáu: làm thế nào để dân giàu, nước mạnh và nâng cao vị thế quốc gia - dân tộc? Và, cũng chính Tổng Bí thư đã chỉ rõ, để tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước, thì đối nội và đối ngoại phải trở thành “hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau”.

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

Có nhiều chính khách, học giả khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư, đã thống nhất nhận định rằng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghi dấu ấn đậm nét trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều thành tựu phát triển của Việt Nam. Nhưng dấu ấn đậm nét nhất, hay di sản lớn nhất phải kể đến là một trường phái ngoại giao vô cùng đặc sắc và đầy hiệu quả; cùng cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy gian nan, nhằm làm trong sạch bộ máy và vì sự vững mạnh của Đảng.

Trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam” như chính Tổng Bí thư đã đúc kết, là nền ngoại giao vốn bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử dân tộc: Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hòa hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa. Bởi, cha ông ta dẫu đã trải nhiều cuộc chiến xâm lược của phương Bắc và dẫu ở trên thế thắng, thì cũng chưa bao giờ thay đổi quan điểm và thái độ hòa hiếu, để giữ mối bang giao hòa hảo, cũng là giữ lấy hòa bình, độc lập dân tộc. Chẳng thế mà, khi đánh cho quân Minh khiếp vía vỡ mật, phải xéo lên nhau để chạy thoát thân, nhưng Bình Định Vương Lê Lợi vẫn: “Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/ Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc/ Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run/ Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng/ Ta lấy toàn quân là hơn, để Nhân dân nghỉ sức...”. Quan điểm ấy còn xuất phát từ sâu thẳm lòng nhân ái, nhân hậu, bao dung, vị tha của con người Việt Nam.

“Ngoại giao cây tre Việt Nam” còn dựa trên nền tảng ngoại giao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong bão tố, cây tre luôn đứng vững vì gốc rễ nó bám rất chắc vào lòng đất. Trong ngoại giao, “dĩ bất biến” nghĩa là phải đặt độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết và trước hết. Còn “ứng vạn biến” - ví như ngọn tre có thể xoay chuyển linh hoạt theo hướng gió; thì trong sách lược ngoại giao, tùy vào thời điểm lịch sử và yêu cầu cụ thể, có thể linh hoạt, uyển chuyển ứng biến cho phù hợp. Cũng từ trường phái ngoại giao vừa mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến” ấy, mà Việt Nam đã đứng vững trong “trò chơi trên dây” với các siêu cường hàng đầu thế giới. Đồng thời, theo nhận định của nhiều học giả, trường phái ngoại giao này đã thể hiện tầm nhìn chiến lược rất sáng suốt, thông minh của Đảng ta, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đã nhìn thấu được “mạch đập” hay “dòng chảy chính” của thế giới, để tìm ra và tranh thủ được lợi ích tốt nhất cho đất nước trong bối cảnh thế giới đầy phức tạp hiện nay.

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

Cùng với thành công về đối ngoại đã góp phần tạo dựng vị thế mới cho Việt Nam trên trường quốc tế; thì về đối nội, bên cạnh các sách lược thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thì một dấu ấn thể hiện rất rõ bản lĩnh, uy tín, sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu Đảng ta, đó là cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Theo một học giả nước ngoài, thì khi Tổng Bí thư phát động chiến dịch chống tham nhũng, đòi hỏi bản thân ông phải là một “thỏi vàng mười” nguyên chất và không sợ lửa. Và thực tế những năm qua đã chứng minh, với đạo đức ngời sáng của người cộng sản kiên trung, mà lý tưởng phụng sự duy nhất là vì lợi ích quốc gia - dân tộc; với phẩm giá của đấng sĩ phu “uy vũ bất năng khuất”, không chịu cúi đầu khuất phục trước bất kỳ một thế lực nào; với tinh thần đấu tranh quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu một tấm gương sáng ngời về sự chí công vô tư trong cuộc chiến không khoan nhượng với “giặc nội xâm”. Dẫu biết, việc xử lý cán bộ sai phạm là rất đau xót, nhưng vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, vì sự tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân, thì vẫn phải làm và làm không ngừng nghỉ.

Những thành tựu cả về đối nội lẫn đối ngoại trong hơn 1 thập kỷ qua, đã trở thành nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển vượt bậc và toàn diện. Bởi vậy, có thể tự hào khẳng định: “Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó cũng chính là sự khẳng định cho quá trình hiện thực hóa “giấc mơ hóa Rồng” của dân tộc Việt Nam. Và trên hành trình đầy thách thức nhưng rất đỗi vinh quang và đầy tự hào ấy, có dấu ấn trí tuệ, bản lĩnh, tài năng và kinh nghiệm của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người mang trái tim thắp lửa!

Lúc sinh thời, mỗi khi nhắc nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều không giấu được nỗi xúc động, nghẹn ngào. Cuộc đời của một vĩ nhân mà “Trên ngực áo này không một tấm huân chương và sau làn vải ngực áo này có một trái tim”, có lẽ đã thấm rất sâu vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức và hành động của Tổng Bí thư. Để rồi, suốt cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Tổng Bí thư vẫn luôn mang “dưới làn vải ngực áo” một trái tim trong sáng và cháy bỏng tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào mình.

Và suy cho cùng, chỉ có thể là một trái tim nặng tình yêu thương - yêu thương được hiểu như một khái niệm mang nội hàm sâu sắc và có nghĩa bao trùm nhất - mới có thể trở thành cơ sở để lý giải cho những cống hiến không mệt mỏi, không ngơi nghỉ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của Nhân dân ta. Trái tim lớn ấy đã đập những nhịp đầy mạnh mẽ, để thôi thúc và từng bước hiện thực hóa khát vọng non sông trường tồn, đất nước cường thịnh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trái tim lớn ấy đã đập những nhịp hào sảng vì một “diện mạo Việt Nam mới” - để thế giới biết đến Việt Nam ngày nay không chỉ qua những bài học lịch sử, hay một quá khứ lịch sử hào hùng; mà còn là một Việt Nam đầy tự tin và mạnh mẽ trên trường quốc tế, sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy với các nước. Trái tim lớn ấy đã đập những nhịp đau đáu, vì lý tưởng của Đảng Cộng sản, vì uy tín và sự liêm chính của một Đảng cầm quyền - người đại diện cho lương tri và trí tuệ dân tộc, thời đại. Trái tim lớn ấy đã đập những nhịp thao thức về đội ngũ cán bộ, đảng viên rằng phải làm sao cho đội ngũ ấy xứng đáng với danh dự, phẩm giá của người đảng viên chân chính. Trái tim lớn ấy đã đập những nhịp hừng hực, để đốt lên “lò lửa” chống tham nhũng, tiêu cực, với mong mỏi Đảng ta mãi “là đạo đức, là văn minh”, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam...

“Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”

Để giờ đây, khi trái tim lớn ấy đã trở về với “thế giới người hiền”, thì ngọn lửa ông đã thắp lên - ngọn lửa của tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn, tự chủ, tự cường dân tộc; tinh thần tranh đấu không mệt mỏi của người cộng sản chân chính cho lý tưởng của Đảng; tinh thần quên mình vì nước, vì dân... - chắc chắn sẽ được khơi dậy trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam. Để từ “trái tim Đanko” ấy sẽ thôi thúc mỗi người tiếp tục giữ vững niềm tin và mạnh mẽ bước trên con đường phát triển đất nước mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Và dẫu trái tim ấy đã thôi thao thức, thì đất nước này sẽ mãi ghi tạc dấu ấn trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, phẩm giá con người Việt Nam rất mực đẹp đẽ ấy. Bởi một lẽ tất yếu, những người đã góp phần làm rạng danh dân tộc, thì luôn xứng đáng trở thành tượng đài: Một tượng đài về tinh thần chính nghĩa và lòng quả cảm của người cộng sản chân chính, mẫu mực trong lòng Nhân dân!

...

Ví như hoa sen, loài hoa sống trong bùn lầy nhưng lại là biểu tượng của vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết và ý chí kiên định, nghị lực sống kiên cường, bất khuất “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Con người mẫu mực về đạo đức, nhân cách, phẩm giá và lẽ sống ấy, đã trải qua vô vàn thách thức và cám dỗ, nhưng vẫn vẹn nguyên một trái tim hai phần tươi đỏ: Một cho Tổ quốc thân yêu và một cho Đảng quang vinh. Cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống trọn vẹn và thủy chung đúng như câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin (nhân vật trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky), mà ông đã thuộc nằm lòng. Đó cũng đồng thời là kim chỉ nam về lẽ sống, về lý tưởng sống cao đẹp của người cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng - học trò xuất sắc của người Thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, rằng: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân”!

Lê Dung

Tin liên quan:
  • “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất...”
    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhân cách lớn mang tầm thời đại

    Tôi có một tập bản thảo mang tên Những lá thư không gửi, gồm những lá thư tôi gửi cho những nhân vật nổi tiếng mà tôi ngưỡng mộ, những quan chức, những người nổi tiếng mà tôi không quen, trong đó có một lá thư tôi gửi cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố. Tôi linh cảm rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta đã chuyển mình sang giai đoạn mới, với bước tiến mới. Khi được tin bác Nguyễn Phú Trọng bệnh nặng, tôi hiểu là bác sẽ mãi mãi không đọc được lá thư của tôi khi sách sẽ xuất bản.

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]