Sự mở rộng AUKUS: Có thể xuất hiện một liên minh quân sự mới?
Ngày 9/4/2024, đại diện của Bộ Quốc phòng 3 nước Mỹ, Australia và Anh đã đưa ra tuyên bố về khả năng New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản trở thành thành viên mới của AUKUS. Cuộc thảo luận về khả năng mở rộng của AUKUS diễn ra khá lâu và chỉ trở nên căng thẳng hơn sau khi liên minh chuyển sang giai đoạn phát triển thứ hai - cái gọi là “Trụ cột 2”, bao gồm việc nhấn mạnh vào cùng phát triển các công nghệ quân sự tiên tiến. Đánh giá sự quan tâm của các ứng viên tiềm năng khi gia nhập AUKUS, triển vọng mở rộng AUKUS có thể là một nhân tố quan trọng, tác động đến cục diện chính trị - quân sự khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời gian tới?
Những ưu tiên phát triển mới của AUKUS
AUKUS ban đầu được hình thành như một dự án tập trung vào Australia. “Trụ cột I” liên quan đến việc luân phiên triển khai các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ và lớp Astute của Anh tới các căn cứ quân sự ở Australia, trao đổi kinh nghiệm và đào tạo lực lượng Hải quân Australia, trang bị tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Việc nhấn mạnh vào tàu ngầm hạt nhân phù hợp với định hướng chung của Mỹ hướng tới xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và củng cố các vị trí chiến lược của nước này tại khu vực. Australia giữ vị trí kết nối các không gian của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, và theo kế hoạch, nước này sẽ tăng cường vai trò là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực.
“Trụ cột 2” hướng đến sự hợp tác rộng rãi trong các lĩnh vực, như an ninh mạng, công nghệ lượng tử, vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh, chiến tranh điện tử tiên tiến, đổi mới và chia sẻ dữ liệu. Ý nghĩa chung trong khuôn khổ “Trụ cột 2” ở giai đoạn hiện nay là đồng bộ hóa các quy trình công nghệ và hệ thống pháp lý của các quốc gia thành viên nhằm thiết lập sự hợp tác trực tiếp và thực hiện các dự án trong các lĩnh vực này. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên AUKUS ngày 8/4/2024 cũng xác định việc hài hòa hóa các chính sách và pháp luật phục vụ cho việc phát triển và sản xuất các sản phẩm quốc phòng, đơn giản hóa các điều kiện kiểm soát xuất khẩu và hình thành hệ thống buôn bán vũ khí không có giấy phép, tăng cường mối quan hệ giữa các doanh nghiệp như một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong công nghiệp quân sự của ba nước, cũng như sự tham gia của các đối tác đáng tin cậy mới trong việc thực hiện các dự án khác nhau của Trụ cột 2. Từ xu hướng phát triển mới trên, các nước thành viên có ý định mở rộng AUKUS, nâng tầm tổ chức này từ một dự án tập trung vào Australia thành một liên minh ổn định với vai trò nhiều mặt trong khu vực.
Những ứng viên tiềm năng gia nhập AUKUS
Lựa chọn tiềm năng nhất để mở rộng AUKUS là sự tham gia của Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong nhiều năm qua, lợi ích của Mỹ là tạo ra tam giác Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản và kết hợp hợp tác quân sự - chính trị chặt chẽ với hai đồng minh. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu chiến lược của Mỹ đang dần được cụ thể hóa: Quan hệ giữa Seoul và Tokyo đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ; lực lượng vũ trang của ba nước đang tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn, và tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên tại Trại David vào tháng 8/2023, một chương trình nghị sự lớn về hợp tác an ninh ba bên đã được công bố, góp phần đưa quan hệ hợp tác Mỹ - Hàn - Nhật “nâng lên tầm cao mới”. Tuy nhiên, việc tăng cường bền vững và lâu dài mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là một nhiệm vụ khó. Vì lý do này, một giải pháp thay thế khả thi cho Washington trong việc phát triển tam giác là đưa Seoul và Tokyo vào cấu trúc an ninh đa phương hiện có ở AUKUS. Ngoài định hướng chính sách đối ngoại chung thân Mỹ, cả hai bên đều có ngành công nghiệp vũ khí và quân sự theo tiêu chuẩn Mỹ, điều này rất quan trọng trong bối cảnh nhiệm vụ chung của AUKUS là hội tụ công nghệ quân sự và hệ thống công nghiệp quân sự của các nước tham gia.
Trọng tâm chính của Mỹ hiện nay là hướng vào Nhật Bản. Washington ủng hộ chính sách tăng cường năng lực quân sự được nêu trong các tài liệu chiến lược năm 2022 của Nhật Bản, đặc biệt là việc sửa đổi 3 nguyên tắc chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu vũ khí. Hơn nữa, Mỹ quan tâm đến các cường quốc công nghệ tiên tiến góp phần bảo vệ lợi ích an ninh của Mỹ; do đó, ý tưởng tạo ra một hệ sinh thái buôn bán vũ khí không có giấy phép trong khuôn khổ AUKUS được tính đến. Bằng cách giảm bớt các rào cản chính trị trong nước, Nhật Bản không chỉ có thể cho phép Mỹ hưởng lợi từ việc trao đổi công nghệ và cung cấp quân sự của Nhật Bản, mà còn có thể thâm nhập các thị trường mới với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí.
Khía cạnh đơn giản hóa việc xuất khẩu vũ khí có vẻ kém hấp dẫn hơn đối với Hàn Quốc; bởi lẽ, Seoul là một nước xuất khẩu vũ khí lâu đời và có chỗ đứng ở nhiều thị trường trên thế giới. Một trong những bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc là Australia, nơi Hàn Quốc có nhiều thỏa thuận cung cấp các loại vũ khí khác nhau. Điển hình như Công ty Hanwha Defense của Hàn Quốc đang tập trung xây dựng một nhà máy ở Geelong (Australia), nhằm sản xuất đạn pháo 155mm. Tham gia hệ sinh thái AUKUS không có giấy phép có thể là một bước đi mạo hiểm đối với Seoul - bằng cách này, Hàn Quốc có thể mất đi vị trí đã có được, thất thế trước sự cạnh tranh từ các thành viên khác trong liên minh. Đây cũng là vấn đề phát sinh trong quan hệ hợp tác Mỹ - Hàn Quốc khi hai nước đồng minh đang đàm phán để ký kết Thỏa thuận cung cấp phòng thủ hai bên, nhằm dỡ bỏ các rào sản đối với buôn bán vũ khí giữa hai nước. Tuy nhiên, Seouk không vội đưa ra quyết định với các lý do nghiên cứu cẩn thận các điều khoản của thỏa thuận, nhằm không để các công ty quốc phòng địa phương rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.
Tương tự, trong trường hợp của AUKUS, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào mô hình thương mại quân sự cụ thể. Nếu các thành viên của liên minh, bao gồm cả các ứng viên tiềm năng, có thể đồng ý về các điều kiện phù hợp với từng nước và phân chia thị trường (ví dụ: Hàn Quốc sẽ có thể bảo vệ nguồn cung cấp pháo tự hành K9 như một phần của thỏa thuận trong Trụ cột 2; hay Mỹ, hợp tác với Nhật Bản, sẽ có thể phát triển tên lửa siêu thanh,...), thì một cấu trúc như vậy sẽ có ý nghĩa và mang tính khả thi cao. Nhưng dù sao, việc mở rộng AUKUS sẽ mất nhiều thời gian - theo đại diện của AUKUS, sẽ cần ít nhất “vài tháng tham vấn” để đưa các thành viên mới vào liên minh.
Trong những năm tới, hoạt động của AUKUS sẽ chủ yếu tập trung vào việc đồng bộ hóa khuôn khổ pháp lý và tiêu chuẩn công nghệ của các nước thành viên. Giải quyết các vấn đề pháp lý và khắc phục chế độ buôn bán vũ khí hiện nay để tiến tới mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái AUKUS không có giấy phép trong tương lai. Nhưng đây sẽ là một kế hoạch đầy tham vọng và đòi hỏi sự phối hợp lâu dài của các quốc gia thành viên.
Sự hội tụ công nghệ cũng cần thiết trong hầu hết các lĩnh vực hợp tác được công bố trong Trụ cột 2. Một ví dụ nổi bật là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), việc sử dụng AI trong thiết bị quân sự (máy bay không người lái, hệ thống điều khiển phương tiện chiến đấu, hệ thống theo dõi quá trình phóng tên lửa siêu thanh,...) được Mỹ và các đối tác tin tưởng. Do tính không rõ ràng của các mô hình AI, để các công nghệ tương ứng vận hành đúng cách, cần có các tiêu chí, tiêu chuẩn chung để phát triển, thử nghiệm và đánh giá hoạt động của hệ thống; nếu không có điều đó thì việc dự đoán và hiểu rõ hành vi của hệ thống AI sẽ vô cùng khó khăn. Tất cả điều này cũng sẽ đòi hỏi các nước đồng minh thực hiện nhiều công việc sơ bộ trước khi có thể tiến hành ngay các dự án chung.
Như vậy, “Trụ cột 2” liên quan đến một tập hợp lớn các dự án hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, được các nước thành viên AUKUS thống nhất có vẻ mang ý nghĩa ý thực hệ lớn hơn là ý nghĩa chiến lược quân sự. Triển vọng mở rộng AUKUS là rất có khả năng - do sự gia nhập của những thành viên mới có ngành công nghiệp quân sự phát triển và lĩnh vực công nghệ cao. Những ứng viên tiềm năng, như Nhật Bản, Hàn Quốc, khi trở thành thành viên của AUKUS, có thể giúp liên minh thực hiện các dự án cụ thể, như trong lĩnh vực phát triển công nghệ AI, tác chiến điện tử, vũ khí siêu thanh,... Nhưng giá trị và ý nghĩa chiến lược của một liên minh như vậy là không cao, bởi vốn là một tập hợp các dự án riêng lẻ không có nghĩa vụ và cơ cấu thể chế rõ ràng. Chỉ khi các đồng minh thực sự phát triển nhận thức chung về AUKUS như một không gian có tác tiêu chuẩn công nghệ và chế độ pháp lý chung, thì kế hoạch mở rộng AUKUS và cụ thể hóa “Trụ cột 2” của Mỹ mới được thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:03:00
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria
-
2024-12-12 07:26:00
Hàng triệu người Syria bắt đầu hồi hương với kỳ vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn
-
2024-05-10 07:06:00
Ấn Độ và tham vọng trở thành siêu cường kinh tế
EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng?
AI thành tâm điểm khi mùa báo cáo thu nhập của các công ty công nghệ Mỹ đến gần
Indonesia: Trách nhiệm thực hiện cam kết của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto
10 năm Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột Ukraine ngày nay
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử: Sự lựa chọn dựa vào nội lực
Một năm sau khi Credit Suisse sụp đổ, ngành ngân hàng châu Âu vất vả phục hồi
Thách thức từ “cơn sóng bạc” đối với các nền kinh tế châu Á
Hong Kong tham vọng trở thành trung tâm tài chính và công nghệ Xanh quốc tế
Xung đột Hamas-Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%