Ấn Độ và tham vọng trở thành siêu cường kinh tế
Thành phố Mumbai từ trên cao. (Ảnh: The Wall Street Journal)
Tháng 5/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính 2024-2025 từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng Một) lên 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.Báo cáo của IMF nhấn mạnh rằng "Ấn Độ và Philippines là nguồn gốc của những bất ngờ tăng trưởng tích cực liên tục, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa mạnh mẽ, ổn định."
Ngoài ra, IMF đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trong năm tài chính 2023-2024 của Ấn Độ lên 7,8%, từ ước tính 7,6% của chính phủ nước này.
Trước đó, IMF cũng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Ấn Độ có thể sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2025, qua đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. IMF ước tính GDP của Ấn Độ có thể đạt 4.330 tỷ USD vào năm 2025, sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đó, và cao hơn mức 4.310 tỷ USD của Nhật Bản.
Một Ấn Độ hiện đại hơn
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ dường như đã sẵn sàng trở thành cường quốc kinh tế của thế kỷ 21. Hiện nay, nước này được coi là một giải pháp thay thế Trung Quốc trong mắt những nhà đầu tư và thương hiệu tiêu dùng đang hướng đến tăng trưởng, cũng như những nhà sản xuất đang tìm cách giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng.
Trong khi quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng căng thẳng, Ấn Độ lại có quan hệ lành mạnh với hầu hết các nền kinh tế lớn và đang tích cực thu hút các công ty lớn thành lập nhà máy ở nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện GDP bình quân đầu người, vốn là thước đo về mức sống của người dân. Hồi năm 2022, nước này chỉ đứng thứ 147 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số này.
Theo Giáo sư kinh tế vĩ mô Guido Cozzi tại Đại học St Gallen ở Thụy Sỹ, nền kinh tế phát triển sẽ “tác động nhỏ giọt đến GDP bình quân đầu người” của Ấn Độ. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự nhỏ giọt này sẽ không thể giúp giảm bớt bất bình đẳng về thu nhập, và các chính sách thúc đẩy tăng trưởng bao trùm có thể là cần thiết.
Giống như Trung Quốc đã làm cách đây hơn ba thập kỷ, Ấn Độ bắt đầu chuyển đổi cơ sở hạ tầng quy mô lớn bằng cách chi hàng tỷ USD vào việc xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt.
Cùng lúc đó, các nhà đầu tư tư nhân đang xây dựng nhà máy năng lượng xanh lớn nhất thế giới. Trong ngân sách liên bang năm 2024 của Ấn Độ, 134 tỷ USD đã được chi cho chi tiêu vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết quả đã được nhìn thấy trên thực tế, với việc xây dựng rầm rộ đang được tiến hành trên toàn quốc. Ấn Độ đã bổ sung gần 55.000 km mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tăng 60% về chiều dài tổng thể, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2023.
Phát triển cơ sở hạ tầng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, bao gồm tạo việc làm và cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh.
Trong những năm gần đây, quốc gia Nam Á này cũng đã xây dựng một loạt nền tảng công nghệ - được gọi là cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số - nhằm thay đổi cuộc sống và hoạt động kinh doanh.
Ví dụ, chương trình Aadhaar được triển khai năm 2009 đã lần đầu tiên cung cấp cho hàng triệu người Ấn Độ định danh cá nhân. Cơ sở dữ liệu sinh trắc học lớn nhất thế giới cũng đã giúp chính phủ tiết kiệm hàng triệu USD bằng cách giảm tham nhũng trong các sáng kiến phúc lợi.
Một nền tảng khác, Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI), cho phép người dùng thực hiện thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Nền tảng này đã được người Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp xã hội đón nhận, từ chủ quán cà phê đến người ăn xin, và cho phép hàng triệu USD chảy vào nền kinh tế chính thức.
Vào tháng 9/2023, ông Modi cho biết nhờ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, “Ấn Độ đã đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện chỉ trong 6 năm, điều mà lẽ ra phải mất ít nhất 47 năm.”
Siêu cường chứng khoán
Sự phấn khích xung quanh tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ đã được phản ánh trên thị trường chứng khoán nước này, vốn đang đạt mức cao kỷ lục. Giá trị của các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của Ấn Độ đã vượt 4.000 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Ấn Độ có hai sàn giao dịch lớn: Sàn giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) và BSE, thị trường chứng khoán lâu đời nhất châu Á trước đây, còn được gọi là Sàn giao dịch chứng khoán Bombay.
NSE đã vượt qua cả Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và Sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc) để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 6 thế giới, theo dữ liệu từ Liên đoàn các sàn giao dịch thế giới được công bố hồi tháng 1/2024.
Tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước, cả nhỏ lẻ và tổ chức, đã góp phần đưa thị trường chứng khoán Ấn Độ lên những đỉnh cao chưa từng thấy. Theo Macquarie Capital, chỉ riêng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã sở hữu 9% giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ, trong khi mức này của các nhà đầu tư nước ngoài là dưới 20%.
Các nhà phân tích kỳ vọng đầu tư nước ngoài sẽ tăng vào nửa cuối năm 2024, sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Những nhà máy hoạt động hết công suất
Chính phủ Thủ tướng Modi đang cố gắng tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều công ty quốc tế muốn đa dạng hóa hoạt động của họ ra khỏi Trung Quốc, nơi họ phải đối mặt với những trở ngại từ thời đại dịch và bị đe dọa bởi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã triển khai chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trị giá 26 tỷ USD để thu hút các công ty thành lập sản xuất trong 14 lĩnh vực, từ điện tử và ô tô đến dược phẩm và thiết bị y tế.
Kết quả là, một số công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả nhà cung cấp Foxconn của Apple, đã mở rộng hoạt động đáng kể ở Ấn Độ. Tỷ phú Elon Musk mới đây cho biết trên mạng xã hội X rằng ông “rất mong chờ” được gặp ông Modi ở Ấn Độ dù không đưa ra ngày cụ thể.
Ông chủ Tesla dự kiến sẽ sớm công bố khoản đầu tư lớn vào Ấn Độ, trong đó nhà sản xuất ô tô này được cho là đang lùng sục khắp đất nước để tìm địa điểm thích hợp cho nhà máy châu Á đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.
Hai năm trước, Apple chỉ bắt đầu lắp ráp các mẫu máy iPhone tại Ấn Độ sau 7-8 tháng sau khi sản phẩm được ra mắt. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi vào tháng 9/2022, với việc thời gian sản xuất được rút ngắn xuống chỉ vài tuần sau khi những chiếc iPhone 14 đầu tiên được bán ra.
Các nhà phân tích gọi sự thay đổi trong chiến lược là một thắng lợi lớn cho ông Modi, vì mối quan hệ sản xuất ngày càng tăng với một “gã khổng lồ” của Mỹ như Apple sẽ lần lượt thu hút những công ty toàn cầu khác hoạt động trong hệ sinh thái sản xuất điện tử đến Ấn Độ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, đến cuối năm 2025, 23% sản lượng iPhone sẽ được sản xuất tại Ấn Độ, từ mức chỉ 6% của năm 2022.
Những điều cần cải thiện
Mặc dù vậy, kinh tế Ấn Độ vẫn có những điểm chưa hoàn hảo. Nếu tái đắc cử, ông Modi phải giải quyết thách thức to lớn là tạo ra hàng trăm triệu việc làm cho người dân phần lớn vẫn còn nghèo khó.
Với độ tuổi trung bình là 29, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, nhưng quốc gia này vẫn chưa thể khai thác được những lợi ích kinh tế tiềm năng từ dân số đông và trẻ của mình.
Theo một báo cáo công bố hồi tháng 3/2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), những người Ấn Độ có trình độ học vấn trong độ tuổi từ 15 đến 29 có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những người không được đi học. Điều này phản ánh “sự không phù hợp giữa nguyện vọng và công việc hiện có của họ.”
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Ấn Độ hiện cao hơn mức toàn cầu, báo cáo cho biết thêm. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ có bằng tốt nghiệp là hơn 29%, cao hơn gần 9 lần so với những người không biết đọc hoặc viết.
Báo cáo của ILO viết: “Kinh tế Ấn Độ đã không thể tạo đủ việc làm được trả lương trong các lĩnh vực phi nông nghiệp cho những người mới gia nhập lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn, điều này được phản ánh qua tỷ lệ thất nghiệp cao và ngày càng tăng”./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-21 08:11:00
“Thời đại hoàng kim” của nước Mỹ bắt đầu
-
2025-01-21 06:47:00
Ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng: Ổn định hay biến động?
-
2024-05-06 06:28:00
EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng?
AI thành tâm điểm khi mùa báo cáo thu nhập của các công ty công nghệ Mỹ đến gần
Indonesia: Trách nhiệm thực hiện cam kết của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto
10 năm Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột Ukraine ngày nay
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử: Sự lựa chọn dựa vào nội lực
Một năm sau khi Credit Suisse sụp đổ, ngành ngân hàng châu Âu vất vả phục hồi
Thách thức từ “cơn sóng bạc” đối với các nền kinh tế châu Á
Hong Kong tham vọng trở thành trung tâm tài chính và công nghệ Xanh quốc tế
Xung đột Hamas-Israel: Nền kinh tế tại Dải Gaza “lao dốc” hơn 80%
Kế hoạch đưa quân đội Israel đổ bộ vào Rafah: Cả thế giới lo ngại