Sự học ở Làng Chảo
Mây đen chực chờ thả mưa xuống những con đường đất. Tiếng trưởng thôn Làng Chảo Hà Văn Khánh vang trên loa truyền thanh đề nghị người lớn đi đón trẻ sớm.
Nhóm trẻ từ 5 - 6 tuổi học nhờ trong nhà văn hóa thôn.
Thôn nhỏ phía bên kia sông Chàng
Dưới mái nhà sàn, bà Vi Thị Lan sắp xếp lại mấy cuộn chỉ thêu, ngó ra sân. Đám lá khô xoay tròn rồi cuộn tung trên nền đất. Vợ chồng con trai đi làm ở Bắc Ninh, gửi hai con nhỏ ở quê cho bà. Mỗi ngày bà đưa đón các cháu đi học rồi về cơm nước, vườn tược. Đoán rằng, trời sẽ mưa, bà đi vào bếp tìm chiếc áo mưa gấp gọn, rồi lật đật ra khỏi nhà.
Để ra trung tâm xã đón cháu trai đang học tại trường tiểu học, bà phải đi bộ qua con đập tràn vắt ngang suối Chàng, rồi cứ thế bám vào con đường nhấp nhô sỏi đá mà đi. Mất khoảng 30 phút, bà mới ra đến trung tâm xã. Cháu trai 10 tuổi ngoan ngoãn theo chân bà về thôn đón em gái đang học mầm non tại điểm trường thôn Làng Chảo.
Biết bao năm tháng trôi qua, những đứa trẻ lớn lên đến tuổi học tiểu học đều phải vượt sông Chàng ra trung tâm xã học tập.
Đập tràn qua sông Chàng.
Thôn Làng Chảo, xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân nằm gọn trong một thung lũng, được con sông Chàng ôm ấp. Làng Chảo đã từng là ốc đảo biệt lập với thế giới bên ngoài, trước khi đập tràn qua sông Chàng và con đường huyết mạch nối trung tâm xã vào làng được nâng cấp, sửa chữa. “Mỗi khi vào điểm trường, chúng tôi phải đi cùng để giúp nhau vượt qua những đoạn nguy hiểm. Nhất là những hôm trời mưa to, đường trơn, nước sông Chàng dâng cao, chúng tôi phải ngồi chờ đến khi có đàn ông đi qua phụ giúp khiêng xe sang sông", cô giáo Lô Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Lâm nhớ lại.
Ước vọng bé nhỏ của cô giáo Thuận
Đây không phải lần đầu bà Lan đi đón cháu trái giờ, cũng không phải lần đầu tiên cơn mưa cản đường về của bà cháu họ. Ở điểm trường mầm non Làng Chảo, học trò không chỉ nghỉ học vì thời tiết, mà đôi khi còn bởi những cuộc họp.
Giống như những bản, làng nghèo khác ở các huyện miền núi, điểm trường mầm non Làng Chảo vài chục năm về trước là công sức của bà con dân bản. Họ góp tre, ván gỗ, sức lực dựng nhà, dựng lớp. Những ngày trước năm học mới, phụ huynh Làng Chảo lại đợi nghe tin truyền thanh quen thuộc của trưởng thôn nhờ tu sửa lại phòng cho các con trước năm học mới. Nhưng, một ngày cách đây khoảng 20 năm, loa phát thanh của Làng Chảo phát một tin vui. Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ cho Làng Chảo một phòng học thay thế lớp học cũ thiếu an toàn. Trưởng thôn vận động bà con đến tháo dỡ những cột gỗ bị mọt đục rỗng từ trong ra ngoài; vận chuyển gạch, cát, đá... xây điểm trường.
Khuôn viên điểm trường Làng Chảo.
Những đứa trẻ Làng Chảo cứ yên bình trong tiếng ê, a mỗi ngày. Cho đến tháng 8/2018, thực hiện Quyết định số 3110/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Như Xuân sáp nhập thôn Làng Xắng, thôn Làng Lồng về thôn Làng Chảo. Từ đó, 42 học sinh độ tuổi mầm non cũng được quy về một mối là điểm trường Làng Chảo. Lớp học nhỏ không đủ đáp ứng nhu cầu của các em học sinh nên cô trò phải chia ra thành 2 nhóm lớp: 1 nhóm lớp 3 - 4 tuổi học ở phòng học cũ; 1 nhóm lớp 5 - 6 tuổi phải xin học nhờ một nửa nhà văn hóa của thôn, được ngăn đôi bằng tấm vải dù sẫm màu.
Nửa bên này các ông, các bác họp hành, tập văn nghệ. Nửa bên kia, những đứa trẻ ê a học chữ. Thi thoảng đang chơi, tụi nhỏ nhìn qua tấm vải thấy ông bà, bố mẹ đến nhà văn hóa có việc, lại khóc đòi về. Vậy nên thôn phải đưa ra giải pháp là nhường chỗ cho nhau. Thôn họp lâu thì lớp mầm non nghỉ. Thôn họp sáng thì lớp mầm non vào muộn, còn thôn họp chiều thì các con sẽ về sớm. Những người đứng lớp như cô Đông không thể làm gì nhiều, ngoài việc canh chừng hoặc mang bọn trẻ về nhà chăm những ngày thay đổi lịch đột xuất, bởi cha mẹ chúng không thể sắp xếp công việc đến đón.
Nhà văn hóa thôn Làng Chảo.
Dù phải học nhờ nhà văn hóa thôn nhưng điểm trường Làng Chảo vẫn được chú trọng xây dựng khu vệ sinh, bể nước rất đầy đủ. Môi trường học tập của các con được các cô giáo giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng. Hằng ngày, đến bữa ăn trưa, cán bộ chuyên trách từ điểm trường chính sẽ chở cơm vào cho các con ăn bán trú. Tuy nhiên, điểm trường Làng Chảo không có một sân chơi đúng nghĩa. Khoảng sân trước hội trường thôn chỉ rộng vài chục mét, mái che rộng hơn một sải tay. Những hôm trời râm mát, cô giáo còn có thể cho các em ra ngoài sân chơi đùa. Còn lại nắng nóng, mưa gió, mấy chục phút ra chơi, hơn 40 đứa trẻ chỉ có thể nô đùa trong lớp, trong nhà văn hóa và khoảng sân nhỏ có mái che.
Những phụ huynh như bà Lan trong khi mơ về một lớp học đúng chuẩn, vẫn sẽ chấp nhận phải đội gió mưa đi đón cháu sớm khi thôn có việc. Và những cô giáo mầm non như cô Thuận, cô Đông cùng mái trường nhỏ trở thành hy vọng của những người dân thôn nghèo vào một cuộc sống tươi sáng hơn cho con cái họ.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-13 07:30:00
Việt Nam giành 17 huy chương Olympic Hóa học châu Á 2025
-
2025-01-12 17:03:00
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chính thức trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân
-
2024-05-17 07:00:00
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024
Quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia, ngành giáo dục huyện Triệu Sơn ngày càng phát triển vượt bậc
Đẩy mạnh phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông
[Infographics] - 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024
Hội đồng Anh lên tiếng sau kết luận tổ chức “thi chui” của Bộ GD-ĐT
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Bá Thước
Thanh Hóa nằm trong các tỉnh có thí sinh đăng ký dự thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 nhiều nhất
Hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024
“Giảm nhiệt” trường thi
Ghi nhận từ mô hình “Trường học hạnh phúc”