(Baothanhhoa.vn) - Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những năm qua, TP Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Quyết tâm đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới (Bài 2): Nâng tầm và lực của hệ thống chính trị

Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, những năm qua, TP Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Quyết tâm đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới (Bài 2): Nâng tầm và lực của hệ thống chính trị

Cán bộ phường Đông Hải thăm tuyến đường mới được hình thành từ sự đồng thuận trong Nhân dân. Ảnh: P.V

Tinh gọn bộ máy

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là điều kiện mang tính quyết định, bảo đảm cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Để tinh gọn bộ máy từ cơ sở, cuối năm 2017, TP Thanh Hóa bắt tay vào thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố mới.

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản triển khai và thường xuyên theo dõi, bám nắm tình hình để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tại các xã, phường tiến hành rà soát số nhân khẩu, hộ khẩu của từng thôn, tổ dân phố; xác định ranh giới và xác định những thôn, tổ dân phố thuộc diện phải sáp nhập theo khung tiêu chí đã quy định. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, năm 2018, TP Thanh Hóa đã hoàn thành việc sáp nhập và thành lập thôn, tổ dân phố mới. Trước khi sáp nhập, thành phố có 421 thôn, tổ dân phố, sau sáp nhập, thành phố còn 311 thôn, tổ dân phố (giảm 110 thôn, tổ dân phố - nhiều nhất tỉnh). Sau 5 năm thực hiện, việc sáp nhập đã mang lại kết quả rất tích cực, góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, giảm chi từ ngân sách, nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả hoạt động của từng phố, thôn.

Sau khi thực hiện xong việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, TP Thanh Hóa tiếp tục triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, phường. Năm 2019, TP Thanh Hóa có 37 ĐVHC trực thuộc, gồm 14 phường và 23 xã. Trong 37 ĐVHC có 33 xã, phường chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; 13 xã, phường chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số; 2 xã chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Quy mô ĐVHC không đồng đều, một số ĐVHC quá nhỏ so với tiêu chuẩn hiện hành, gây khó khăn trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức bộ máy, biên chế ở các địa phương lớn; ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy và xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị làm việc nhiều...

Quyết tâm đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới (Bài 2): Nâng tầm và lực của hệ thống chính trị

TP Thanh Hóa ngày càng phát triển văn minh hiện đại. Ảnh: Minh Hiếu

Thực hiện Nghị quyết số 786 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, thành phố đã xây dựng đề án sắp xếp các ĐVHC cấp xã. Theo đó, thành phố đã quyết định nhập nguyên trạng xã Đông Hưng và phường An Hoạch, đổi tên thành phường An Hưng; nhập nguyên trạng xã Hoằng Lý và phường Tào Xuyên, lấy tên là phường Tào Xuyên; nhập nguyên trạng xã Hoằng Anh và xã Hoằng Long, đổi tên thành xã Long Anh. Sau sáp nhập, TP Thanh Hóa còn 34 ĐVHC trực thuộc như hiện nay (giảm 3 ĐVHC). Qua việc sắp xếp ĐVHC đã góp phần tinh gọn bộ máy, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách và huy động tốt hơn các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Từ những kết quả đạt được, TP Thanh Hóa đang tiếp tục nghiên cứu sắp xếp các ĐVHC không đủ tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích, dự kiến đến năm 2025 giảm còn 24 phường, xã.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy là nhiệm vụ được thành phố thực hiện thường xuyên, lâu dài gắn với công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Theo đó, năm 2021, TP Thanh Hóa đã tiến hành giải thể Phòng y tế thuộc UBND thành phố, chuyển chức năng tham mưu quản lý Nhà nước về y tế cho văn phòng HĐND và UBND thành phố. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tháng 6-2020, thành phố sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thông tin, Trung tâm thể dục, thể thao, Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch TP Thanh Hóa. Tháng 7-2022, thành phố tiếp tục sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2, Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư để thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Thanh Hóa. Sau khi rà soát các trường mầm non, tiểu học, THCS, đánh giá quy mô và điều kiện cơ sở vật chất từng lớp, thành phố đã tiến hành sáp nhập 13 trường thành 7 trường (giảm 6 đơn vị trường).

Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là việc lớn, việc khó và phức tạp. Vì vậy, TP Thanh Hóa đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất, đồng thời làm tốt công tác tư tưởng, tạo được sự đồng thuận từ cán bộ, đảng viên đến các tầng lớp Nhân dân. Bộ máy được tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần để thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Đảng bộ TP Thanh Hóa là Đảng bộ lớn nhất trong số các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy với 110 tổ chức cơ sở đảng, gần 24.000 đảng viên. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm, cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã lựa chọn “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới” là khâu đột phá để thực hiện. Đây được xem là bước cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ của thành phố trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Để hiện thực hóa khâu đột phá này đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, phẩm chất, trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ để đưa những chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp được xác định trở thành hiện thực sinh động. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thành phố tiến hành thường xuyên, khoa học và hiệu quả. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho bí thư và cấp ủy viên các tổ chức đảng về chuyên đề xây dựng đảng; tổ chức các lớp tập huấn về công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật đảng và nghiệp vụ công tác đảng viên. Gần đây nhất, tháng 3-2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2023 và dự kiến đến năm 2025. Theo kế hoạch này, thành phố sẽ cử 5 đồng chí diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có thời gian công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên đi đào tạo tiến sĩ; cử 20 đồng chí đi đào tạo thạc sĩ ở các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực được phân công. Việc đào tạo, bồi dưỡng đã có sự gắn kết cả về chuyên môn và lý luận theo hướng vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đương chức, vừa tạo nguồn cán bộ cho các nhiệm kỳ sau nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố văn minh, giàu đẹp.

Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Vì vậy, công tác quy hoạch cán bộ được thành phố thực hiện đúng người, đúng việc; quan tâm, đưa vào quy hoạch những cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất chính trị, năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kế cận. Công tác quy hoạch cán bộ ở các phòng, ban và phường, xã luôn đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính liên thông từ thành phố đến cơ sở và giữa thành phố với các ngành cấp tỉnh. Cùng với việc rà soát quy hoạch cán bộ theo nhiệm kỳ, tháng 4-2023, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành rà soát quy hoạch hàng năm để đưa ra khỏi quy hoạch đối với những đồng chí không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đồng thời bổ sung vào quy hoạch những nguồn mới diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ 2025-2030.

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ cũng mang nhiều dấu ấn nổi bật. Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên điều động, luân chuyển cán bộ từ thành phố về đảm nhiệm các chức danh chủ chốt tại phường, xã; từ cơ quan đảng, đoàn thể sang cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 199 đồng chí. Không chỉ dừng lại ở việc điều động, luân chuyển cán bộ, thành phố còn là địa phương đi đầu trong thực hiện bố trí hai chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND phường, xã không phải là người địa phương. Hiện nay, 34/34 phường, xã đã bố trí một hoặc hai chức danh nêu trên không phải người địa phương. Từ đó, khắc phục sự thiếu hụt cán bộ chủ chốt có năng lực ở cơ sở và xóa bỏ tư tưởng cục bộ khép kín, giảm sức ì của bộ máy, góp phần đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, phường; đồng thời tạo điều kiện để cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện, trưởng thành. Nhiều cán bộ trưởng thành từ cơ sở được bố trí, sắp xếp vào vị trí cao hơn. Đối với khối trường học, năm 2022 thành phố cũng đã hoàn thành việc luân chuyển đối với hiệu trưởng bậc tiểu học có thời gian công tác từ 6 năm trở lên; năm 2023 đã luân chuyển 32 đồng chí hiệu trưởng bậc mầm non và THCS.

Đồng chí Lê Doãn Thành, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Thanh Hóa cho biết: “Đội ngũ cán bộ là những người đóng vai trò quan trọng, quyết định tới kết quả hoạt động của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, công tác cán bộ được Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện một cách thận trọng, bài bản, theo đúng quy định của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác cán bộ, từ đó nâng tầm cả về lượng và chất theo hướng chuẩn hóa, trẻ hóa, bảo đảm cơ cấu nữ. Để tiếp tục hiện thực hóa công tác cán bộ, ngày 22-2-2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình số 33-CTr/TU về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý TP Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025” nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Thành công trong công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ là yếu tố quan trọng để TP Thanh Hóa lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ lớn, đưa thành phố ngày càng phát triển toàn diện, xứng tầm là đô thị loại I. Đặc biệt, việc lựa chọn và thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ chính là thành phố đã đi trước một bước nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, dám nghĩ, dám làm, có ý chí và khát vọng cống hiến để thực hiện tốt “Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040” vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Bài 3: Đột phá từ những thế mạnh.

Tin liên quan:
  • Quyết tâm đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới (Bài 2): Nâng tầm và lực của hệ thống chính trị
    Quyết tâm đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới (Bài 1): Kỳ vọng từ Quy ...

    “Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17-3-2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự kiện này đang thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân thành phố quan tâm, dõi theo với niềm tin tưởng và kỳ vọng vào những định hướng lớn mang tính đột phá, sáng tạo, mở ra thế và lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]