(Baothanhhoa.vn) - Gần 4 tháng qua, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thiếu tá Phan Thanh Hiệp, Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Yên Định không về nhà. Vợ anh là chị Đỗ Thị Anh, nhân viên Trạm y tế xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân cũng tất bật với công tác phòng, chống dịch ở địa phương.

"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai"

Gần 4 tháng qua, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thiếu tá Phan Thanh Hiệp, Trợ lý Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Yên Định không về nhà. Vợ anh là chị Đỗ Thị Anh, nhân viên Trạm y tế xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân cũng tất bật với công tác phòng, chống dịch ở địa phương.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai”

Tôi điện thoại cho anh Hiệp, sau mấy lần nghe thông báo: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”, thì điện thoại đổ chuông. Giọng một người đàn ông vang lên: “A lô! Tôi Hiệp nghe đây. Xin lỗi ai gọi đấy ạ!”.

Sau khi giới thiệu mình là phóng viên muốn tìm hiểu cuộc sống và nhiệm vụ anh đang thực hiện, anh Hiệp cho hay: “Phóng viên rất may vì hôm nay tôi có việc từ chốt về Đồn báo cáo công việc. Chứ ở trên chốt và trên đường tuần tra không có sóng điện thoại”. Thế là tôi lên gặp anh.

Qua câu chuyện với anh Hiệp được biết: Theo đề nghị của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, Bộ Tư lệnh Quân khu IV chủ trương điều cán bộ, chiến sĩ tăng cường hỗ trợ Bộ đội Biên phòng kiểm soát vùng biên. Anh cùng nhiều đồng đội khác đã xung phong lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Lên chốt với anh đợt này có Đại úy Lê Quang Thường, Trợ lý Tác huấn, Ban CHQS huyện Hoằng Hóa và Trung tá Trịnh Đình Hùng, Trợ lý Dân quân, Ban CHQS huyện Yên Định. Đã gần 4 tháng anh cùng đồng đội tăng cường cho Đồn Biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh, bám chốt chống dịch. Nhiệm vụ của các anh là tăng cường cho Tổ công tác Yên Lập, Đồn Biên phòng Yên Khương quản lý chặt chẽ biên giới, tuần tra kiểm soát nghiêm ngặt các đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép, không để dịch xâm nhập vào nội địa, đồng thời tuyên truyền người dân bản địa không vượt biên, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ thuộc về phần ai”

“Hằng ngày, anh em chúng tôi chia làm 3 ca, thay nhau tuần tra, kiểm soát biên giới. Hết ca trực thì tham gia bảo đảm hậu cần, trồng và chăm sóc thêm ít rau xanh cải thiện bữa ăn. Ở đây ngoài thực hiện “5K“, anh em chúng tôi còn thực hiện”3 không“: Không điện, không nước, không sóng điện thoại. Bạn của chúng tôi là lũ sên, vắt, muỗi. Mỗi ngày mà không bị đốt, cắn vài mũi là thấy nhớ vô cùng”, anh tếu táo.

Đang trò chuyện với anh Hiệp thì bất chợt cơn mưa dông ập đến, tôi nghe rõ tiếng mưa rừng xối xả như đang ném cơn tức giận xuống mặt đất. Anh Hiệp cho biết: “Do đang trong thời gian giao mùa nên thời tiết vùng biên giới thay đổi thất thường. Ngày thì nắng nóng khắc nghiệt, chiều bất chợt có mưa dông. Các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm tối, mưa gió, những vị trí đi lại khó khăn, hiểm trở để buôn lậu hay nhập cảnh trái phép. Do đó càng mưa gió, đêm tối, càng nơi hiểm yếu tinh thần cảnh giác của anh em chúng tôi càng cao".

Qua câu chuyện với anh, hình ảnh các chiến sĩ gác việc riêng, tham gia tuần tra bảo vệ biên cương Tổ quốc cứ hiện rõ về trong tâm trí. Bất kể ngày hay đêm, nắng gió hay mưa, những chiến sĩ mang trên mình màu xanh áo lính, bằng tình cảm, trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân, đôi chân các anh không ngừng nghỉ, vượt đèo cao, suối sâu, vực thẳm; băng mình trong đêm tối, dầm dề trong mưa gió, phơi mình dưới nắng cháy. Đôi mắt các anh sáng quắc, tinh thần tập trung cao độ, với trái tim nồng ấm của “Bộ đội Cụ Hồ” để đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

Dưới ánh sáng mờ đục của chiếc đèn pin năng lượng mặt trời, các chiến sĩ vừa ăn cơm, vừa trao đổi công việc, phân công nhiệm vụ cho ngày mai.

Anh Hiệp cho hay, đã là lính Cụ Hồ, vất vả, hy sinh anh không ngại, chỉ thương hai cháu ở nhà, xa cả bố lẫn mẹ, cũng may còn có bà và chị ở gần chăm sóc. Vài ba ngày anh mới điện thoại về động viên vợ và bà nội một lần, vì tới chỗ có sóng điện thoại phải đi bộ gần 4 km đường rừng.

Vợ anh Hiệp là chị Đỗ Thị Anh, nhân viên y tế Trạm Y tế xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân. Đầu tháng 7-2021 huyện chủ trương thành lập khu cách ly tại UBND xã Thọ Thắng cũ để cách ly F1 và công dân từ ngoại tỉnh trở về. Không chần chừ, chị gửi con cho bà nội và chị chồng chăm sóc, xung phong lên tuyến đầu chống dịch. 21 ngày chị phục vụ ở khu cách ly, cũng nằm trong khoảng thời gian anh Hiệp đang chống dịch ở biên giới. Thời điểm đó khu cách ly đón nhận và cách ly hơn 40 công dân. Công việc hằng ngày của chị là đo thân nhiệt, kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho công dân; nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, khi hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, chị cùng bộ đội và chiến sĩ dân quân tham gia vệ sinh khuôn viên, nấu ăn phục vụ công dân cách ly.

Đại dịch COVID-19 đang gây thiệt hại lớn về người và của cải, vật chất, biết bao cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, y tế, tình nguyện viên… đang ngày, đêm căng mình chống dịch trên tuyến đầu, thì câu chuyện gác việc riêng, tiên phong chống dịch của vợ chồng Thiếu tá Phan Thanh Hiệp và chị Đỗ Thị Anh thật đáng trân trọng. Những câu chuyện, những hình ảnh về họ khiến chúng ta thêm cảm phục và biết ơn. Họ đã và đang hy sinh những lợi ích riêng tư, đón nhận phần khó khăn, vất vả về mình. Nghĩ về họ, trong tôi bất chợt ngân rung lên giai điệu nhẹ nhàng của bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai… Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người. Ngày đêm canh giữ đất trời. Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân"…

Hoàng Thái


Hoàng Thái

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]