(Baothanhhoa.vn) - Biển mẹ bao la cho con người trăm, ngàn thứ quà. Ai đến với mẹ biển đều tự nhiên chọn món quà biển mà mình cần, mình thích và có khả năng lấy được. Nhờ những thứ quà mà mẹ biển ban tặng, nhiều đứa trẻ được đến trường, bộ mặt làng quê đổi mới...

Quà của biển

Biển mẹ bao la cho con người trăm, ngàn thứ quà. Ai đến với mẹ biển đều tự nhiên chọn món quà biển mà mình cần, mình thích và có khả năng lấy được. Nhờ những thứ quà mà mẹ biển ban tặng, nhiều đứa trẻ được đến trường, bộ mặt làng quê đổi mới...

Quà của biểnNước triều lên, những người lao động nhặt ngao thuê ở huyện Hậu Lộc men theo những tán rừng phòng hộ, trở về nhà.

Biến bãi bồi thành đất ruộng

Những năm gần đây, các loài thủy, hải sản hội tụ về sinh sản tại các bãi bồi rừng phòng hộ ven biển ngày càng nhiều, hình thành nên các bãi sò huyết, ngao... và cũng là nơi lý tưởng của các loài thủy sản khác như: cá ngát, tôm sú, tôm sắt, cá còi sinh sản. Chính từ sự đa dạng sinh học này đã góp phần mang đến nguồn thu nhập cho bà con ven biển.

Tại bãi bồi các xã Đa Lộc, Hải Lộc (Hậu Lộc), khoảng 10 năm trở lại đây ngao là loài thủy sản được nuôi trồng chủ yếu. Ở đó, cát được các hộ đổ xuống ven biển tạo thành các bãi triều để nuôi ngao. Nghề này đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Trung bình mỗi ha nuôi ngao, người dân đầu tư khoảng 400 triệu đồng (tiền ngao giống, cọc, lưới, công chăm sóc). Sau 16 - 18 tháng, ngao bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi ha được khoảng 800 triệu đồng, trừ mọi chi phí sẽ còn lãi 300 - 400 triệu đồng. Đầu năm thời tiết thuận lợi, môi trường nước ổn định, ngao phát triển tốt, hiện giá bán trên thị trường vào khoảng 17.000 đồng/kg, cao hơn hai giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài mang lại giá trị lớn cho các chủ hộ nuôi ngao, nghề này còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. Chị Vũ Thị Hồng, chủ cơ sở thu mua ngao Dục Hồng, thôn Yên Hòa, xã Đa Lộc, cho biết: Gia đình có hơn 30 ha nuôi ngao, số lao động thường xuyên làm việc tại cơ sở có thời điểm lên tới gần 30 người, mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Trời tờ mờ sáng, phía chân trời đang dần ửng hồng, cũng là lúc con nước hoàn toàn rút cạn, nước biển đã lùi về phía xa chỉ còn lại những bãi cát pha lẫn bùn bằng phẳng. Đây cũng là lúc những người lao động ven biển bắt đầu một ngày mưu sinh. Từng tốp người tập trung chờ con nước rút, rồi men theo những tán rừng phòng hộ, đi về phía bãi ngao. Công việc của họ là nhặt thuê ngao thành phẩm, thậm chí nhặt vỏ ngao chết làm sạch bãi trước khi chủ nuôi lứa ngao mới.

Theo chị Nguyễn Thị Huệ, thôn Đa Phạm, xã Hải Lộc: Công việc tuy vất vả nhưng lại giúp cho kinh tế của gia đình ổn định và phát triển. Mỗi buổi chị làm khoảng 5 tiếng, nhặt được khoảng 80 - 90 kg ngao, tiền công mỗi giờ lao động là 30.000 đồng. Nếu nhận thêm công việc san đất xuống các điểm trũng của bãi ngao thì tiền công lao động sẽ là 50.000 đồng/giờ.

Được biết, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã xác định ngao là đối tượng tập trung ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh. Hiện nay, diện tích ngao nuôi toàn tỉnh là 1.247 ha; sản lượng hàng năm đạt 15.000 tấn. Doanh thu trung bình từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

Khi lộc biển là của chung

Khi những người đi nhặt ngao thuê hoàn thành công việc trở về nhà, bên kia cửa biển Lạch Trường, anh Nguyễn Văn Thảo, thôn 4, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), vẫn đang miệt mài với công việc. Vục nhẹ bàn tay xuống cát, anh Thảo lấy lên một vốc cát và mỉm cười hài lòng khi thấy có vài chục con ốc móng tay trắng, nhỏ lấp lánh. Anh khẽ reo vui: “Nhìn vầy là thấy có tiền rồi”. Nói xong, anh Thảo giở đồ nghề, cuốn chiếc đai cao su ngang hông, nối với chiếc cào bằng một sợi dây thừng. Cầm chiếc cào ốc có chiều cao khoảng 1,6m được làm bằng hai ống tre, xếp hình chữ A, anh Thảo bắt đầu công việc của mình. Do lưỡi cào được làm bằng kim loại, nhọn, sắc nên anh Thảo luôn phải đi giật lùi để tránh lưỡi cào cào vào bàn chân. Cứ rà được một đoạn, anh lại lắc nhẹ lưới để sóng rửa trôi bớt cát, lộ ra những con ốc trắng tinh. Anh Thảo chia sẻ: “Bữa nay biển êm, ốc vào nhiều, tôi phải tranh thủ cào, chắc sẽ trúng đậm”.

Vừa cào, anh Thảo vừa kể, trước đây, anh hành nghề đi bạn, đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng thời gian gần đây nghề biển thất thu, nên từ 2 năm nay, anh chuyển hẳn sang nghề cào ốc. “Bỏ ra 400 ngàn đồng mua chiếc cào, ra biển 2 tuần, tôi đã thạo nghề. Ngày nào ít nhất, tôi cũng cào được 40 - 50 kg ốc, vào mùa có ngày cào được cả 100 kg. Với giá bán bình quân 6.000 đồng/kg, công việc này cho thu nhập khá tốt, từ 300 - 400 ngàn đồng/ngày. Đi thuyền chuyến được, chuyến không, còn cào ốc bữa ít, bữa nhiều nhưng cứ ra biển là có tiền”, anh Thảo cười, ánh mắt reo vui.

Quà của biểnTrên một bãi triều rộng lớn 600 - 700 ha có hàng trăm người thu hoạch ngao.

Khác với những sản vật biển khác đang dần khan hiếm hay cạn kiệt, ốc biển vẫn khá dồi dào, thậm chí sinh sôi nảy nở khắp bãi rạn biển. Vô số các loại ốc với đủ kích cỡ, màu sắc, hình dạng khác nhau, được đặt nhiều tên riêng rất lạ lẫm, theo cách gọi của người dân, như: ốc quắn, ốc gai,... Những loài sinh vật biển này to nhỏ đủ kích cỡ, vỏ láng hoặc xù xì, óng ánh sắc màu; có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro, con đen tựa hòn than... Trong vô số loài ốc biển, thì ốc quắn chỉ to bằng mút đũa, nhưng người ta ưa nhất vì thịt chắc, béo và thơm.

Rà đi, rà lại chiếc cào trên bãi biển, ông Nguyễn Văn Chuyên, thôn 1, xã Hoằng Trường, vừa nói vọng ra xa khoe hôm nay khu vực này có rất nhiều ốc quắn. Theo lời người đàn ông gần 60 tuổi, ông từng làm đủ nghề nhưng nghề cào ốc cho thu nhập cao hơn cả. Buổi sáng, ông cào từ 4 - 6 giờ, chiều từ 2 - 6 giờ, tùy thuộc vào con nước. “Sáng nay, tôi cào được gần 50 kg ốc, bán với giá 9.000 đồng/kg. Cào ốc cũng như người đi mót lúa, “năng nhặt” thì sẽ “chặt bị”, ông Chuyên vui vẻ nói.

Theo những người làm nghề cào ốc, công việc này mang lại thu nhập khá cao, nên nếu như 5 năm trước chỉ có vài chục người thì hiện nay, từ khu vực biển Hoằng Hóa cho tới Sầm Sơn, “đội quân” mưu sinh bằng nghề cào ốc lên tới cả trăm người, tùy theo mùa vụ.

Tại bãi biển Lạch Hới, TP Sầm Sơn, ông Trần Văn Minh, một người cào ốc móng tay chia sẻ, người trong nghề chỉ cần ngó nghiêng thời tiết, dõi theo thủy triều là sẽ đoán được khu vực nào có nhiều ốc. Những hôm thời tiết thuận lợi không hẹn mà gặp, hàng chục người cùng kéo nhau ra bãi để cùng nhau chia “lộc biển”. Có lúc chỉ 1 - 2 km bờ biển đã có đến hàng chục người cùng cào ốc. Thế nhưng, họ chẳng bao giờ tranh chấp, cãi cọ nhau, trái lại với họ ra biển làm nghề càng đông càng vui. “Biển của chung mà, có lộc thì phải chia đều cho mọi người”, ông Minh hồn nhiên nói. Còn ông Nguyễn Văn Chuyên cũng chia sẻ: “Biển rộng thế, cứ chăm chỉ khắc có tiền, chẳng ai lo mất phần của mình!”.

Mặt trời khuất núi cũng là lúc những người cào ốc thu dọn đồ nghề và sản phẩm ra về, kết thúc một ngày làm việc vất vả. Trên gương mặt họ có chút mệt mỏi nhưng ánh lên niềm vui tươi vì đã có một ngày làm việc hiệu quả. Với họ, tất cả những gì biển mang đến đều là quà tặng của trời đất, thiên nhiên, xứ sở nên đều được đón nhận một cách trân trọng.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]