(Baothanhhoa.vn) - Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Thực tế này vô hình chung đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, khiến người dân mất cảnh giác và dễ dàng “mắc bẫy”.

Phòng, ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Sự phát triển của khoa học và công nghệ đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Thực tế này vô hình chung đã tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, khiến người dân mất cảnh giác và dễ dàng “mắc bẫy”.

Phòng, ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạngĐảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị thông tin thời sự và cập nhật kiến thức mới để nâng cao sức đề kháng về sử dụng mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên.

Theo các cơ quan chức năng, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Qua thống kê có khoảng hơn 20 thủ đoạn nhưng phổ biến hiện nay khiến người dân dễ bị “mắc bẫy” như: lừa tuyển cộng tác viên bán hàng hưởng hoa hồng; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng; lừa giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, ngân hàng; hack tài khoản mạng xã hội, giả danh người thân lừa đảo; kết bạn làm quen tặng quà qua mạng...

Ngoài ra, cũng đã và đang xuất hiện thêm các hình thức lừa đảo khác với các thủ đoạn mới và tinh vi hơn như: tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá, hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi qua các trang mạng điện tử, “app” vay tiền; quảng cáo, mua bán ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất độc, chất cấm; lừa đảo mua bán số lô, số đề; mua bán, chia sẻ giả mạo thông tin cá nhân tổ chức, thông tin sai sự thật với nhiều đường dây phạm tội hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia...

Trước tình hình tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng về số lượng, phương thức, thủ đoạn và hoạt động, Interpol đã liệt loại tội phạm này vào nhóm có nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất đối với nhân loại, ngang hàng với tấn công khủng bố, vũ khí hóa học và thảm họa hạt nhân.

Ở Việt Nam, tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm mạng cũng tác động tiêu cực trên nhiều mặt, ảnh hưởng toàn diện đến các giải pháp của Chính phủ về điều tiết, quản lý hệ thống tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, gây ra những bất ổn về an ninh - trật tự.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo đánh giá của Công an tỉnh, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xâm phạm trật tự xã hội và tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn, hoạt động mới, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến an ninh - trật tự, đời sống Nhân dân. Trong đó, đáng chú ý, chỉ trong năm 2023 lực lượng cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã phát hiện 124 vụ liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài; đã có 225 đối tượng thiệt hại trên 17 tỷ đồng.

Qua công tác đấu tranh, xử lý các vụ án cho thấy, nguyên nhân phát sinh tội phạm một phần do mô hình hoạt động của tội phạm mạng đã phát triển và ngày càng giống với các doanh nghiệp trực tuyến hợp pháp; việc phát triển của công nghệ được ứng dụng rộng rãi bị tội phạm lợi dụng và khai thác triệt để; công tác bảo mật thông tin chưa được các cơ quan doanh nghiệp coi trọng; quản lý Nhà nước về mạng internet chưa có những chế tài đủ mạnh; trình độ dân trí về sử dụng mạng của người dân chưa đồng đều để tội phạm mạng lợi dụng, trong đó kịch bản chung vẫn là các đối tượng lợi dụng lòng tin, lòng tham hoặc sự sợ hãi của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật; công tác phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh với tội phạm; công tác hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh tội phạm còn hạn chế cũng là một trong các nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc phát sinh tội phạm hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này tại hội nghị thông tin thời sự và cập nhật kiến thức mới quý II/2024 của Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết: Cơ quan công an đã triển khai rất nhiều biện pháp, kể cả tuyên truyền và đấu tranh để nâng cao hơn nữa ý thức phòng tránh và sức đề kháng cho Nhân dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên thường xuyên xem các thông tin tuyên truyền về tội phạm lừa đảo trên các kênh truyền thông, mạng xã hội. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực. Khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất...

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]