(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, thời tiết đã bước vào thời kỳ cao điểm hanh khô, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt là ở một số huyện trọng điểm về cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa hanh khô, lực lượng kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCCCR; triển khai nhiều phương án thiết thực, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.

Phòng, chống cháy rừng mùa hanh khô

Hiện nay, thời tiết đã bước vào thời kỳ cao điểm hanh khô, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nguy cơ cháy rất cao, đặc biệt là ở một số huyện trọng điểm về cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa hanh khô, lực lượng kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương, chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCCCR; triển khai nhiều phương án thiết thực, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra.

Phòng, chống cháy rừng mùa hanh khôHạt Kiểm lâm Lang Chánh phối hợp với các lực lượng trong tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, PCCCR mùa khô hanh.

Huyện Lang Chánh hiện có gần 51.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Hiện nay, thời tiết đang bước vào thời kỳ khô hanh nên nhiều nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng. Trước thực trạng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh đã tham mưu cho UBND huyện xác định vùng trọng điểm cháy rừng với tổng diện tích trên 2.333 ha, tập trung ở 9 xã và 3 chủ rừng Nhà nước, gồm 93 khoảnh và 23 tiểu khu, trạng thái chủ yếu là cỏ tranh, lau lách, luồng, giang nứa, gặp điều kiện thời tiết hanh nắng dễ xảy ra cháy rừng. Cùng với đó, hạt chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ theo phương châm “4 tại chỗ” nếu có cháy rừng xảy ra.

Thực hiện tốt công tác dự báo, dự tính nguy cơ cháy rừng trong thời điểm khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao để các địa phương, chủ rừng tăng cường công tác PCCCR. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trong xử lý thực bì trồng rừng, canh tác đất lâm nghiệp và trong sinh hoạt của Nhân dân, khu dân cư sống trong và ven rừng, các khu vực dễ cháy để chủ động ứng phó khi cháy rừng xảy ra. Tổ chức phát dọn đường băng cản lửa, tu sửa hệ thống PCCCR đã được xây dựng; làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng, khu vực rừng trồng có nguy cơ cháy cao. Phối hợp với Đồn Biên phòng Yên Khương đôn đốc, hướng dẫn xã Yên Khương phối hợp với bản Mường Cân, huyện Sầm Tớ (Lào) thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR khu vực biên giới, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin và tích cực tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, PCCCR; chủ động phối hợp với các hạt kiểm lâm Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2 tổ chức tốt công tác phối hợp bảo vệ rừng, PCCCR vùng giáp ranh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chủ rừng, người dân chủ động PCCCR.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tỉnh ta hiện có hơn 648.370 ha đất có rừng, trong đó có 53.000 ha rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Hiện trạng rừng chủ yếu là rừng nứa, giang vầu, le, đặc biệt có trên 8.500 ha rừng thông có thực bì là ràng ràng, lau lách, thông tái sinh... có nguy cơ cháy rất cao. Để làm tốt công tác PCCCR mùa hanh khô, lực lượng kiểm lâm đã xác định và quản lý chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng ở từng khu vực, từng đơn vị, đặc biệt là đối với diện tích rừng thông, rừng trồng dễ cháy; tăng cường nắm bắt, giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh dẫn đến hủy hoại rừng; phối hợp với lực lượng biên phòng tăng cường trinh sát ngoại biên để phát hiện sớm các vụ cháy rừng từ nước bạn Lào có nguy cơ cháy lan sang Việt Nam. Tổ chức trực theo dõi 11 camera quan sát lửa rừng và các điểm trực gác lửa rừng tại các khu rừng trọng điểm.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra canh gác lửa rừng, quản lý chặt chẽ người ra vào rừng, không mang lửa, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng; quản lý chặt chẽ việc xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy và xử lý thực bì trồng rừng nhằm ngăn chặn không để cháy lan vào rừng.

Bên cạnh đó, hàng năm các huyện có rừng đã thực hiện có hiệu quả việc làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng thông, rừng trồng có nguy cơ cháy cao 650 ha; làm mới và tu sửa đường băng cản lửa 140 km tập trung tại các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Hoằng Hóa, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, hậu cần từ cấp tỉnh đến huyện, xã và chủ rừng Nhà nước; trong đó cấp tỉnh trên 800 người, cấp huyện 3.700 người, cấp xã, chủ rừng Nhà nước 15.300 người, cấp thôn, bản trên 56.000 người, với phương tiện máy móc gồm: 317 ô tô các loại, 24.772 xe máy, 40 máy bơm, 205 máy cắt thực bì, 247 máy thổi gió, 331 cưa xăng và trên 36.220 thiết bị, dụng cụ, công cụ chữa cháy rừng khác. Cùng với đó, củng cố và duy trì hoạt động của 1.960 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR ở các thôn, bản, 240 đội thanh niên xung kích, 263 trung đội dân quân tự vệ tại các xã, phường. Ngoài ra, làm tốt công tác phối hợp với lực lượng công an, biên phòng, quân sự xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”...

Đến nay, bên cạnh việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống do cháy rừng gây ra, lực lượng kiểm lâm tỉnh tiếp tục làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác PCCCR, quản lý chặt chẽ các nguyên nhân cháy rừng; tổ chức huấn luyện, tập huấn cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để làm tốt dự tính, dự báo cấp cháy rừng; duy trì chế độ tuần tra canh gác lửa rừng... và qua đó, hạn chế thấp nhất xảy ra cháy rừng trong mùa hanh khô năm nay.

Bài và ảnh: Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]