Phát huy vai trò tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn thì việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân.
Đoàn viên thanh niên xã Quang Chiểu giúp Nhân dân thu hoạch lúa nếp Cay Nọi.
Trước đây, anh Hà Văn Tén ở bản Pùng thuộc hộ nghèo của xã Quang Chiểu (Mường Lát). Quanh năm mưu sinh trên diện tích hơn 1ha nương rẫy vốn chỉ trồng ngô, lúa nương mà không đủ ăn. Trong tâm niệm của anh Tén là phải tìm hướng thoát nghèo, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa tìm được cây trồng, vật nuôi phù hợp. Năm 2021, khi nghe cán bộ bản tuyên truyền chủ trương của huyện, xã triển khai mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi, gia đình anh đã tiên phong đăng ký tham gia.
Theo tính toán của anh, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, hiệu quả kinh tế của lúa nếp Cay Nọi cao hơn từ 2 đến 3 lần so với các loại cây trồng bản địa khác.
Lúa nếp Cay Nọi có nguồn gốc từ Lào, được du nhập vào huyện Mường Lát từ những thập niên 80 của thế kỷ trước. Nếp Cay Nọi được xác định là một loại nếp quý, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Mường Lát. Lúa có hương vị thơm dẻo, phù hợp với đời sống bà con dân tộc, cũng là ẩm thực đặc trưng của địa phương...
Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu Vi Văn Hiện cho biết: Từ những giải pháp linh hoạt, phù hợp, gắn với công tác tuyên truyền, vận động, cũng như hiệu quả kinh tế của mô hình lúa nếp Cay Nọi đã dần tháo gỡ tâm lý lo lắng, e ngại về tương lai của cây trồng mới. Minh chứng là nhờ mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi mà đời sống Nhân dân được cải thiện. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 là 28% (nghèo đa chiều) thì đến năm 2024 giảm còn 13,6,7%. Hầu hết các hộ tham gia dự án có nguồn thu nhập ổn định và thêm tin tưởng, gắn bó với cây lúa nếp Cay Nọi. Điều đó cho thấy, vai trò của tổ chức đảng là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trong việc triển khai, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Trong quá trình nỗ lực xây dựng một số sản phẩm có lợi thế của địa phương trở thành sản phẩm OCOP, năm 2021 UBND huyện Mường Lát đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi” tại bản Pùng, xã Quang Chiểu. Quy mô của dự án được triển khai trên diện tích 50ha, có 220 hộ tham gia. Các hộ được tập huấn quy trình kỹ thuật thâm canh, áp dụng thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời cam kết thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình.
Từ thực tiễn cho thấy, sau khi huyện Mường Lát ban hành chủ trương xây dựng sản phẩm lúa nếp Cay Nọi thành sản phẩm OCOP, Đảng ủy xã Quang Chiểu đã chỉ đạo các chi bộ nông thôn quyết liệt triển khai, đưa mục tiêu phát triển lúa nếp Cay Nọi vào nghị quyết hằng năm. Các chi bộ phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên tuyên truyền, vận động và nêu gương trong việc đưa lúa nếp Cay Nọi vào sản xuất. Việc nắm tình hình, tiến độ triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng được chi bộ họp, đánh giá và thực hiện thường xuyên.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Lát Trần Văn Thắng cho biết: Có thể khẳng định, sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi được xem là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản... Hiện nay, huyện đang tiếp tục thực hiện chủ trương hỗ trợ người dân xây dựng “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Cay Nọi an toàn” nhằm giúp sản phẩm có chỗ trên thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đây chỉ là một điển hình cho thấy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thanh Hóa thời gian qua. Trong 11 huyện miền núi có rất nhiều địa phương đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi diện mạo của địa phương cũng như nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc.
Điển hình như Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở phân công cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Cụ thể là mô hình giống lúa Nhật J02 đã được sản xuất thành công ở 12/12 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 100ha, năng suất bình quân đạt 6,7 đến 7,5 tấn/ha, thâm canh cao đạt 8 tấn/ha; quy hoạch vùng chăn nuôi hữu cơ gắn với các sản phẩm chủ lực và con nuôi bản địa như vịt bầu Quan Sơn, lợn cỏ, lợn đen, gà đồi, gà Mông... tập trung ở các xã Na Mèo, Sơn Hà, Trung Hạ, Sơn Thủy, Trung Xuân và thị trấn Sơn Lư.
Cùng với tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, huyện Quan Sơn còn quan tâm, bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác cán bộ; xây dựng quy chế làm việc theo phương châm bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực đời sống; phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý Nhà nước trong tổ chức điều hành các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh...
Cán bộ lãnh đạo xã Bát Mọt (Thường Xuân) bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân.
Trong những năm qua, để phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Cụ thể là Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 27/11/2017 và Hướng dẫn số 03-HD/TU ngày 29/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Một số nội dung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)...
Để cụ thể hóa nghị quyết, cấp ủy các cấp đã tiến hành củng cố, sắp xếp, kiện toàn các tổ chức đảng vùng dân tộc thiểu số phù hợp với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy; lựa chọn, phân công những đồng chí là cấp ủy viên am hiểu phong tục, tập quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số để theo dõi, chỉ đạo các hoạt động tại các tổ chức đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề của cấp ủy đảng các cấp... Từ những giải pháp thiết thực trên đã góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị ở khu vực miền núi của tỉnh.
Bài và ảnh: Xuân Minh
{name} - {time}
-
2024-12-26 10:01:00
Hiến đất mở đường ở Đông Hải: Thành công từ sự đồng thuận
-
2024-12-25 20:59:00
Nghị quyết số 18-NQ/TW - Tiền đề xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (Bài cuối): Cuộc tái cấu trúc toàn diện
-
2024-11-25 11:33:00
MTTQ thị trấn Mường Lát phối hợp bảo vệ đường biên mốc giới
Thành Tâm xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”
Công tác tuyên giáo với sứ mệnh “đi trước mở đường”
Gieo “hạt giống đỏ” ở Hậu Lộc
Đảng bộ huyện Ngọc Lặc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng
Quan tâm phát triển đảng viên người công giáo
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa sai phạm
Thực tiễn và kinh nghiệm phát huy giá trị văn hóa trường đảng của cán bộ, đảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Thanh Hóa góp phần xây dựng chi bộ “4 tốt”
Quan Sơn chú trọng công tác luân chuyển, điều động cán bộ
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ thôn, tổ dân phố