(Baothanhhoa.vn) - Với khả năng kết nối tốc độ nhanh, không gian rộng, dễ dàng tiếp cận số lượng lớn khách hàng để giao dịch, trao đổi, nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, tiến hành các hoạt động giao dịch, mua bán pháo trái phép thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik tok,... Đặc biệt tại thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề, tình trạng này càng diễn biến phức tạp.

Phức tạp tình trạng mua bán pháo trái phép trên không gian mạng

Với khả năng kết nối tốc độ nhanh, không gian rộng, dễ dàng tiếp cận số lượng lớn khách hàng để giao dịch, trao đổi, nhiều đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, tiến hành các hoạt động giao dịch, mua bán pháo trái phép thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tik tok,... Đặc biệt tại thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cận kề, tình trạng này càng diễn biến phức tạp.

Phức tạp tình trạng mua bán pháo trái phép trên không gian mạngTràn lan những hội nhóm rao bán pháo hoa trên mạng xã hội Facebook.

“Chợ pháo” trên không gian mạng

Chỉ với từ khóa “pháo chơi tết”, công cụ tìm kiếm Facebook cho ra cả trăm kết quả, địa chỉ giao dịch khác nhau, như: pháo tết không cọc (pháo giá sỉ), pháo bi tết, pháo bi chơi tết, hội chơi pháo hoa... Đặc biệt, các nhóm này thu hút cả nghìn người theo dõi với hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ, giao dịch, mua bán. Để thu hút khách hàng, các chủ nhóm, chủ tài khoản này thường đăng tải nhiều hình ảnh về việc mua bán pháo, video quảng bá cảnh đốt pháo sôi động, cùng những khẳng định về nhiều loại giấy tờ cấp phép kinh doanh...

Lần theo nhóm “Pháo hoa tết 2023 rẻ không cọc” trên trang mạng xã hội Facebook, gần đây tài khoản này liên tục đăng tải thông tin quảng cáo các mặt hàng pháo, với các chủng loại như: pháo hoa đơn, pháo hoa giàn, pháo nổ dạng viên... Khảo sát các bình luận, giao dịch cho thấy, các đối tượng hoạt động hết sức tinh vi, kín kẽ. Các tài khoản chỉ nhắn tin riêng, không cung cấp tên đơn vị, cửa hàng, địa chỉ mua bán cụ thể. Đối với các nhóm riêng tư, nhóm kín, khách hàng chỉ khi là thành viên của nhóm thì mới có thể thực hiện giao dịch thông qua tin nhắn. Trong khi đó, với những nhóm công khai, các giao dịch cũng chủ yếu thực hiện qua tin nhắn Messenger riêng tư, hoặc kết nối, nhắn tin qua Zalo. Thực tế, khi phóng viên gọi đến những số điện thoại của các hội nhóm này, không ít số điện thoại trong trạng thái đang bị khóa, không liên lạc được hoặc đổ chuông nhưng không nhấc máy...

Trường hợp hiếm hoi phóng viên có thể liên hệ được là nhóm “Hội chơi pháo hoa Z121 Bộ Quốc phòng”, chủ tài khoản là Nguyễn Quốc T. Sau khi liên hệ đến số điện thoại 0853881xxx, người đàn ông tự xưng chủ tài khoản này thông tin về hình thức giao dịch. Cụ thể, theo chủ tài khoản này thì nếu mua lẻ pháo hoa giàn phun viên là 450.000 đồng/giàn phun viên; mua sỉ theo thùng, mỗi thùng là 24 giàn với giá 340.000 đồng/thùng.

Về hình thức giao dịch, theo chủ tài khoản, sẽ gửi qua nhà xe và thực hiện giao dịch 3 bên (người mua - người bán - nhà xe) khi nhận hàng. Cụ thể sẽ giao dịch bằng cuộc gọi video qua mạng xã hội, người mua sau khi kiểm tra hàng, có giấy tờ mua bán đầy đủ thì sẽ thực hiện việc chuyển khoản để thanh toán.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... thời gian gần tết, có sự xuất hiện của khá nhiều bài viết rao bán pháo hoa do Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất. Hai loại pháo hoa phổ biến, là giàn phun viên và giàn phun hoa được bán với giá dao động từ hơn 400.000-600.000 đồng/giàn. Hiện nay, hệ thống cửa hàng được phép kinh doanh pháo hoa của nhà máy Z121 đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, nguồn hàng vẫn chưa đủ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng. Lợi dụng điều này, các mặt hàng pháo hoa của nhà máy Z121 được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với đủ mức giá.

Mặc dù sản phẩm được rao bán có thể là pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất nhưng việc mua đi, bán lại các sản phẩm này trên mạng xã hội lại là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định 137 năm 2020 quy định việc kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm các điều kiện: Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa và phải được cơ quan công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh pháo hoa phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển, phòng cháy và chữa cháy. Người quản lý, người phục vụ có liên quan đến kinh doanh pháo hoa phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Chỉ được kinh doanh pháo hoa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Như vậy, các cá nhân, tổ chức không thuộc Bộ Quốc phòng và không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự... thì không được mua pháo hoa về bán lại.

Rõ ràng, hoạt động rao bán tự do pháo hoa trên mạng không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo và mất an toàn về phòng, chống cháy nổ. Đã có những trường hợp đối tượng yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền cọc để làm tin, sau khi người mua chuyển tiền, đối tượng lừa đảo sẽ biến mất và cắt đứt liên lạc. Bên cạnh đó, pháo hoa là mặt hàng cần được bảo quản cẩn thận, ngay cả người bán cũng phải được huấn luyện an toàn để phòng, chống cháy nổ. Khi mua hàng không rõ nguồn gốc trên mạng, người mua rất có thể nhận được loại pháo giả hoặc pháo kém chất lượng gây mất an toàn.

Lời cảnh tỉnh...

Dư luận còn chưa quên, thời điểm ngày 20-1-2021, Tòa án Nhân dân TP Thanh Hóa xét xử công khai vụ án hình sự đối với bị cáo Tào Trung D. (SN 1999, ở xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) về hành vi “Tàng trữ hàng cấm”. Theo cáo trạng, D. đã liên hệ và đặt mua của một người có nickname là “Pháo hoa” trên mạng xã hội một số lượng lớn pháo hoa trọng lượng 7,9 kg với giá thỏa thuận là 1.600.000 đồng nhằm mục đích để sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán. Sau khi nhận hàng, D. đã mang toàn bộ số pháo mua được về nhà trọ ở phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) cất giấu. Khi lực lượng công an thực hiện việc rà soát, kiểm tra, lo sợ bị phát hiện, D. đã mang toàn bộ số pháo trên ra đầu thú. Phiên tòa kết thúc bằng những giọt nước mắt muộn màng của D. chỉ vì nông nổi, thiếu hiểu biết đã phải chịu mức án 15 tháng tù giam, để lại nỗi đau, sự thương xót của mẹ già bệnh tật.

Theo số liệu tổng hợp năm 2022, các lực lượng của Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, đấu tranh bắt giữ, xử lý 36 vụ, 40 đối tượng, thu giữ hơn 187 kg pháo nổ các loại. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán, vận chuyển, chế tạo, sử dụng các loại pháo là sử dụng các trang mạng Facebook, Zalo để liên lạc... sau đó gửi theo đường bưu chính, chuyển phát nhanh. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép còn diễn biến phức tạp, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không khí vui xuân, đón tết cổ truyền của người dân. Để chủ động ngăn chặn hiệu quả tình trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an địa phương thực hiện quyết liệt một số nội dung trọng tâm như tham mưu cho các cấp chính quyền tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể, quần chúng ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo, tập trung vào các đối tượng trọng điểm như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, các hộ kinh doanh...

Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép; không tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí, vật liệu gây nổ. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời theo quy định. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

Hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện: Yên Định, Như Thanh, Triệu Sơn, Hoằng Hóa có một số cơ sở kinh doanh pháo hoa thuộc Bộ Quốc phòng, đã được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an cấp Giấy phép để hoạt động kinh doanh pháo hoa và các cơ sở kinh doanh pháo hoa khác thuộc Bộ Quốc phòng ở ngoài tỉnh. Người dân khi có nhu cầu sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các cơ sở kinh doanh pháo hoa hợp pháp này; không được mua pháo hoa từ các loại hình kinh doanh trái phép khác trên thị trường. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo. Mọi hành vi vi phạm tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 100.000.000 đồng hoặc bị xử lý hình sự theo các tội danh như: tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm... Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân mặc dù được phép sử dụng pháo hoa, nhưng nếu sử dụng pháo hoa tại nơi công cộng gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ Luật Hình sự.

Sơn Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]