07:10 08/06/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Đối thoại Shangri-La 20 là một trong những lát cắt nhỏ thể hiện quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu. Mỹ và Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục rơi vào các cuộc cạnh tranh chiến lược trên khắp các diễn đàn song và đa phương, đặc biệt là tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây là xu thế khó lòng đảo ngược trong tương lai sắp tới.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc nhìn từ Đối thoại Shangri-La 20

Đối thoại Shangri-La 20 là một trong những lát cắt nhỏ thể hiện quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu. Mỹ và Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục rơi vào các cuộc cạnh tranh chiến lược trên khắp các diễn đàn song và đa phương, đặc biệt là tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây là xu thế khó lòng đảo ngược trong tương lai sắp tới.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc nhìn từ Đối thoại Shangri-La 20

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Ảnh: AP.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, thường được biết với tên gọi Đối thoại Shangri-La, lần thứ 20 vừa kết thúc, một lần nữa lại trở thành tâm điểm nghị sự của thế giới khi mà những vấn đề nóng bỏng nhất của thế giới đương đại đều được xới lên tại đây. Bao trùm lên đó là những tranh cãi và mâu thuẫn gay gắt giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Từ một diễn đàn đa phương thúc đẩy đối thoại, tăng cường niềm tin, sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố an ninh khu vực, Đối thoại Shangri-La 20 đã trở thành nơi các nước lớn công khai chỉ trích và phê phán lẫn nhau. Có thể nói, sự kiện này là một minh chứng điển hình cho cạnh tranh giữa các nước lớn trong các cơ chế đa phương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mong muốn kiểm soát xung đột nhưng chưa sẵn sàng đối thoại thực chất

Như bản chất khởi nguồn của nó, Đối thoại Shangri-La 20 diễn ra với kỳ vọng của nước chủ nhà Singapore về một không gian đối thoại cởi mở, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, từ đó làm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung xoay quanh những vấn đề an ninh tại khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhấn mạnh: “Rõ ràng “con voi” trong phòng là quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc” và rằng “các bạn [Mỹ và Trung Quốc] sẽ không thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì nếu không thể đưa ra những giải pháp chung hay tìm ra một con đường chung cho tương lai phía trước”.

Chính Mỹ và Trung Quốc cũng hiểu rõ vai trò vấn đề đối thoại và giữ cuộc cạnh tranh giữa hai nước ở mức độ có thể kiểm soát được. Hiển nhiên, quan hệ Mỹ - Trung liên quan mật thiết đến sự ổn định chiến lược của toàn cầu. Vì vậy, lãnh đạo cấp cao của hai nước đã đều khẳng định đối thoại là điều cần thiết, đặc biệt là giữa các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai bên đều cho thấy những dấu hiệu của việc chưa sẵn sàng cho những cuộc đối thoại.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc nhìn từ Đối thoại Shangri-La 20

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters.

Trước thềm Hội nghị, Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra thông báo sẽ không có các cuộc trao đổi trực tiếp bên lề hội nghị lần này. Qua các bài phát biểu riêng trong hai ngày 3/6 và 4/6, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc trực tiếp chỉ trích nhau về việc thiếu “thiện chí và chân thành” khi mong muốn có các cuộc gặp gỡ và trao đổi trực tiếp. Cả hai cũng liên tục đổ lỗi cho nhau khi đẩy quan hệ hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng ngày càng leo thang. Rõ ràng, không như kỳ vọng ban đầu, Đối thoại Shangri-La 20 đã trở thành nơi những xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng lên.

Những tranh cãi không hồi kết

Trong hai bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện mong muốn xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đóng góp và có trách nhiệm. Cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực thể hiện vai trò tích cực đối với các vấn đề an ninh và phát triển với mục tiêu xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực an toàn, tự do và cởi mở. Tuy nhiên, song song với những lời cam kết đó, hai bên đã có những cách thức khác nhau nhằm lên án, chỉ trích sự hiện diện và các động thái mở rộng ảnh hưởng tại khu vực.

Vấn đề Đài Loan và Biển Đông là hai chủ đề nóng, được hai nước tập trung thảo luận và phê phán lẫn nhau nhiều nhất. Đối với vấn đề Biển Đông, Washington đã trực tiếp phê phán các hành vi đe dọa tự do hàng hải và hàng không của quốc gia này và bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc không “sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc” vào các nỗ lực quản trị khủng hoảng. Đối với vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thậm chí gián tiếp gọi Trung Quốc là một “kẻ dọa nạt và ép buộc”. Mặc dù khẳng định chính sách của Mỹ là luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách “Một Trung Quốc”, song Mỹ cũng ngầm chỉ trích các hoạt động quân sự của Trung Quốc và bày tỏ thái độ kiên quyết phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên bán đảo Đài Loan, đồng thời cam kết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo Đạo luật Đài Loan.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc nhìn từ Đối thoại Shangri-La 20

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu trong phiên thảo luận sau khai mạc. Ảnh: TTXVN.

Ngay sau bài phát biểu của người đồng cấp, ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã có động thái đáp trả khi lên án các hành vi “bá quyền, cưỡng ép và can thiệp vào công việc nội bộ” của các nước bên ngoài khu vực, ở đây có thể ngầm hiểu là Mỹ. Trung Quốc cũng lên án việc Mỹ tập hợp lực lượng, lôi kéo các nước vào những liên minh mang tính đối đầu, gây chia rẽ, làm ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình của toàn khu vực. Đối với vấn đề Đài Loan, nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc khẳng định cứng rắn, Đài Loan là lợi ích cốt lõi và là công việc nội bộ của Trung Quốc, “nếu ai đó dám tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không chút do dự, không sợ hãi bất kỳ đối thủ nào và bằng bất kể giá nào sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Có thể nói, các điểm nóng tại châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là vấn đề Đài Loan và tình hình trên Biển Đông là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Cả hai đều coi đây là những vấn đề chiến lược, thường xuyên bị đem ra để chỉ trích, lên án lẫn nhau.

Xu hướng tập hợp lực lượng Mỹ - Trung tại khu vực

Cũng qua các diễn ngôn và hoạt động thực tế bên lề Hội nghị, có thể thấy tại châu Á - Thái Bình Dương đang hình thành các xu hướng tập hợp lực lượng xoay quanh hai trục Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh chú trọng tới các liên kết kinh tế, đẩy mạnh Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) và cam kết sẵn sàng chung tay với các nước trên con đường hiện đại hóa; thì Washington lại chú trọng tới các liên kết an ninh - chính trị. Các động thái của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La lần này đã phản ánh cách tiếp cận chung của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong lĩnh vực đối ngoại - coi trọng đa phương và khẳng định vai trò của các đồng minh, đối tác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy các cơ chế đa phương trong khu vực, trong đó bao gồm các cơ chế tiểu đa phương do Mỹ dẫn dắt là AUKUS (Mỹ, Úc, Anh) và Nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ). Ngoài ra, Washington cũng tái khẳng định các cam kết đối với các đồng minh và đối tác tiềm năng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipphines, Thái Lan, Ấn Độ…

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc nhìn từ Đối thoại Shangri-La 20

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (thứ hai từ trái qua, hàng sau), các bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện Đông Nam Á gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin (thứ tư từ trái qua, hàng sau) vào chiều 2/6 bên lề Đối thoại Shangri-La 2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Singapore/VTV.

Đáng chú ý, Việt Nam cũng được trực tiếp đề cập tới là một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ tại Đông Nam Á (bên cạnh Indonesia và Singapore). Từ đó, Mỹ không chỉ chú trọng kết nối song phương với từng đồng minh và các đối tác trong khu vực mà còn nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác giữa các “nan hoa” này lại với nhau, ví dụ như thông qua Tuyên bố chung Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản về vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa của Triều Tiên (ngày 3/6) hay đàm phán cấp Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên giữa Nhật Bản, Mỹ, Australia và Philippines (ngày 3/6).

Đối thoại Shangri-La 20 là một trong những lát cắt nhỏ thể hiện quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu. Mỹ và Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục rơi vào các cuộc cạnh tranh chiến lược trên khắp các diễn đàn song và đa phương, đặc biệt là tại châu Á - Thái Bình Dương. Đây là xu thế khó lòng đảo ngược trong tương lai sắp tới. Tuy nhiên, có thể thấy một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước hiện nay đó là cả Mỹ và Trung Quốc đều ý thức được vai trò của việc duy trì các cuộc cạnh tranh chiến lược ở mức độ có thể kiểm soát được. Tầm quan trọng của cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc từ lâu đã vượt ra ngoài quan hệ song phương và có thể ảnh hưởng tới toàn cầu. Những xung đột giữa hai “ông trùm” hàng đầu thế giới hiện nay đều có mang lại những nguy cơ tiềm ẩn lớn, tác động tới sự phát triển và ổn định của nhiều nước trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, cộng đồng quốc tế nói chung đều hy vọng vào một cặp quan hệ Mỹ - Trung phát triển lành mạnh và ổn định. Một lần nữa, cần phải thừa nhận rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay chính là cặp quan hệ định hình thế kỷ XXI.

Hồng Hạnh - Ngọc Hân


Hồng Hạnh - Ngọc Hân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]