(Baothanhhoa.vn) - Sau chặng đường hơn 10 năm, đến nhiệm kỳ này, XDNTM không còn đặt nặng vấn đề phát triển hạ tầng, xây dựng các chỉ tiêu theo yêu cầu chung mà hướng đến chiều sâu, phát triển những tiêu chí “mềm” như cảnh quan môi trường, phong trào văn hóa - văn nghệ, tình làng nghĩa xóm, nâng cao chất lượng cuộc sống...” – ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, chia sẻ.

Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài cuối): Dáng dấp những vùng quê đáng sống

Sau chặng đường hơn 10 năm, đến nhiệm kỳ này, XDNTM không còn đặt nặng vấn đề phát triển hạ tầng, xây dựng các chỉ tiêu theo yêu cầu chung mà hướng đến chiều sâu, phát triển những tiêu chí “mềm” như cảnh quan môi trường, phong trào văn hóa - văn nghệ, tình làng nghĩa xóm, nâng cao chất lượng cuộc sống...” – ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, chia sẻ.

Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài cuối): Dáng dấp những vùng quê đáng sốngPhát triển thương mại - dịch vụ phục vụ người dân ở xã NTM kiểu mẫu Vân Sơn (Triệu Sơn). Ảnh: Linh Trường

Đợt mưa gió giữa tháng 8 khiến lá cây rụng nhiều, nhưng đường nông thôn tại thôn 2, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) vẫn sạch sẽ, phong quang. Vừa quét dọn vệ sinh đoạn đường trước nhà, cụ Vũ Đình Thành – một người cao tuổi trong thôn vừa chia sẻ: “Dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường trong thôn đã trở thành việc làm hằng ngày của người dân địa phương. Không chờ phải phát động, cũng không phải theo định kỳ, mà gia đình nào thấy đoạn đường gần nhà có rác thì có trách nhiệm dọn vệ sinh - điều này đã được đưa vào quy ước của thôn trong quá trình XDNTM. Khi đã tạo được phong trào và hình thành nên ý thức, các hộ đều tự giác, tích cực thực hiện”. Cùng cảm nhận về cuộc sống mới ở thôn NTM kiểu mẫu của mình, anh Trương Trọng Tùng, 55 tuổi, người dân cùng thôn, vui vẻ: “Trước đây chúng tôi không nghĩ ở vùng quê mà nhà có số, đường thôn ngõ xóm ô tô tránh nhau thoải mái, cây xanh, đường hoa ven vỉa hè có khi còn đẹp hơn cả đô thị. Mỗi gia đình đều có thùng rác, có xe thu gom rác hằng ngày, quả là NTM đã kiến tạo được một môi trường sống sạch đẹp, đáng để gắn bó”.

Qua địa bàn nhiều thôn khác của xã Thiệu Trung, những tuyến đường đều được xây dựng khang trang rộng mở nhờ sự đồng thuận hiến đất, góp công lao động và kinh phí từ Nhân dân. Nơi đây, đường thôn đều có hệ thống cây xanh, rãnh thoát nước chạy dọc các tuyến. Hàng loạt nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố với kiến trúc hiện đại, có sân, vườn bài trí đẹp mắt, đang góp phần làm nên diện mạo mới cho các vùng quê. Tại thôn 4 trong xã, chương trình XDNTM còn được “nâng tầm” với các tiêu chí NTM thông minh. Nơi đây, ít nhất mỗi hộ dân phải có một người sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt các app phục vụ đời sống và các nhóm zalo trao đổi chung. Người dân không còn phải chen chúc đóng tiền điện, nước hằng tháng mà nộp qua tài khoản bằng điện thoại. Nhà văn hóa thôn có lắp đặt hệ thống wifi miễn phí, chiều chiều bà con tập trung đông đủ chơi thể thao, gặp gỡ giao lưu góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Việc mở loa truyền thanh tiếp sóng cũng như bật điện chiếu sáng các tuyến đường cũng được cài đặt tự động theo giờ trên điện thoại của trưởng thôn.

“Thôn 4 có 200 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, trước đây quản lý và triển khai các công việc khá vất vả. Nay áp dụng các tiến bộ công nghệ theo chương trình XDNTM thông minh, mọi việc trở nên gọn nhẹ, đơn giản. Mọi người có ý kiến hay triển khai chương trình gì đều tương tác trên các nhóm zalo chung, vừa dân chủ, vừa tạo sự gần gũi, dễ điều hành, dễ kêu gọi thực hiện các nhiệm vụ chung. Nhờ NTM, cả cán bộ thôn cùng người dân đang cùng đồng hành, cùng kiến tạo nên một cuộc sống mới và làng quê ngày càng giàu đẹp” – ông Nguyễn Xuân Giao, trưởng thôn 4, chia sẻ.

Tăng tốc XDNTM từ năm 2021 và 2022 đến nay theo bộ tiêu chí mới, 10 xã trên địa bàn tỉnh đã về đích NTM trong những tháng đầu năm 2023. Ở đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đều được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa 100%. Tuy ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc) đã thảm nhựa 15 km đường trong xã; xã Minh Sơn cùng huyện cũng thảm 10 km đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất và sinh hoạt cho Nhân dân. Qua thẩm định, cơ sở vật chất y tế, văn hóa, giáo dục ở các xã này được đầu tư khang trang, có đầy đủ trang thiết bị hoạt động. Đa phần các trường học trên địa bàn các xã đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó xã Minh Sơn 5/5 trường, xã Nguyệt Ấn 4/5 trường, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) 2/2 trường; các xã: Đồng Lộc, Cầu Lộc (Hậu Lộc) đều có 3/3 trường; xã Hà Ngọc (Hà Trung) có 2/2 trường... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét so với khi bắt đầu XDNTM. Thu nhập bình quân đầu người của các xã theo đó cũng tăng từ 2 đến 5 lần so với những năm đầu XDNTM. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của các xã cũng giảm xuống còn dưới 3% với các xã miền núi và dưới 1% với các xã vùng đồng bằng.

Với 13 xã NTM nâng cao vừa được công nhận trong năm 2023, phong trào hiến đất mở rộng đường nông thôn được phát động hiệu quả. Nhân dân các xã Quảng Trạch, Quảng Trường và Quảng Đức (Quảng Xương) lần lượt hiến 14.000m2, hơn 10.000m2 và gần 6.200m2 đất các loại để xây dựng các công trình công cộng. Các xã Xuân Thịnh (Triệu Sơn); Định Hưng và Định Bình (Yên Định); Nông Trường và Dân Lực (Triệu Sơn); Minh Tâm (Thiệu Hóa)..., người dân cũng hiến hàng nghìn m2 đất để cùng chính quyền địa phương xây dựng các công trình phúc lợi và mở rộng đường giao thông.

Cùng với hạ tầng, việc gây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo tiêu chí NTM để nâng cao thu nhập cho người dân được các địa phương quan tâm. Ngoài các ngành nghề nông thôn, nghề truyền thống, thì nông nghiệp có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Gần 3 năm qua, xã Minh Tâm chuyển đổi gần 60 ha đất lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại tổng hợp. Xã Dân lực chuyển đổi hơn 15 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Nhiều trang trại tổng hợp tập trung phát triển ở các xã vừa đạt chuẩn NTM nâng cao như: trang trại lợn công nghệ cao ở xã Quảng Đức (Quảng Xương) có quy mô 1.200 con; xã Xuân Thịnh có khu gia trại tổng hợp 15 ha... Với các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản thì hầu như các xã NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu gần đây đều phát triển mạnh. Cơ sở văn hóa cấp xã và thôn, trạm y tế và hệ thống công trình hạ tầng ở các xã vừa đạt chuẩn NTM các mức độ thời gian gần đây cũng được đầu tư bài bản, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống và các hoạt động của Nhân dân. Điều này cũng góp phần quan trọng đưa thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt từ 41 đến hơn 70 triệu đồng/người/năm.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, trong 2 năm 2021, 2022 và gần 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 42 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 13 xã và 284 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tiêu chí sản xuất phát triển cũng giúp các địa phương có thêm 282 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Lũy kế đến thời điểm tháng 8-2023, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 359 xã và 700 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã và 346 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 350 sản phẩm OCOP được công nhận; bình quân toàn tỉnh đạt 17,75 tiêu chí/xã.

Với những diễn biến và kế hoạch của các địa phương, ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn NTM (đạt 78,06%); trong đó, có 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 22,04% số xã), 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 4,68%); có 407 sản phẩm OCOP. NTM đa phần đang được xây dựng thiên về chất lượng mà nhẹ dần tính thành tích. Ở đó, người dân đích thực được hưởng lợi từ chương trình, giúp phát triển toàn diện các vùng quê.

Linh Trường

Tin liên quan:
  • Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài cuối): Dáng dấp những vùng quê đáng sống
    Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài 2): Điểm nhấn cơ chế ...

    Khi quyết tâm chính trị đã được tạo lập, thì thách thức về nguồn vốn thực hiện Chương trình XDNTM lại trở thành bài toán khó. Đúng lúc ấy, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kịp thời những cơ chế, chính sách khuyến khích, đồng thời có kế hoạch phân bổ vốn làm cơ sở, tạo thêm động lực để các đơn vị liên quan và địa phương thực hiện.

  • Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài cuối): Dáng dấp những vùng quê đáng sống
    Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài 1): Vượt khó để nâng ...

    Thực hiện đúng vào thời điểm Trung ương thay đổi các yêu cầu để nâng cao về “chất” trong XDNTM, nhưng Thanh Hóa đã thích ứng rất nhanh. Chương trình mục tiêu quốc gia này cũng được tỉnh chọn làm điểm để tổ chức sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đầu tiên trong các lĩnh vực bởi có những kết quả nổi bật.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]