(Baothanhhoa.vn) - Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang xảy ra và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, tại những địa phương đã công bố hết dịch và những trang trại chăn nuôi lợn, người chăn nuôi đã thực hiện tái đàn để cung ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vấn đề cần quan tâm khi thực hiện tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi

Những vấn đề cần quan tâm khi thực hiện tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi

Đàn lợn thịt của gia đình ông Cao Văn Lộc, xã Hà Phong (Hà Trung). Ảnh: Lê Hòa

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang xảy ra và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, tại những địa phương đã công bố hết dịch và những trang trại chăn nuôi lợn, người chăn nuôi đã thực hiện tái đàn để cung ứng nhu cầu thực phẩm cho thị trường.

Tính đến ngày 10-10, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 20.867 hộ của 1.984 thôn, 483/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy 162.766 con lợn, trọng lượng hơn 11.422 tấn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về kiểm soát vận chuyển, giết mổ và tiêu độc, khử trùng nên đã hạn chế được mức độ lây lan của dịch bệnh. Qua đó, trên địa bàn tỉnh có 2 huyện Mường Lát, Hà Trung và 106 xã đã công bố hết dịch. Tại những địa phương này, hoạt động tái đàn đang diễn ra rất khẩn trương, nhất là trong thời điểm hiện tại trên thị trường đang khan hiếm lợn thịt, giá lợn hơi tăng cao. Tuy nhiên, người chăn nuôi khá cẩn trọng trong công tác tái đàn, nhất là ở những hộ, trang trại chăn nuôi.

Chúng tôi đến xã Hà Phong (Hà Trung), thăm trang trại của gia đình ông Cao Văn Lộc. Đây là một trong những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn tại địa phương. Tuy nằm trong vùng dịch song nhờ tuân thủ, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mà ngành chuyên môn khuyến cáo nên trong “bão” DTLCP, trang trại của gia đình ông vẫn “đứng vững”. Tuy nhiên, quy mô nuôi giảm dần. Ông Lộc, cho biết: Nếu bình thường, quy mô nuôi của trang trại đạt 400 con/lứa, vào thời điểm dịch bệnh vừa qua, gia đình chỉ duy trì đàn khoảng 120-150 con/lứa. Đồng thời, thực hiện thả xen đàn để bảo đảm duy trì lượng lợn thịt cung cấp cho thị trường. Hiện tại, để cung ứng thịt cho thị trường dịp cuối năm, từ đầu tháng 9-2019, gia đình đã tái thả đàn lợn quy mô 200 con. Tuy nhiên, khi nhu cầu tái đàn lợn của người dân lớn, bên cạnh việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, gia đình khá cẩn trọng trong việc tìm kiếm nguồn giống, nguồn thức ăn bảo đảm tiêu chuẩn để tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Được biết, trên địa bàn huyện Hà Trung, nhiều hộ chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô lớn đã thực hiện tái đàn lợn để cung ứng cho nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Hà Trung, cho biết: Hiện tại, địa phương đã công bố hết dịch bệnh, do đó, việc tái và phát triển đàn lợn là hết sức cần thiết nhằm vực dậy kinh tế của các hộ chăn nuôi. Để thực hiện tái đàn hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân thực hiện vệ sinh chuồng trại khi tái đàn, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tìm kiếm, khuyến cáo người dân lựa chọn nguồn giống bảo đảm sạch bệnh, thực hiện tiêm phòng đầy đủ và các biện pháp cách ly chuồng trại để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình giá lợn tăng cao, mong muốn tái đàn lợn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, trong bối cảnh dịch bệnh đang còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn, nguy cơ tái phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra thì người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn. Trao đổi về vấn đề này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 1.731 thôn, 377 xã của 25 huyện, thị xã, thành phố có bệnh DTLCP chưa qua 30 ngày. Vì vậy các hộ chăn nuôi không nên vội vàng tái đàn, gia tăng đàn lợn vì hiện tại việc tìm kiếm nguồn giống an toàn, bảo đảm về chăn nuôi an toàn sinh học hay việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc giữa các vùng với nhau cũng rất dễ làm cho dịch bệnh lây lan trở lại. Để gia tăng hiệu quả cho ngành chăn nuôi, người dân có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế. Nếu người dân quyết định chăn nuôi lợn trở lại, cần lưu ý chỉ sử dụng con giống bảo đảm an toàn tại địa phương và ở ngoài vùng dịch. Đồng thời, thực hiện nghiêm khâu quản lý việc vận chuyển lợn giống, yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch âm tính với bệnh DTLCP, nơi xuất và đến phải có địa chỉ rõ ràng, cụ thể theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Hiện nay, để phòng chống bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng và tái bùng phát ở những điểm đã công bố hết dịch, tỉnh ta tiếp tục duy trì 7 trạm kiểm dịch cấp tỉnh, hơn 450 chốt kiểm dịch cấp huyện, xã và tăng cường hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn trái phép bên ngoài vào địa bàn; tiếp tục phun tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch và các vùng lân cận. Tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống, khống chế dịch. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn nếu muốn tái đàn vật nuôi; thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, tránh những thiệt hại về kinh tế do chủ quan, nóng vội.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]