(Baothanhhoa.vn) - Năm ấy, tôi đang học cấp ba thì giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Tuổi tôi mới mười bảy, ngấp nghé khám nghĩa vụ quân sự. Thật ra không ai bắt tôi đi khám vì nhà con một; nhưng đó là mục tiêu lớn nhất của tôi lúc bấy giờ.

Chiếc xe thồ của cha tôi

Năm ấy, tôi đang học cấp ba thì giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Tuổi tôi mới mười bảy, ngấp nghé khám nghĩa vụ quân sự. Thật ra không ai bắt tôi đi khám vì nhà con một; nhưng đó là mục tiêu lớn nhất của tôi lúc bấy giờ.

Chiếc xe thồ của cha tôi

Minh họa của Lê Hải Anh.

Tôi trúng nghĩa vụ quân sự, có giấy báo của huyện đội về xã. Tôi lo quá, vì việc đi nhập ngũ, tôi không nói với bố tôi. Nhưng lúc biết tin, ông không hề tỏ ra cáu gắt mà lại nói đùa cùng mẹ: - Thế là nó lớn khôn rồi!... Trong nhà có thêm người đàn ông để lo liệu. Mẹ tôi chép miệng một cái rõ dài: - Đi khám bộ đội mà không nói cho mẹ biết một lời. Tôi nhìn vào mắt mẹ... Chắc bà đã khóc nhiều, hai mí sưng húp. Tôi nói cho mẹ yên lòng:

- Cả nước người ta lên đường, con là thanh niên, mẹ bảo...

- Mẹ biết... Nhưng con đang học...

Không khí trong nhà trầm hẳn xuống... Bố tôi giả đò không nghe chuyện của tôi và mẹ. Chẳng nói chẳng rằng ông nhảy lên chiếc xe đạp tôi dựng ở hè rồi lóc cóc đạp đi. Tôi lấy sách ra đọc nhưng không tài nào tập trung được suy nghĩ... Mẹ tôi nhai được ba tuần trầu thì ông về, dựa xe ở cạnh hè, ông nói luôn:

- Thế là xong... Thằng Táo ở nhà đi học...

- Bố xin cho nó hoãn hả? - Mẹ tôi hỏi có vẻ hồi hộp.

- Tôi đi thay nó bà ạ!

- Sao lại thế?

- Thì là như thế đấy!

Tin bố tôi lên đường nhập ngũ thay tôi đã loang đến trường. Tôi không tìm được lời nào để thanh minh với bạn bè và thầy giáo. Đoán được nỗi sầu muộn của tôi, bố nói để yên lòng: - Con còn trẻ, không thiếu dịp để lập công... Bố đã chớm già, đây là dịp may cuối cùng của bố. Con không biết đấy thôi... bằng tuổi con bố cũng trốn nhà đi kén bộ đội. Thấp bé, nhẹ cân nên bố phải mượn đôi dép kê lên để đo cho cao, hai túi quần soóc phải cho vào bao nhiêu là sỏi nhưng chỉ được nhận vào đội dân công xe thồ Điện Biên... Cái xe mà con đang đi học bằng cả gia tài của bố mẹ đấy.

- Con hiểu...

- Con ở nhà thay bố chăm mẹ... Bố ra đi lần này là may, có đợt dân công xe thồ vào Nam...

- Bố để con nhập ngũ, chứ tội gì bố phải đi dân công xe thồ?

- Đừng nói thế con ạ! Đi dân công cũng vinh dự chán. Bố mà kén bộ đội liệu có đậu không...

Thế là bố tôi lên đường. Tôi nghe theo lời bố dặn, chịu khó đi bộ để chiếc xe thồ Điện Biên cho bố đi chiến trường. Lúc đầu bạn bè còn chế giễu nhưng sau thấy tôi đi bộ, biết chuyện ai cũng quý thương tấm lòng của bố con tôi. Năm học cuối cùng trôi đi mau trong không khí ầm ào của cuộc chiến tranh. Theo nguyện vọng của bố, tôi thi vào một trường có ngành giao thông, để mở đường cho bố đỡ vất vả. Những lần bố con tôi gặp nhau thật ít ỏi. Chiếc xe đạp không mác của bố tôi thật khỏe, cứ lỳ ra như bố vậy. Bố nói cho mẹ con tôi yên lòng, không chắn bùn, không che xích như thể bố, chiếc mũ tai bèo trễ nải sau lưng thật phong sương. Bố nói đùa cùng mẹ, ngày toàn thắng bố sẽ đem chiếc xe về, dầu mỡ bóng loáng, treo lên làm kỷ niệm của gia đình mình...

Mẹ kể, làng tôi xưa nghèo lắm. Dân quanh năm thiếu ăn, còn mặc thì độc quần cộc, váy đụp. Trẻ con cởi truồng, ngủ trong rét mướt cũng không chăn màn. Họa hoằn nhà khá giả mới có chiếc chõng tre, quạt mo nang để xua ruồi muỗi. Đầu không nón mũ, chân không dép guốc, còn nói chi xe pháo. Chiếc cầu bê tông bắc qua sông Đào là cho quan huyện về thăm ấp tận Mã Mây, Bột Thượng. Ông cố Cữu có ngựa bạch cưỡi đi thăm đồng đã oai vệ lắm rồi. Nhớ độ người Pháp về đào sông, con ông làm Cai Bạ mới có chiếc xe đạp đưa tận bên Pháp sang. Ông đi đến đâu người làng rạp ra hai bên bờ đường, há miệng ra mà ngắm. Chiếc xe mà con đi học là ước mơ cả đời của bố con đấy. Đi bộ đội không thành, ông xung phong đi dân công Điện Biên. Ông kỳ kèo cùng bà nội con cầm hai sào ruộng để lấy tiền mua xe. Thời ấy, có được hai sào ruộng là có máu mặt cùng bàn dân thiên hạ. Hai sào đất ấy, do bà ngoại con cho mẹ, đi lấy chồng xa bà thương mà giấu ông. Bố con mới ra chợ Phủ mua xe... Cả đời đã lúc nào sờ mó đến chiếc xe đạp... Còn nói chi biết đi. Mua được chiếc xe không số đen như cục sắt. Lại phải thuê người đi về làng. Mẹ thật xấu hổ cùng dân làng. Người ta xúm lại bảo đó là “con trâu sắt”. Bố con bỏ ngoài tai những lời chê bai, nhờ người tập xe và đến đăng ký vào đội xe thồ. Cái gan của bố con lớn bằng trời...

Tôi thật vô tình, thấy mấy đứa bạn, anh chị làm cán bộ huyện đạp chiếc xe Thống Nhất mà thèm, có lúc đã bàn với bố bán con “trâu sắt” đi, phụ tiền để mua xe mới. Tôi đâu biết, chiếc xe đạp là cơ ngơi của bố mẹ tôi, là kỷ niệm về thời trai trẻ của bố.

- Bố con tuy yếu người mà gan bằng trời! Trong giọng nói của mẹ, sự trách cứ pha lẫn niềm yêu mến không thể diễn tả được... Máy bay nó bắn chặn ở dốc Pha Đin. Người ta thì lăn xuống nấp vào cây cối, mình lại nằm đắp chiếu cho chiếc xe. Lỡ tôi có sao thì người ta gửi chiếc xe về để sau này cho con ăn học...

Tôi nhớ rồi, có lần bố mẹ tôi cãi cọ. Mẹ bị báng phải đưa vào Hà Lũng để mổ. Bố không chịu cầm cố xe đạp mà bán mấy miếng ruộng được chia hồi giảm tô, mẹ van xin mấy cũng không được. Tôi còn dại khờ, làm sao hiểu được tấm lòng người cha nhỏ thó mà gan lỳ của mình. Ông mấy ham đi xe rong chơi như người khác; làm hai móc sắt, một vào tay cầm, một vào gác ba ga treo xe lên cho lốp khỏi bị ẩm, mục. Tôi không mấy khi được tắm táp kỳ cọ. Vậy mà lúc nào ông cũng cầm lấy chiếc giẻ rách, được vò cho nục ra lau cho chiếc xe kỳ bóng lên mới yên lòng. Cũng có lần thư thái ông buộc chiếc giậm lên xe đi đến nơi thật xa, nhìn trước ngó sau, rồi để chiếc xe ở mép bờ đầm, tồng ngồng xuống kéo tép... Biết được, mẹ tôi cầu trời cho ông không bị kẻ xấu “luộc” mất xe...

Đến năm tôi lên cấp ba, bố tôi mừng lắm. Ông nói với mẹ: - Đến lúc rồi bà ạ! Tôi giao chiếc xe cho nó. Chiếc xe này, đi học là hợp. Tôi biết ông phải ghìm những giọt nước mắt vào trong ngực, nỗi đắng cay của nghèo hèn và thất học. Sự thất học có thể là mầm của cái ác và sự trả hận đời, nhưng bố thì không. Nước mắt nghẹn ngào của niềm sung sướng, bởi ông thất học nhưng nuôi được đứa con có chữ nghĩa, nhập vào những trí thức còn ít ỏi của làng...

Tôi nhìn thấy trong mắt mẹ, màu xanh của Trường Sơn mây phủ... Nơi ấy, có mặt bố tôi - Có cái gan bằng trời... Tôi biết trong trái tim của bố chứa niềm vui lớn, nhưng không tài nào diễn tả thành lời... Bằng chiếc xe đạp, lăn lộn trong chiến dịch Điện Biên, rồi vượt Trường Sơn để thành một người lính, có danh hiệu và chức phận, chắc là bố vui lắm. Tôi nói với bố:

- Bố già rồi... Mà mẹ cũng đau yếu luôn, hay bố xin giải ngũ về chăm mẹ!

- Anh thật ích kỷ lắm! Đến lúc bố có thể yên tâm vào mặt trận rồi. Chả gì cũng có con ở ngoài này... Kể mà bố để lại cho con chiếc xe, ngày nghỉ về thăm mẹ thì tiện...

Đó là lần cuối cùng bố con tôi gặp nhau... Ông ngã xuống nơi Trường Sơn rừng xanh mây phủ. Mẹ tôi trước lúc ra đi cũng dặn: - Hòa bình rồi, có điều kiện con tìm... mà đưa bố về quê, cả chiếc xe đạp thồ... Mẹ nói thế, chắc gì tìm được.

Cuộc chiến tranh chưa kết thúc. Tuy là con một, bố hy sinh ở chiến trường, là thợ cầu tôi không thể núp dưới bóng của cha mình, lùi lại phía sau được. Người bố nhỏ thó đen đủi lúc nào cũng ám ảnh tôi. Giá mà tôi lớn hơn một chút, biết đâu bố chưa phải xa mẹ. Biết đâu... Nhưng đằng nào cũng đã mất mát. Tôi phải làm gì đó để bố tôi nguôi ngoai niềm ước ao, khát vọng đã ngã xuống cho đứa con trai bé bỏng được sống và học hành... Tôi lên hàn những thanh dầm cầu Hàm Rồng, Lèn, Ghép... trong những lúc máy bay bổ nhào bắn phá. Tôi thầm khấn gọi tên bố mình...

Tôi theo đoàn quân mở đường vào lao dầm cầu Bến Thủy, sông Gianh... Tôi lắng nghe đài phát thanh, truyền hình nhắn tin, dù chỉ là đôi dòng rất vắn. Ở đâu đó, nơi bản xa xôi tận dải Trường Sơn, có nấm mồ của bố mình... Lòng đầy hy vọng, tôi tin vào điều kỳ diệu mà chỉ có con người mới làm ra, mới chờ đợi...

Một ngày nắng tháng Tư, tôi cùng người thợ cầu lao dầm cầu Sông Mã. Chính nơi lán nhỏ này, người cha yêu dấu đã chở mẹ tôi đến thăm con. Ông từng ao ước có được nhịp cầu khổng lồ bắc qua sông, về làng quê nhỏ bé của mình. Người bưu tá phanh xe máy két lại bên lán chỉ huy:

- Anh Táo đâu, ký nhận điện?

- Điện của tôi? Tôi lo lắng nhìn vào dòng chữ, còn ai nữa trong số những người thân ít ỏi của tôi ra đi?... Báo tin để anh Lê Văn Táo biết - Mộ liệt sĩ Lê - Y - Tịnh đã tìm được tại bản Khôộc, xã Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị, xin liên hệ cùng gia đình ông Hồ Trang...

****

Tôi vội vàng nhảy lên chiếc U oát lao về Quảng Trị... Con đường nào, ngày xưa in dấu xe thồ của cha tôi? Ngọn núi nào có lán của cha nằm đêm Trường Sơn giá lạnh? Nơi nào bom vùi cha cùng chiếc xe, mang kỷ niệm một đời của người dân quê nghèo mà đầy lòng thương nước thương dân?

Vất vả lắm tôi mới tìm đến được bản Khôộc, người đón tôi là già làng đen nhẻm, tóc tai che kín bờ vai, mái tóc bạc phếch che tấm lưng còng.

- Mày là con thằng Tịnh hả?

Tôi chưa kịp chào, ông đã hỏi. Như thể ông đã biết trước, tôi thế nào cũng vào để gặp ông.

- Thưa... con là...

- Cha mày... nó vẫn về nói chuyện với tao...

- Thưa... Già là... Hồ Trang ạ!

- Thế cha mày kể về tao cho mày nghe hả?

- Dạ!... Tôi cứ nhận liều cho qua chuyện.

Ông già dẫn tôi đến nấm mồ nằm bên gốc cây cổ thụ... Tôi thắp hương gọi tên cha mình... Lòng bàng hoàng nghi hoặc. Đoán được ý nghĩ của tôi, ông già kéo tay tôi leo lên những bậc thang ngôi nhà sàn xiêu vẹo. Ngôi nhà cũng già nua như ông.

- Thằng Tịnh, nó nằm ở đây!

- Ông chỉ cho tôi chiếc xe đen nhẻm như con trâu sắt. Bánh đã rỉ han, duy chỉ chiếc khung là trơ lỳ ra cùng năm tháng. Đâu rồi những vết móp do tôi ngã lúc tập xe? Những vết thương do đạn bom của kẻ thù găm lại?

Ông già hất mái tóc ra phía sau. Bàn tay thành thục lôi từ cọc yên ra một cuộn giấy nhỏ.

- Mày đọc đi... Nó nói chuyện với mày đấy!

Tôi đọc được lời của cha mình:

- Con đường ra trận cha đi còn nhiều hố bom, đạn của kẻ thù. Nhưng mà đến đời con thì yên lành... Cha cũng không hình dung ra lúc đó. Cha gửi lại con chiếc xe này, nhìn thấy chiếc xe là con thấy hình bóng cha, con giữ chiếc xe này mà đi nhé, chắc đường lúc đó tốt hơn lúc cha đi.

Truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]