Những bông hồng nở hoa
Từ trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước đến thời hiện đại, phụ nữ Thanh Hóa đã đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ là những người mẹ tảo tần, người vợ tào khang mà còn là những người có nhiều đóng góp cho xã hội.
PGS. TS Nguyễn Thị Thục luôn là người đi đầu trong các hoạt động chuyên môn ở Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanhh Hóa.
Nữ tướng trong lịch sử
“Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”. Sinh ra ở vùng núi Quan Yên, nay là xã Định Tiến (Yên Định), từ nhỏ cô gái họ Triệu vốn ham mê luyện tập võ nghệ. Ngoài 20 tuổi, bà đã cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt chọn núi Nưa làm căn cứ tập hợp binh lính và luyện tập ngày đêm để đánh giặc Ngô. Sau khi anh trai qua đời, với vai trò thủ lĩnh, Bà Triệu đã khiến quân Ngô nhiều lần kinh hồn bạt vía. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng, nghĩa quân thất bại, không chấp nhận rơi vào tay giặc, bà đã lên đỉnh núi Tùng ở đất Bồ Điền tuẫn tiết.
Cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Ngô không thành công, song hình ảnh Bà Triệu luôn tượng trưng cho tinh thần thép, người đàn bà có chí khí, sẵn sàng hy sinh vì vận mệnh của đất nước.
Nhắc đến vai trò của một người vợ, người mẹ, không thể không nhắc đến Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Nên duyên cùng Lê Lợi từ khi ông còn là Phụ đạo Khả Lam, rồi theo chồng dựng cờ khởi nghĩa, chăm lo việc quân lương, hậu cần để chồng và tướng sĩ đánh giặc. Sách “Đại Việt thông sử” có chép: Lê Thái tổ đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên, nơi này có đền thờ thần Phổ Hộ (Giản Hộ). Ban đêm vua mộng thấy có vị thần báo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt giặc, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau vua gọi các bà vợ đến, kể lại giấc mơ và hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thần không? Sau này ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm Thiên tử”. Không ai nói gì, chỉ có bà Phạm Thị Ngọc Trần quỳ xuống, thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi lập ra vương triều Hậu Lê vẫn không quên chuyện ở thành Triều Khẩu năm xưa, bảo rằng: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”. Tấm gương ấy vẫn được hậu thế nhắc nhớ đến ngày nay.
Tiếp nối truyền thống đánh giặc từ thời Bà Triệu, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở Thanh Hóa có một nhân vật mà ai cũng kinh ngạc về sự xả thân, về sức mạnh của tinh thần chiến đấu... Ngược dòng thời gian gần 60 năm trước, trong hai ngày 3 và 4/4/1965, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay đến bắn phá ác liệt khu vực Nam Ngạn- Hàm Rồng. Ngày 4/4/1965, vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng bọn giặc lái Mỹ nhảy dù, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển, cô gái 19 tuổi, cao hơn 1,4m, nặng 42kg ghé vai vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội chiến đấu, góp phần vào chiến thắng của quân và dân Hàm Rồng - Nam Ngạn trong ngày đầu tiên đối đầu với sức mạnh không lực Hoa Kỳ...
Với thành tích chiến đấu xuất sắc, ngày 1/1/1967, khi chỉ mới 21 tuổi, cô gái Ngô Thị Tuyển đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 2 lần được nhận Huân chương hạng Ba, được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ...
Thời gian qua đi, nhưng câu chuyện về các “nữ tướng” vẫn mãi là huyền thoại về sức mạnh của cá nhân và dân tộc, thắp lên niềm tin, sự khát khao chiến thắng. Từ Bà Triệu, đến Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần; và Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển... họ chính là những bông hồng thép, sẵn sàng hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Và những bông hồng thời hiện đại
Quan điểm “tam tòng, tứ đức” gắn cho phụ nữ theo thời gian đã có nhiều thay đổi. Người phụ nữ hiện đại, ngoài vai trò giữ lửa cho tổ ấm, là tấm gương để con cái học tập thì còn phải làm việc, cống hiến vì sự phát triển của xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thị Thục,Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho rằng: "Tôi vẫn nghĩ khi mình còn có sức khỏe, có trí tuệ thì cũng cần phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Vì là phụ nữ, có thiên chức làm vợ, làm mẹ nên chúng tôi phải hy sinh về mặt thời gian". Hiện là Phó hiệu trưởng nhà trường, vừa làm quản lý, vừa là giảng viên môn văn hóa du lịch, không chỉ giảng dạy, với sự đam mê nghiên cứu khoa học, thời gian là thứ mà chị luôn phải chắt chiu. “Quan trọng hơn hết vẫn là phải sắp xếp cho hài hòa giữa việc giữ lửa để gia đình luôn ấm, là tấm gương của con cái; đồng thời phát triển sự nghiệp để đóng góp cho xã hội. Chính cái sự yên ấm trong gia đình, sự thành công của con cái là động lực, giúp những người phụ nữ, trong đó có tôi vượt qua tất cả những khó khăn, phát huy hết mọi khả năng, cống hiến hết sức mình”.
Chị Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Sầm Sơn, Giám đốc Khách sạn Ngân Hà.
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nơi PGS.TS Nguyễn Thị Thục công tác có 23 đơn vị, gồm 8 khoa chuyên môn, 11 phòng và 5 trung tâm. Trong tổng số 226 cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường thì tỷ lệ nữ khá cao, chiếm 56%. Đặc biệt, Ban giám hiệu nhà trường có 3 người là nữ, đội ngũ cán bộ quản lý các phòng, ban tỷ lệ nữ chiếm số đông.
Trong suốt 26 năm công tác tại trường, nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp và sự nỗ lực của bản thân, PGS.TS Nguyễn Thị Thục đã đạt được nhiều thành tựu. Chị luôn là người dẫn đầu trong phong trào nghiên cứu khoa học của nhà trường, đã nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen... Đặc biệt, năm 2021, chị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...
Dù chồng mất cách đây hơn 8 năm, nhưng chị Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân nữ Sầm Sơn, Giám đốc Khách sạn Ngân Hà (TP Sầm Sơn) vẫn vững vàng để lo toan cho cuộc sống của mình và 3 đứa con, cùng với vài chục nhân viên.
Sống ở ngay mảnh đất du lịch, đó là điều kiện thuận lợi để chị Lê Thị Thủy phát huy khả năng của mình. Chị nhớ lại: "Năm 2014, bước vào hoạt động kinh doanh khách sạn, tôi rất bỡ ngỡ. Mùa hè Sầm Sơn rầm rập người, lúc đó tôi không chỉ giữ vai giám đốc mà đóng hầu hết các vai quan trọng của khách sạn như: thủ quỹ, phục vụ... Tôi chỉ nghĩ, làm ngành dịch vụ quan trọng hơn hết là tận tâm. Sự tận tâm đã giúp tôi vượt qua 2 năm đầu vất vả để có được những thành công của ngày hôm nay".
Với cơ sở kinh doanh khách sạn của gia đình, chị đã tạo công ăn việc làm cho 15 thành viên, ngoài ra, dịp hè, nhân viên thời vụ 4 tháng có thể lên tới gần 50 người với mức thu nhập bình quân từ 7,5 triệu đồng đến khoảng 20 triệu đồng/người/tháng, giúp chị em có công ăn việc làm, có mức thu nhập ổn định. Mỗi năm cơ sở kinh doanh của chị có tổng thu nhập gần 7 tỷ đồng.
Nhắc đến chị Thủy là nhắc đến một người có trái tim ấm. Hầu hết các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn cũng như của CLB Doanh nhân nữ Sầm Sơn chị đều nhiệt tình tham gia. Như chị chia sẻ: “Tôi chỉ muốn là một người phụ nữ bình thường, có thể không giúp ích được nhiều cho đời, nhưng sẵn sàng mang tình cảm, nụ cười của mình đối xử với mọi người một cách tử tế nhất”. Vì thế mà dù có tới mấy chục nhân viên thời vụ, nhưng đến hẹn là lên, khi sóng biển vẫy gọi du khách là họ lại gặp chị xin làm việc.
Trong số trên 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động của Thanh Hóa, có khoảng 5.000 doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, điều hành. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục nghìn phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, HTX, tổ hợp tác. Không chịu thua kém các bậc mày râu, nhiều chị em phụ nữ đã khẳng định được bản lĩnh và năng lực trên lĩnh vực mà mình đang làm việc, quản lý; mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng dấn thân vào những ngành nghề mới, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ...
Họ chính là những bông hồng luôn tỏa hương và khoe sắc để làm đẹp cho chính bản thân, cho gia đình, và xã hội.
Chi Anh
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-03-20 09:59:00
Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh
Du lịch Yên Định những điểm đến hấp dẫn
Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Phụ nữ Thanh Hóa: Khẳng định vị thế trong thời đại mới
Tháng 3 mùa xuân biên cương
Hội làng Xuân Phả
Khát vọng tuổi trẻ - khát vọng cống hiến
Bản Yên mùa xuân này
Giọt người ở mấy vũng mây: Đi để trở về
Khát vọng nơi rừng xanh