Khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Khởi nghiệp là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng, trí tuệ và khẳng định bản thân. Đây cũng là phương thức thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Chị Bùi Thị Cúc.
Phát huy tài nguyên bản địa, cùng nhau vươn xa
Chị Quách Thị Anh, thôn Xuân Minh, xã Luận Thành (Thường Xuân) cũng như bao người phụ nữ vùng cao khác, chân chất, hiền lành, chịu khó, nhưng khi nói chuyện, chia sẻ về cuộc sống, về quá trình khởi nghiệp, chúng tôi mới thấy ẩn sâu trong con người này là một nghị lực phi thường, một tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Khởi nghiệp khi tuổi không còn trẻ, cái tuổi mà phụ nữ thường tìm đến sự yên ổn, không thích những biến thiên. Tự nhận định về bản thân, về quá trình khởi nghiệp, chị cười nói “So với những người phụ nữ khác tôi không có gì đặc biệt. Những gì tôi cố gắng, trải qua đều xuất phát từ cuộc sống thực tế, từ những yêu cầu của thời cuộc bắt buộc tôi phải thay đổi, phải bứt phá. Tôi cố gắng không phải để riêng cho bản thân mình, cho gia đình mà còn để cho chị em phụ nữ nhìn vào noi gương, học tập, vì xã hội cùng phát triển”.
Nếu nói về thành quả chị đạt được hôm nay so về giá trị kinh tế với nhiều chị em phụ nữ khác không nhiều nhưng điều đáng biểu dương là tinh thần quyết tâm, bản lĩnh tự tin, vì người khác của chị. Là người dân tộc Mường, từng công tác trong hội phụ nữ, chị hiểu những khó khăn, vất vả mà phụ nữ nông thôn vùng cao phải chịu. Đặc biệt, chị rất thương cảm với những chị em bắt buộc phải “ly hương” đi làm ăn xa, phải bỏ lại con thơ cho ông bà già, gia đình không người chăm sóc. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều gia đình mâu thuẫn, trẻ em vướng vào các tệ nạn xã hội.
“Để phụ nữ được ở lại quê hương, giữ lửa cho gia đình chỉ bằng cách tạo việc làm ổn định cho họ”, điều trăn trở này khiến chị Quách Thị Anh bao đêm suy nghĩ. Cuối cùng sau những lần tham khảo, đi thực tế các địa phương, nhận thấy vùng đất quê mình rất phù hợp để phát triển các cây dược liệu, tuy nhiên chưa có nhiều mô hình kinh tế tận dụng được lợi thế này, chị Anh đã có ý tưởng sản xuất hóa mỹ phẩm từ thiên nhiên, đây cũng là xu hướng nhu cầu tiêu dùng hiện nay.
Một thời gian dài chị Anh nỗ lực tự học, nghiên cứu về sản xuất hóa mĩ phẩm, tìm kiếm thị trường, đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất... Đến nay, tổ hợp tác “Thảo dược Hương Quê” của chị là 1 trong 5 mô hình kinh tế hiệu quả do phụ nữ làm chủ trên địa bàn huyện Thường Xuân, tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng, 18 lao động thời vụ thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, thực hiện liên kết với 24 hộ dân trong vùng, cho thu nhập mỗi hộ 2 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm đạt 700 triệu đồng.
Chị Lê Thị Sen, nhân viên tổ hợp tác cho biết: “Do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc buôn bán của gia đình bị ảnh hưởng. Tuy vậy công việc ổn định tại tổ hợp tác không những giúp tôi có thu nhập duy trì cuộc sống ổn định mà còn chăm lo được cho gia đình, con cái học tập".
Nếu việc khai thác tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho lao động địa phương là ước mơ của chị Anh, thì khẳng định tài năng phái nữ trên lĩnh vực đặc thù của phái mạnh để cùng nhau “vươn xa hơn nữa” lại là khát vọng của chị Bùi Thị Cúc, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Việt Hưng, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Chị Cúc là nữ lãnh đạo hiếm hoi tại Thanh Hóa ở lĩnh vực xây dựng, một ngành nghề rất “kén” người bởi cường độ làm việc cao, thời gian dành cho công việc nhiều, tài giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ...
Nhưng đây lại là nghề mà từ nhỏ chị Cúc đã yêu thích và đam mê. Bởi vậy dù đã thi đỗ Học viện Tài Chính, nhưng chị vẫn quyết tâm thi lại vào Đại học Xây dựng Hà Nội để theo đuổi ước mơ. Cũng trong thời gian đó, ngoài kiến thức chuyên môn, chị Cúc vừa học vừa tự trang bị thêm nhiều kiến thức xã hội khác cho bản thân, như học giao tiếp, xây dựng kỹ năng mềm, học thêm các ngoại ngữ khác... Ra trường, vào nghề chị biến thành một “nam nhân” thực sự khi liên tục có mặt tại công trường để đo đạc, kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhân công, đảm bảo dự án được thực hiện đúng theo biện pháp thi công, tiến độ, vật liệu, an toàn lao động... Đời sống công trường gian nan, vất vả, nay đây mai đó đã không làm khó được chị, mà ngược lại còn cho chị nhiều kinh nghiệm quý báu trong công việc, cách xử lý tình huống, cách đối nhân xử thế... Năng lực được khẳng định, chị Cúc được tín nhiệm vào vị trí phó giám đốc công ty.
Những cống hiến của chị Cúc đã góp phần vào sự phát triển của công ty hiện tại, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, là một trong những doanh nghiệp lớn tại Thanh Hóa. Tài năng của chị Cúc một lần nữa được khẳng định, khi tháng 2/2023 chị được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty TNHH Outdoor Gear Việt Nam (thành lập tháng 1/2023, trụ sở tại Thanh Hóa) là nhà đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất dụng cụ thể thao Outdoor Gear Việt Nam. Dự án có quy mô khoảng 103.413,7m2, với tổng vốn đầu tư 868.573 triệu đồng.
Chị Quách Thị Anh, chị Bùi Thị Cúc mỗi người đều có một vị thế khác nhau trong xã hội, song họ đều là những người phụ nữ có khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Hiện Thanh Hóa có hơn 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, là địa phương đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm, trong đó doanh nghiệp do nữ lãnh đạo, quản lý chiếm 18,6%. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn chị em phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, HTX, câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi. Chị em nữ doanh nhân trong tỉnh đóng vai trò rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất, dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp, xây dựng, hàng tiêu dùng, chế biến, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ... Những năm gần đây, doanh nghiệp do nữ lãnh đạo, quản lý trong tỉnh tham gia ngày càng nhiều, kể cả các lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường, khẳng định được uy tín, chất lượng và thương hiệu trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Cùng phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp
Cùng phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, các cấp hội phụ nữ tỉnh Thanh Hóa những năm qua luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, ngành nghề, đặc biệt là chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật vươn lên, tự tin tham gia phong trào khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình, cho quê hương, đất nước, tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Chị Quách Thị Anh (bên trái) giới thiệu sản phẩm với khách hàng.
Vì vậy, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã tạo động lực mới, khơi nguồn sáng tạo thúc đẩy phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công. Các cấp hội đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hội viên phụ nữ tiếp cận thị trường, sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Trong đó, quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh.
Đến nay, đã có 7.192 phụ nữ trong tỉnh được hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thành lập 1.012 doanh nghiệp nữ, 156 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ được thành lập. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp, thương mại điện tử cho trên 25 ngàn hội viên. Hơn 800 sản phẩm của hội viên phụ nữ được giới thiệu trên không gian mạng, 103 ý tưởng xuất sắc được vinh danh, trong đó có 6 dự án, ý tưởng xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển, mở rộng.
Đồng thời, hội thi “Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp”, “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm thành lập Hội LHPN Việt Nam - Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tạo sân chơi trí tuệ, ươm mầm và hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp của chị em. Từ hội thi, nhiều ý tưởng đã được hiện thực hóa, trở thành mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, được nhân rộng tại địa phương. Đây là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện tài năng, trí tuệ, năng lực của phụ nữ trong thời đại mới.
Mỗi người một ý tưởng, một cách khởi nghiệp khác nhau, các chị em phụ nữ đều hướng đến mục đích làm giàu cho bản thân, góp sức xây dựng kinh tế - xã hội địa phương và khẳng định vị thế trong xã hội. Đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp còn tích cực giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Phan Thị
{name} - {time}
-
2024-11-22 10:04:00
Những người giữ hồn di sản
-
2024-11-22 09:59:00
“Bật đèn xanh” cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý
-
2024-03-20 08:35:00
Phụ nữ Thanh Hóa: Khẳng định vị thế trong thời đại mới