(Baothanhhoa.vn) - Ngao ngán cuộc sống đô thị “đất chật người đông”, không ít những người trẻ lựa chọn “bỏ phố về quê” để sinh sống và lập nghiệp. Các bạn kể chuyện mình, sẻ chia kinh nghiệm và nâng đỡ nhau trên một dòng chảy ngược. Dù những câu chuyện của họ tràn ngập khó khăn và vất vả, nhưng sự quả quyết và tự tin đã giúp họ vượt qua trở ngại trong cuộc sống.

Người trẻ bỏ phố về quê làm nông dân

Ngao ngán cuộc sống đô thị “đất chật người đông”, không ít những người trẻ lựa chọn “bỏ phố về quê” để sinh sống và lập nghiệp. Các bạn kể chuyện mình, sẻ chia kinh nghiệm và nâng đỡ nhau trên một dòng chảy ngược. Dù những câu chuyện của họ tràn ngập khó khăn và vất vả, nhưng sự quả quyết và tự tin đã giúp họ vượt qua trở ngại trong cuộc sống.

Người trẻ bỏ phố về quê làm nông dânMô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của anh Lê Minh Trường, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa đã và đang gặt hái được những thành công nhất định.

Những đêm trằn trọc...

Tốt nghiệp loại khá chuyên ngành Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, Trần Viết Khanh, sinh năm 1987 đã tìm cho mình một công việc ổn định tại thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, sau 2 năm công tác, anh Khanh quyết định từ bỏ công việc để về quê tại xã Xuân Du (Như Thanh) khởi nghiệp với ý tưởng trồng thanh long ruột đỏ. Từ một chàng trai gắn với màn hình máy tính suốt 8 tiếng/ngày, giờ đây anh Khanh đã tự tin gia nhập vào hội “những người nông dân Việt Nam” khi thành thạo mọi công việc liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Anh Khanh chia sẻ: “Mình thích cuộc sống ở nông thôn hơn vì tuổi thơ của mình gắn liền với những cánh đồng, làng mạc và thiên nhiên giản dị. Nhưng có lẽ, ai quyết định về quê cũng đều gặp trở ngại đầu tiên đó là kinh tế, rồi phải làm gì, bắt đầu từ đâu...? Mình tìm hiểu thì thấy cây thanh long ruột đỏ có giá trị kinh tế cao nhưng ở Như Thanh chưa có ai trồng nên quyết định khởi nghiệp với giống cây này”.

Từ bỏ đô thị tấp nập để về với làng quê, ngày nào với anh Khanh cũng là đầu tuần. Mỗi ngày anh làm việc liên tục từ 10 - 12 tiếng. Người lúc nào cũng đổ mồ hôi hoặc mệt lả vì cường độ lao động lớn. Có nhiều hôm say nắng, cơm đưa lên miệng chẳng buồn ăn. Về quê một thời gian, anh Khanh sút cân, đen nhẻm vì phơi mình ngoài nắng cuốc đất, trồng cây, tưới nước mỗi ngày.

Lúc đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nên cây chết, kém phát triển, thành quả đem lại không cao. Anh Khanh sợ thất bại nên đêm nào cũng trằn trọc, cứ phải tự động viên bản thân cố gắng. Đến khi ổn định, thu hoạch tốt lại lo tìm đầu ra cho sản phẩm đầy tâm huyết của mình, chẳng biết bao giờ mới hết lo. Anh Khanh tâm sự: “Cuộc sống mưu sinh ở quê không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Người quê rất vất vả, cơ cực, không phải cứ trồng cây rau xuống đất là có rau ăn, bán kiếm tiền; không phải cứ mua gà về nuôi là gà tự lớn. Thực tế, có đủ thứ khác để lo, như: dịch bệnh, mất mùa, mất giá...”.

Tốt nghiệp ngành điện tử - điện lạnh của Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, làm công nhân kỹ thuật cho tập đoàn Samsung - Chi nhánh ở tỉnh Bắc Ninh, anh Lê Minh Trường (sinh năm 1990, thôn Trung Thượng, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa) lại dành tình yêu đặc biệt cho nấm đông trùng hạ thảo. Sau nhiều lần đắn đo, anh Trường quyết định bỏ việc với mức lương ổn định từ 12 - 14 triệu đồng/tháng lên tỉnh Lai Châu xin vào làm tại một cơ sở nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Tại đây, anh vừa làm vừa học... Cùng với số tiền tích cóp được thời gian đi làm công ty, cuối năm 2018, Trường về quê vay mượn thêm vốn đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua nguyên liệu để thực hiện mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do anh Trường liên tục thất bại, thua lỗ gần 200 triệu đồng. Các mẫu nấm bị chết gây mùi hôi thối, khó chịu, anh một mình thu dọn vệ sinh, khử trùng lại phòng nuôi cấy và làm lại từ đầu. “Thất bại nối tiếp thất bại, tôi nhiều lần muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại những gì bản thân đã bỏ ra: tiền bạc, công sức, thời gian và cả lòng tự tôn của một thanh niên mang danh thất nghiệp nên mới về quê... tôi tự cho mình thêm thời gian để cố gắng và thử lại”, ông chủ 8X nói.

Trường tiếp tục nghiên cứu, học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Sau này, anh mới thấy nguyên nhân chưa thành công là do áp dụng quy trình sản xuất thủ công, nguồn nguyên liệu không bảo đảm. Để khắc phục khó khăn, anh mua máy hấp thanh trùng, tủ cấy vi sinh, đầu tư nhà lạnh tiếp tục công việc. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tu sửa lại phòng thí nghiệm, cân đối lại nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... trong từng giai đoạn phát triển của quy trình nuôi trồng, đầu năm 2019, mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của anh Lê Minh Trường đã bắt đầu thành công và có lãi.

Lo xong phần sản xuất đông trùng hạ thảo, anh Trường phải lo tới việc tiêu thụ. Anh biết, muốn mở rộng mô hình, phát triển bền vững thì phải xây dựng thương hiệu, đóng nhãn mác sản phẩm. Từ ngày trở thành nông dân, anh Trường làm việc bất kể giờ giấc, 1 - 2 giờ đêm vẫn lọ mọ trong phòng kín theo dõi sinh trưởng của nấm. Gần 2 năm nay, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ nấm đông trùng hạ thảo nhưng anh Trường vẫn tin tưởng tình hình sẽ khởi sắc khi cuộc sống đi vào ổn định.

Từng có công việc ổn định ở quê nhưng cách đây 5 năm, Nguyễn Phước Nhâm, sinh năm 1990, quê huyện Đông Sơn đã chọn cách rời quê lên phố với mộng làm giàu, nhưng cuộc đời không như mơ, cuối cùng anh lại quyết định bỏ phố về quê nuôi ốc nhồi, làm vườn. Dù phải đối diện với nhiều thử thách, thu nhập không bằng ở phố, tuy nhiên đổi lại anh không phải thuê nhà, cũng không phải mua sắm nhiều như ở phố. Anh Nhâm nhớ lại: “5 năm trước khi mình chập chững về quê nuôi ốc và đã thất bại ngay mẻ đầu tiên. Dịch bệnh, ốc chết hàng loạt dập tắt khả năng tái đàn. Anh Nhâm phải chống ao một thời gian dài coi như công sức bỏ ra mua bài học đầu tư về làm nông nghiệp”.

... để không thất bại

Đến giờ, sau 7 năm bỏ phố về quê, mảnh đất gần 10 ha của gia đình anh Khanh mới chỉ được cải tạo “hòm hòm” với 1,5 ha thanh long, 2,5 ha đào, 2 ha bưởi Diễn và nhiều cây ăn quả khác. “7 năm đủ dài để mình cảm nhận được những ý nghĩa mà quyết định này đem lại. Đầu tư vào mô hình trồng thanh long và cây ăn quả tại quê nhà, nguồn thu nhập của mình đã được đảm bảo hơn. Mặc dù vẫn chưa có được kết quả quá to lớn nhưng một phần nào đó, công việc này đã giúp mình đạt được mục tiêu kinh tế đã đặt ra. Ngoài ra, điều khiến mình thấy vui hơn cả chính là tất cả những sản phẩm mà mình cho ra thị trường đều được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực”, anh Khanh trải lòng.

Người trẻ bỏ phố về quê làm nông dânAnh Trần Viết Khanh, xã Xuân Du, huyện Như Thanh hạnh phúc với cuộc sống là một người nông dân, tuy vất vả nhưng tự do về thời gian và khá thoải mái về tư tưởng.

Và để giấc mơ bỏ phố về quê không bị dang dở, anh Khanh mong muốn các bạn trẻ phải tự vấn xem tính cách, lối sống của bản thân có phù hợp với vùng nông thôn không, có những điểm mạnh và điểm yếu gì để phát huy bản thân tốt nhất. Quyết định về quê cần xác lập rõ những điều kiện cần có như nền tảng của gia đình như thế nào, yếu tố hỗ trợ giúp phát triển nghề nghiệp, tìm hiểu nhu cầu địa phương thay đổi ra sao trong vài năm gần nhất. Từ đó có được ý tưởng công việc thích hợp. “Nói chung, để xây giấc mộng “về quê” thì bạn phải có nền tảng, đất hoặc tiền và thời gian tầm 10 năm thử thách lòng kiên nhẫn. Quan trọng nhất, bạn phải biết quy hoạch và lên kế hoạch cải tạo theo từng giai đoạn”, anh Khanh nhấn mạnh.

Với anh Nhâm, từ ngày bỏ phố về quê trong ví anh không có nổi 1 triệu đồng, tiền kiếm được một tháng có thể không bằng bữa nhậu với bạn bè lúc còn ở thành phố, nhưng đổi lại anh được sự bình yên, được tự do, thoải mái về đầu óc... Anh chia sẻ: “Nói chung cái gì cũng có cái giá của nó và nếu bạn nào có ý muốn bỏ phố về quê thì phải dự trù được cuộc sống sẽ khác xa hoàn toàn khi còn ở phố, phải can đảm và cố gắng hết mình với sự lựa chọn của bản thân”.

Sau đợt dịch này, có người sẽ quay trở lại phố nhưng nhiều người sẽ chọn ở lại khởi nghiệp. Để phát huy mặt tích cực của sự dịch chuyển này, trước hết bạn phải có ý tưởng khởi nghiệp ở lĩnh vực gì, phù hợp với điều kiện của mình hay không, bắt tay vào thực hiện các dự định đó, biết cách vượt qua những thử thách, “né” được rủi ro thất bại để thành công.

“Nếu các bạn đang ở phố, mà có ý định về quê, hãy đảm bảo không phải vì bạn theo “trend”, hay a dua theo đám đông mà vì bản chất con người bạn phù hợp với cuộc sống ở quê. Rất nhiều chuyện không có đúng sai mà chỉ là phù hợp hay không mà thôi”. Bỏ phố về quê, ở đây không phải là phương án để chạy trốn lao động vất vả hay áp lực. Bỏ phố về quê là để lao động theo một cách khác, bởi ở môi trường nào cũng vậy, có cống hiến thì mới gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Ông bà ta có câu “nhà giàu ham làm, thất nghiệp ham ăn” đôi khi tôi thấy cũng đúng. Nhiều người không nỗ lực nhưng luôn chê làm cái này khó, cái kia ít tiền, cái nọ không ngon... Ở quê hay phố chỉ cần tích cực làm việc và quan trọng là có đầu óc tính toán một chút, thì cuộc sống sẽ không phụ, anh Trường đúc kết.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]