(Baothanhhoa.vn) - Tiêu dùng có trách nhiệm là cụm từ không còn quá xa lạ trong xã hội ngày nay, đang được nhiều bạn trẻ ủng hộ và lan tỏa ra cộng đồng, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, cho gia đình mà còn cho cả xã hội.

Người trẻ và xu hướng tiêu dùng trách nhiệm

Tiêu dùng có trách nhiệm là cụm từ không còn quá xa lạ trong xã hội ngày nay, đang được nhiều bạn trẻ ủng hộ và lan tỏa ra cộng đồng, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, cho gia đình mà còn cho cả xã hội.

Người trẻ và xu hướng tiêu dùng trách nhiệm

Thanh niên Đinh Thị Tuyết (phố Kiều Đại, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) tái chế quần áo cũ thành những sản phẩm mới.

Thanh niên Đinh Thị Tuyết (phố Kiều Đại, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) đã lựa chọn cách sống và làm việc có trách nhiệm với môi trường. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tuyết không đi học đại học mà theo đuổi đam mê đối với nghề may mặc. Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo thiết kế thời trang tại Hà Nội, Tuyết trở về quê, mở một tiệm may nhỏ. Tiệm may của Tuyết không hoạt động theo hướng thông thường mà chọn cách tái chế đồ cũ thành những sản phẩm mới, mang lại cho những bộ quần áo cũ một vòng đời mới.

Tuyết chia sẻ: "Em tận dụng quần áo cũ rồi tự lên ý tưởng, tự thiết kế và may thành các mẫu váy áo, ba lô, túi xách... sau đó chia sẻ lên mạng xã hội. Thật may, những sản phẩm em làm ra với ý tưởng giảm rác thải ngành may mặc, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã nhận được nhiều lời khen ngợi và cả những đơn hàng. Khách hàng của em ở khắp nơi như: Hà Nội, Huế, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... đã gửi cho em những bộ quần áo cũ, sau đó đặt hàng em thiết kế thành những sản phẩm khác như ba lô, túi xách, váy áo... Em rất vui và tự hào vì công việc của mình không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống, truyền cho các bạn trẻ thông điệp cùng nhau bảo vệ môi trường sống".

Cũng giống như Tuyết, các bạn trẻ lựa chọn xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm thường bắt đầu từ những việc nhỏ, gần gũi, dễ thực hiện.

Bạn Hoàng Thu Trang (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Thay vì lựa chọn mua những hàng hóa nhập khẩu thì tôi thường chọn những mặt hàng sản xuất trong nước để tiêu dùng như quần áo, bánh kẹo, hoa quả... Mua hàng hóa được sản xuất trong nước để ủng hộ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, giúp người lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế nội địa, làm giảm nạn chảy máu ngoại tệ cho đất nước... Với em, đó chính là trách nhiệm xã hội trong tiêu dùng".

Tiêu dùng trách nhiệm còn biểu hiện ở việc không hoang phí quá mức trong tiêu dùng kể cả sản phẩm hàng hóa cũng như các nguồn năng lượng điện, nước... Ngày nay, nhiều người tiêu dùng trẻ đã quan tâm, ưu tiên lựa chọn các thiết bị gia dụng như: điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng có “nhãn xanh” của Bộ Công Thương nhằm giảm thiểu lượng tiêu thụ điện năng, tiết kiệm chi phí trong quá trình sử dụng.

Bạn Đỗ Khánh Linh (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), cho biết: "Trước đây, mỗi lần đi chợ, tôi thường không mang theo túi đựng mà sử dụng túi nilon. Số túi này sau đó được bỏ thẳng vào thùng rác đem vứt. Nhưng từ khi biết tác hại của túi nilon với môi trường, tôi chuyển sang dùng túi vải đi chợ. Túi đựng thực phẩm tươi sống tôi giặt sạch sẽ giữ lại đựng rác. Tôi nghĩ rằng mỗi người chỉ cần có ý thức trong tiêu dùng thì sẽ hạn chế tác động xấu đến môi trường sống, giúp giảm thiểu rác thải, bảo vệ nguồn nước...".

Tiêu dùng có kế hoạch, có chủ đích và có trách nhiệm ngày càng phổ biến. Xu thế này buộc các nhà sản xuất cũng phải quan tâm hơn đến việc lựa chọn và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sản xuất chất lượng, thân thiện với môi trường, cải tiến bao bì, đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện với môi trường tới tay người tiêu dùng.

Với tiêu chí phải sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương; gia tăng giá trị sản phẩm theo hướng sản phẩm chế biến, chế biến sâu; mở rộng quy mô sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; đảm bảo bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất..., các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP ngày càng được người tiêu dùng ưa thích và ưu tiên chọn mua. Thanh Hóa hiện có 473 sản phẩm OCOP. Để các sản phẩm chinh phục được người tiêu dùng, các chủ thể OCOP đã phải đáp ứng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt trong đó có tiêu chí về đảm bảo bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Chất lượng sản phẩm và thân thiện với môi trường chính là những lý do quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.

Tiêu dùng trách nhiệm là xu thế văn hóa trong xã hội hiện đại. Xu thế này đã và đang góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng trong thế hệ trẻ. Điều này cũng đòi hỏi các nhà sản xuất cần “bắt nhịp” xu hướng để gắn kết với người tiêu dùng bằng những sản phẩm có trách nhiệm.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]