(Baothanhhoa.vn) - Chưa bao giờ “làn sóng” khởi nghiệp từ nông nghiệp trong thanh niên lại phát triển sôi nổi như hiện nay. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức kéo theo cũng không nhỏ: “Được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, “sản phẩm không có đầu ra”... Dẫu vậy, bằng nghị lực và sự sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ, nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã thành công, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những thanh niên “lấy nông nghiệp làm giàu”

Chưa bao giờ “làn sóng” khởi nghiệp từ nông nghiệp trong thanh niên lại phát triển sôi nổi như hiện nay. Cơ hội có nhiều nhưng thách thức kéo theo cũng không nhỏ: “Được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”, “sản phẩm không có đầu ra”... Dẫu vậy, bằng nghị lực và sự sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ, nhiều mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã thành công, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn.

Những thanh niên “lấy nông nghiệp làm giàu”

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới của anh Lê Đình Sỹ.

Thành công vì dám chấp nhận thử thách

“Cậu ấy hiền lành, lại siêng năng”, “một chàng trai giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm”,... đó là những lời khen mà người dân thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) dành cho Lê Đình Sỹ - chủ mô hình trồng rau sạch đầu tiên của xã Hoằng Đồng. Mang theo sự thiện cảm ban đầu đó, cuộc gặp của tôi và anh Sỹ lại càng thú vị hơn khi được cùng chàng trai này ôn lại chặng đường vượt khó vươn lên làm giàu của bản thân.

Mới 38 tuổi, nhưng mất hơn 15 năm anh Sỹ xa quê lập nghiệp, nhưng khi trở về quê hương vẫn với hai bàn tay trắng. Chán cảnh lông bông, anh Sỹ hạ quyết tâm phải làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nói là làm, năm 2017, anh đưa ra quyết định lớn nhất của cuộc đời mình: “Thầu đất, đầu tư trồng rau sạch trong nhà lưới”, với số vốn bỏ ra hơn một tỷ đồng. Để có được số tiền này, hai vợ chồng phải vay nợ khắp nơi, thậm chí cầm cố nhà để vay vốn ngân hàng. “Thời điểm đó, bạn bè, người thân phản đối tôi nhiều lắm. Họ bảo tôi liều lĩnh, mạo hiểm bản thân quá, nếu rủi ro xảy đến sẽ khiến vợ, con khổ thêm. Cũng may, dù khó khăn, thậm chí sau bao nhiêu lần thất bại, tôi vẫn nhận được niềm tin, sự ủng hộ tuyệt đối từ vợ. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để tôi vượt qua tất cả!” - anh Sỹ ngậm ngùi nhớ lại.

Xây dựng mô hình trồng rau sạch khi kiến thức, kinh nghiệm trong tay chỉ là con số “0” tròn trĩnh, anh Sỹ phải tự nâng cao kỹ năng, tay nghề bằng cách tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng rau sạch qua báo, đài, trải nghiệm thực tế bằng việc tích cực tham quan các mô hình tương tự trong và ngoài huyện Hoằng Hóa. Dẫu vậy, những hạn chế này không phải được khỏa lấp trong ngày một ngày hai, để có được thành công như hôm nay anh đã trải qua nhiều thất bại. Ngay từ vụ mùa đầu tiên, mô hình trồng rau sạch của anh đã bị thiệt hại và hư hỏng nặng nề do ảnh hưởng của thời tiết lẫn quy trình chăm sóc không hợp lý. Để rồi, mỗi khi nhắc lại, anh Sỹ vẫn cảm thấy xót xa: “Chưa có nhiều kinh nghiệm trong những vụ mùa đầu tiên, không lường trước được hậu quả của thiên tai xảy ra khiến nhà lưới của gia đình tôi bị sập hoàn toàn, mất trắng và thiệt hại lên đến gần 300 triệu đồng”.

Song cú vấp ngã ấy chẳng thể ngăn nổi ý chí vươn lên, cùng niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch, anh Sỹ lại bắt tay làm lại từ đầu. Tự hoàn thiện bản thân sau những thất bại, từ giữa năm 2018, cùng với sự kiên trì, chịu khó của bản thân, mô hình sản xuất rau sạch của anh Sỹ một lần nữa được “hồi sinh” và đạt hiệu quả năng suất cao từ 1 - 1,5 tấn rau, củ, quả/vụ. “Có được thành công vì tôi đã có kinh nghiệm kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, xới đất gieo hạt, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch” - anh Sỹ nói. Hiện tại, mỗi năm, thu nhập từ mô hình trồng rau sạch mang về cho anh Sỹ 100 triệu đồng - đây là thành công bước đầu để anh xây dựng nhiều mô hình rau sạch tiếp theo. “Thời gian tới, tôi sẽ mạnh dạn thầu thêm đất, xây dựng thêm một, hai mô hình trồng rau thủy canh, với diện tích và quy mô lớn hơn. Tôi tin, với kinh nghiệm thực tế mà bản thân đã có trong hơn 2 năm qua, nhất định mình sẽ thành công” - anh Sỹ hồ hởi.

Lan tỏa khát vọng làm giàu!

Cũng đang bước đi trên con đường làm giàu từ nông nghiệp như anh Sỹ, chàng trai trẻ Lang Văn Chung, thôn Chiềng, xã Bát Mọt (Thường Xuân) đã trở thành tấm gương sáng cho đoàn viên vùng biên Bát Mọt noi theo.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, anh Chung luôn nhủ lòng phải phát huy sức trẻ để khám phá mảnh đất này, làm giàu cho mình, cho quê hương, đất nước.

Rót chén trà mời chúng tôi, anh Chung mở đầu câu chuyện bằng những chia sẻ chân thành, cởi mở: Điều kiện gia đình không cho phép học cao, nên anh quyết chí ở nhà lập nghiệp. Lập nghiệp trong hoàn cảnh không kinh nghiệm, không vốn liếng và nhiều cái “không” khác khiến anh đã từng có thời điểm cảm thấy khá lo lắng. Từng xoay sở với nhiều nghề, đôi lúc thất vọng nhưng chưa bao giờ anh nản chí. Anh trăn trở, nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng, với cách làm nông truyền thống, đủ ăn còn khó nói gì đến làm giàu. Năm 2012, vốn liếng anh khởi nghiệp là tinh thần, trí tuệ của tuổi trẻ và số tiền vay ngân hàng để làm kinh tế trang trại. Tìm hiểu những mô hình thanh niên nông thôn làm giàu, anh chọn nghề đầu tư trang trại tổng hợp. Anh kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm với đào ao thả cá và thầu đất trồng keo, xoan. Khi anh dự định làm kinh tế theo mô hình trang trại, vay tiền đầu tư, mua giống... bố mẹ, người thân không ai đồng ý, bảo anh “gàn”, liều lĩnh, giàu đâu chưa thấy chỉ thấy nợ nần chồng chất. Rồi, “trái ngọt” đã không phụ lòng người. Đến thời điểm hiện tại, quy mô trang trại của anh thật sự đã trở thành điểm sáng nơi vùng biên Bát Mọt: 20 con trâu, hàng trăm con lợn mán, lợn cỏ, đàn gia cầm khoảng 500 con và 1 ao thả cá trắm, cá mè rộng chừng 500m2. Thu nhập trung bình mỗi năm từ trang trại là gần 200 triệu đồng.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trang trại, ngắm nhìn thành quả của mình, giọng anh trở nên hào hứng: “Kể ra ngày đó mình cũng “liều” thật. “Gánh” hàng trăm triệu tiền vốn vay, với tư cách là “thủ lĩnh” của 13 chi đoàn trong xã, nếu mình thất bại thì làm sao tạo được động lực cho họ quyết tâm làm giàu”. Tôi cười: “Bây giờ anh chính là tấm gương để đoàn viên, thanh niên Bát Mọt học hỏi khởi nghiệp”. “Tấm gương thì mình không dám nhận, nhưng mình hy vọng bản thân sẽ trở thành động lực cho quyết tâm làm giàu của họ”, anh giải thích bằng chất giọng nhỏ nhẹ, khiêm tốn. Quả thật, câu chuyện làm giàu của anh Chung đã tác động không nhỏ đến những đoàn viên trẻ trong xã. Với họ, anh không những là một “thủ lĩnh” đoàn mẫn cán, mà còn là “cánh chim đầu đàn” tạo động lực thoát nghèo. Đơn cử như Hà Thị Mới, thôn Phống, xã Bát Mọt, em không được học hành đến nơi đến chốn, lại lập gia đình sớm, năm 20 tuổi. Tuy nhiên, vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, lấy tấm gương của anh Chung làm động lực phấn đấu, đôi vợ chồng trẻ đã không ngừng cố gắng phát triển kinh tế gia đình. Cửa hàng sửa xe máy, gian hàng bán tạp hóa cùng 2 ha đồi trồng keo với thu nhập trung bình 80 triệu đồng chính là thành quả đáng ghi nhận.

Khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nền nông nghiệp nước ta cứ mãi loay hoay trong vòng “bão giá”. Dẫu vậy, không có con đường dẫn đến thành công nào là bằng phẳng. Những anh Sỹ, anh Chung, chị Mới,... cũng đã phải trải qua muôn vàn khó khăn trước khi được nếm “trái ngọt”. Hy vọng, câu chuyện về họ sẽ tạo nguồn cảm hứng gửi đến các bạn trẻ đã, đang, chuẩn bị đi theo con đường làm giàu từ nông nghiệp.

Bài và ảnh: Nguyễn Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]