(Baothanhhoa.vn) - Không kể ngày hay đêm, hễ có lệnh điều động của bệnh viện là anh Bùi Duy Tùng (SN 1982, lái xe của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát) cùng chiếc xe cấp cứu hối hả lên đường làm nhiệm vụ. Trách nhiệm, trọng trách và sự an nguy của người bệnh chính là điều mà trong suốt gần 15 năm qua không cho anh một phút chểnh mảng.

Người lái xe cấp cứu vùng biên

Không kể ngày hay đêm, hễ có lệnh điều động của bệnh viện là anh Bùi Duy Tùng (SN 1982, lái xe của Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát) cùng chiếc xe cấp cứu hối hả lên đường làm nhiệm vụ. Trách nhiệm, trọng trách và sự an nguy của người bệnh chính là điều mà trong suốt gần 15 năm qua không cho anh một phút chểnh mảng.

Người lái xe cấp cứu vùng biênAnh Bùi Duy Tùng cùng kíp trực cấp cứu vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Hẹn tới hẹn lui không xếp được lịch, cuối cùng, tôi quyết định tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát với hy vọng sẽ đúng thời điểm. May mắn là, chuyến ngược ngàn dịp cuối năm này, tôi lại gặp được những người cần gặp. Từ cổng ra vào, cảnh tấp nập của bệnh viện vùng biên khiến tôi khá bất ngờ. Bác sĩ Bùi Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát lý giải: “Là bệnh viện vùng biên giáp nước bạn Lào nên việc khám, điều trị không chỉ dành riêng cho Nhân dân ta mà đối với bà con các huyện giáp biên (chủ yếu bà con của 2 huyện Sốp Bâu và Viêng Xay) cũng sang ta khám, điều trị, dẫn đến lượng bệnh nhân luôn duy trì ở mức cao”.

Biết được mong muốn của tôi, bác sĩ Bùi Huy Văn dẫn tới phòng làm việc của lái xe Bùi Văn Tùng, đồng thời không quên căn dặn về sự tranh thủ, bởi cái nghề như anh Tùng thì bất kể về thời gian. Tôi hiểu điều đó, sau tiếng gõ cửa, trước mắt tôi là người đàn ông rắn rỏi từng trải, biểu thị rõ sự bất ngờ trên gương mặt. Với chất giọng trầm ấm, anh mở lời xin lỗi bởi đặc thù nghề nghiệp mà không sắp xếp lịch hẹn. Hàn huyên, mở lòng về cơ duyên đến với nghề lái xe cấp cứu hiện tại, anh Tùng biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, anh theo học tại Trường Trung cấp y Thanh Hóa, rồi đi học lái xe. Hoàn thành khóa học, anh viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi rời quân ngũ, anh xin về làm lái xe tại bệnh viện cho đến nay.

“Suốt 15 năm làm nghề, tôi luôn phải giữ cho mình cái đầu lạnh, bình tĩnh, đưa ra những lựa chọn quyết đoán trên đường. Lái xe không chỉ đơn thuần cầm vô lăng để lái. Phải lái xe với tốc độ cao, di chuyển nhanh, kịp thời để người bệnh sớm được cấp cứu, chiến thắng được lưỡi hái của “tử thần” nhưng phải đảm bảo sự an toàn cho người bệnh và kíp theo xe. Vì trong khi tham gia giao thông trên đường thì vô số những tình huống có thể xảy ra. Bức xúc nhất, là nhiều trường hợp tài xế ô tô nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, đèn nháy xin đường từ xa nhưng họ nhất quyết không rời khỏi làn khẩn cấp để nhường đường. Thậm chí, nhiều lái xe vừa đi vừa sử dụng điện thoại hay bật loa nghe nhạc rất to phớt lờ tín hiệu xe ưu tiên. Họ không thể hiểu được cảm xúc của người cầm lái!. Những lúc đó, chỉ mong sao các tài xế tuân thủ luật giao thông, nhanh chóng nhường đường cho xe cấp cứu” - anh Tùng chia sẻ.

“Ám ảnh nhất là những lần chở bệnh nhân tử vong trên đường hay mất ở bệnh viện trở về nhà. Nghe những tiếng khóc, tiếng kêu thảm thiết của người thân, bản thân anh cũng đau nhói, chỉ mong sao nhanh hoàn thành công việc để được trở về bên gia đình, vợ con. Áp lực là vậy, nhưng nhiều lúc anh cũng tìm được niềm vui từ chính công việc của mình. Đó là những chuyến xe chở bệnh nhân đến viện cấp cứu kịp thời. Là sức khỏe của bệnh nhân hồi phục, cảm ơn kíp cấp cứu bằng rổ trứng, con gà… Hay niềm hạnh phúc khi hoàn thanh công việc về đến cổng nhà, con cái hân hoan đón, gọi: - A!… bố về mẹ ơi!…” - anh Tùng cho biết thêm.

Nói về những khó khăn, anh Tùng chia sẻ về thời điểm những ngày đầu đảm nhận công việc, sự khó nhọc của những cung đường vùng biên phải vượt qua vẫn như một nỗi ám ảnh không thể nào quên. Đó là năm 2009, có lần anh nhận lệnh đón bệnh nhân ở xã Mường Chanh bị tai nạn, cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Phải rất khó nhọc để xe cấp cứu vào đến trung tâm xã vì phải đợt mưa gió. Xe vào được trung tâm xã rồi nhưng không thể di chuyển vào bản vì đường lầy lội, có đoạn sạt lở. Cách duy nhất lúc đó, anh cùng với bác sĩ phải cuốc bộ vào bản sơ cứu cho bệnh nhân, rồi khiêng bệnh nhân ra trung tâm đưa lên xe xuống bệnh viện. “Bệnh nhân bị tai nạn lao động, mất máu nhiều. May được bác sĩ cầm máu kịp thời, tính mạng bệnh nhân được đảm bảo" - anh Tùng vui mừng kể.

Người lái xe cấp cứu vùng biên

Rồi những lệnh chở bệnh nhân chuyển tuyến xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những năm 2010 - 2011, tuyến Quốc lộ 15C đang thi công; hay năm 2018 Quốc lộ 15C sạt lở, cô lập nhiều ngày… những chuyến xe chở bệnh nhân chuyển tuyến vẫn phải chạy. Xe di chuyển sang Hòa Bình, Sơn La rồi mới về đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Trong khi lệnh điều xe đến, thời gian gần như không cố định giờ giấc. Có lúc nửa đêm, rạng sáng hay đang dở bữa ăn… Nói như anh, nghề nào cũng cần nhiệt huyết, yêu nghề mới có thể gắn bó, nhưng với nghề lái xe cấp cứu thì ngoài bản lĩnh, sự linh hoạt cần phải có một “tinh thần thép” mới có thể đảm trách.

Trong những khó khăn đó, với anh Tùng có lẽ đáng nhớ nhất là những chuyến vượt biên sang đất bạn Lào để đón bệnh nhân đi cấp cứu. Trong khi y tế bên nước bạn còn nhiều khó khăn, những ca khó, các cơ sở y tế bên huyện bạn vẫn thường xuyên đấu mối, có thư mời phía bệnh viện bên ta hỗ trợ. Khi có lệnh của bệnh viện là anh Tùng lại cùng chiếc xe cứu thương và các bác sĩ lên đường. Cũng bởi tính cấp thiết là cấp cứu bệnh nhân nên lực lượng biên phòng cửa khẩu cũng tạo điều kiện linh động hơn về thủ tục. Mới đây, cuối tháng 11-2022 này, anh Tùng nhớ đó là một ca đẻ khó ở cụm Mường Hằng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào), trạm y tế bên cụm Mường Hằng đã liên hệ Bệnh viện Đa khoa Mường Lát để xin hỗ trợ cấp cứu. Ngay lập tức, lệnh điều xe được ban ra. Lúc bấy giờ là 2 giờ sáng. Anh Tùng cùng một bác sĩ, một thông dịch viên tiếng Lào lên đường làm nhiệm vụ. “Cũng may đơn vị Bệnh viện Đa khoa Mường Lát hỗ trợ kịp thời, “mẹ tròn con vuông”, chứ chậm chễ chỉ nửa giờ đồng hồ là khó cứu. Nhìn mẹ con, gia đình sum vầy đoàn tụ đó là niềm vui không thể đong đếm!” - anh Tùng chia sẻ. Đó chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp mỗi năm mà phía bệnh viện bên ta qua hỗ trợ y tế bên bạn. Với những người lái xe cấp cứu như anh Tùng, anh khẳng định bản thân không sợ vất vả mà chỉ sợ mưa gió, bão bùng hay vì một lý do gì khác khiến xe không thể di chuyển, đưa đón bệnh nhân cấp cứu kịp thời, ảnh hưởng đến sự an nguy tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Huy Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, nhận định: Bệnh viện có 2 lái và 3 phương tiện xe cấp cứu. Ngoài đặc thù công việc thường xuyên, vất vả, hiểm nguy và trách nhiệm cao thì cá nhân anh Tùng được đánh giá là người điềm đạm, có tác phong công việc nghiêm túc. Anh được xem là người gương mẫu để thế hệ lái xe trẻ của bệnh viện cũng như đoàn thanh niên cơ quan học tập, noi gương. Cũng là người có nhiều thành tích xuất sắc được cơ quan khen tặng cũng như 2 huyện Sốp Bâu và Viêng Xay có giấy khen vì đã có thành tích giúp đỡ Nhân dân Lào.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]