(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.281 già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại các huyện miền núi. Những năm qua, NCUT đã thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng DTTS.

Người có uy tín - “điểm tựa” trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.281 già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống tại các huyện miền núi. Những năm qua, NCUT đã thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng DTTS.

Người có uy tín - “điểm tựa” trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu sốBác Triệu Văn Nguyên (người đứng) - người có uy tín ở thôn Bình Sơn (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy) truyền dạy lại cho cộng đồng những nghi lễ văn hóa của người Dao để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Những người được “Đảng cử, dân tin”...

Là địa phương có số lượng NCUT chiếm tỷ lệ khá cao trong đồng bào DTTS, những năm qua, các già làng, trưởng bản và NCUT trên địa bàn huyện Mường Lát giữ vị trí, vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân và là lực lượng nòng cốt, luôn đi đầu trong mọi công việc, cùng với đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Trong số các già làng, trưởng bản ở huyện Mường Lát, già làng Lò Văn Khằng, ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, là một trong những NCUT trong đồng bào dân tộc Khơ Mú. Không phụ lòng tin tưởng của bà con, những năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng nóng, già làng không quản ngại khó khăn luôn sát cánh cùng ban chi ủy khu phố đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đẩy lùi hủ tục, tập quán lạc hậu, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi.

Hiện khu phố Đoàn Kết có 169 hộ, 786 nhân khẩu. Nếu trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây chỉ quanh quẩn trỉa ngô trên nương, rẫy thì giờ đây đã biết trồng cây lúa nước, trồng sắn; chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Bên cạnh đó, dân bản còn tích cực trồng rừng phát triển kinh tế. Già Khằng chia sẻ: Đổi thay lớn nhất trong cuộc sống của người Khơ Mú ở khu phố Đoàn Kết là đồng bào đã từ bỏ được tập quán sản xuất lạc hậu sang phương thức sản xuất mới, bà con biết trồng rừng, trồng lúa cho năng suất cao, trẻ em chăm chỉ đến trường, phong tục tập quán lạc hậu đã dần xóa bỏ, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần... Những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố dần thay thế cho những ngôi nhà mái lá lụp sụp. Người dân đã được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, làng bản sạch đẹp, trẻ em đến tuổi đi học được đến trường.

Về xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn, nhắc đến NCUT trong đồng bào DTTS của xã, ai ai cũng gọi tên ông Lữ Văn Tiu - NCUT của đồng bào dân tộc Thái ở bản Lang. Ông không chỉ là tấm gương trong việc vận động mọi người tham gia phát triển kinh tế, mà còn là người tích cực vận động người dân trong bản hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông, di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nơi ở, vệ sinh môi trường, đưa bản Lang trở thành bản NTM, phấn đấu năm 2023 trở thành bản NTM kiểu mẫu. Với những đóng góp tích cực trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ông Tiu xứng đáng là 1 trong 11 NCUT của huyện Quan Sơn tham dự Hội nghị biểu dương NCUT tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa năm 2023.

... truyền lửa cho thế hệ trẻ giữ gìn bản sắc dân tộc

Thôn Bình Sơn, xã Cẩm Bình là một trong những ngôi làng cổ xưa nhất của đồng bào Dao huyện Cẩm Thủy. Mặc dù không còn sinh sống ở lưng chừng núi như trước, nhưng những phong tục tập quán của người dân nơi đây vẫn còn nguyên vẹn.

Người có uy tín - “điểm tựa” trong công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu sốTừ sự góp sức của đội ngũ người có uy tín, bộ mặt xã Thạch Quảng (Thạch Thành) ngày càng khởi sắc.

Là một trong những người được bà con dân bản bầu là NCUT ở thôn Bình Sơn, bác Triệu Văn Nguyên cho biết: “Chúng tôi thường xuyên cùng cán bộ và đảng viên tuyên truyền, hướng dẫn những chính sách mới của Đảng, Nhà nước cho bà con trong thôn; đồng thời triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của địa phương. Hàng tháng, hàng quý, hàng tuần khi có chủ trương, chính sách mới đề ra, chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền cho bà con nắm bắt. Đối với những người chưa hiểu nếu có thắc mắc, chúng tôi đến từng gia đình giải thích để bà con hiểu rõ và chấp hành”.

Không chỉ vận động người dân phát triển kinh tế, bác Nguyên đã cùng chi bộ thôn Bình Sơn còn vận động bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Những ai đã từng đặt chân đến Cẩm Bình đều biết lễ cấp sắc là một trong những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Dao nơi đây. Đây là nghi lễ thiêng liêng, quan trọng nhất trong cuộc đời người đàn ông dân tộc Dao khi chính thức trở thành người trưởng thành. Mỗi lần tổ chức lễ cấp sắc là dịp để cộng đồng nghe lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình. Để bảo tồn và phát huy lễ cấp sắc của dân tộc Dao, bác Nguyên và chi bộ thôn đã vận động bà con giảm bớt thời gian tổ chức lễ cấp sắc từ 3 ngày 2 đêm xuống 2 ngày 1 đêm, đồng thời vận động bà con lưu giữ những giá trị bản sắc truyền thống.

Bác Nguyên chia sẻ, trải qua thời gian, có nhiều nét văn hóa đã bị mai một, cùng với đó là lớp thanh niên thường đi làm ăn xa nên gây khó khăn trong việc truyền dạy văn hóa Dao. Vì thế, bác thường xuyên ghi chép lại những nghi lễ truyền thống bằng cả tiếng Việt và chữ Nôm Dao với mong muốn truyền dạy lại cho lớp trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lê Thị Huyền cho biết, đội ngũ NCUT của tỉnh luôn phát huy hiệu quả vai trò, vị trí trong đời sống đối với bà con các dân tộc, được Nhân dân và chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt là việc tham gia có hiệu quả vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM... góp phần đắc lực giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, họ là cầu nối để chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân đến các cấp, các ngành.

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]