NATO chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự với Nga?
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt, nguy cơ một cuộc chiến tranh NATO-Nga hoàn toàn có thể xảy ra khi mà sự hậu thuẫn của NATO dành cho Ukraine ngày càng tiến gần đến “giới hạn đỏ” của Nga. Vậy NATO chuẩn bị những gì cho kịch bản chiến tranh với Nga?
Mức độ sẵn sàng của NATO trước nguy cơ chiến tranh với Nga
Theo các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chiến lược và Quốc tế (CSIS), NATO đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga, đặc biệt kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã giúp NATO nhận ra những hạn chế, yếu kém của mình để khắc phục.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid/Tây Ban Nha vào cuối tháng 6/2022, các nước liên minh đã thông qua một khái niệm chiến lược mới, trong đó đưa ra những cam kết bảo vệ tự do và an ninh của tất cả các đồng minh, tái khẳng định sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia thành viên là điều cần thiết đối với an ninh của liên minh. Cùng với đó, khái niệm mới đã đặt ra 3 nhiệm vụ cốt lõi, gồm: Răn đe và phòng thủ; ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng; hợp tác an ninh và tìm cách nâng cao khả năng ứng phó của cá nhân, tập thể cũng như tăng cường năng lực công nghệ. Theo các chuyên gia của CSIS, động lực để NATO đưa ra khái niệm chiến lược mới là việc xác định Nga là “mối đe dọa trực tiếp và quan trọng nhất đối với an ninh NATO”, cũng như khả năng răn đe và phòng thủ một lần nữa chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược của khối quân sự này.
Phân tích của các chuyên gia CSIS chỉ ra rằng, kịch bản có khả năng nhất về một cuộc chiến tranh với Nga mà NATO nên chuẩn bị là “quân đội Nga nhanh chóng chiếm giữ lãnh thổ ở vùng Baltic chiến lược”. TASS dẫn nhận định của CSIS cho rằng, “đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất đối với bất kỳ cuộc tấn công thông thường nào của Nga nhằm vào NATO, bởi vì cán cân quyền lực trong khu vực này đang thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Nga”. Theo quan điểm của CSIS, để giành lại các lãnh thổ đã mất, NATO sẽ cần thiết lập ưu thế trên không và kiểm soát biển Baltic, nhưng quan trọng nhất, các nước đồng minh cần phải thực hiện tất cả các mục tiêu đặt ra ở Madrid vào năm 2022.
Theo tờ Telegraph của Anh ngày 4/6 đưa tin, NATO đang nỗ lực tạo ra hành lang trên bộ để dễ dàng điều quân và xe bọc thép Mỹ ra tiền tuyến trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn với Nga trên lục địa châu Âu. Báo Telegraph dẫn lời các quan chức cho biết, lực lượng Mỹ có thể đổ bộ tại một trong 5 cảng, và sẽ di chuyển dọc theo các tuyến đường hậu cần đã được lên kế hoạch, trong tình huống có một cuộc tấn công của Nga. Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh nhiều lãnh đạo của NATO cảnh báo các chính phủ phương Tây cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga trong hai thập kỷ tới.
Ngày 4/6, Telegraph cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Eirik Kristoffersen cảnh báo NATO có từ 2 đến 3 năm để chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Nga nhằm vào liên minh. Vào tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cảnh báo Nga có thể tấn công NATO trong 5 đến 8 năm nữa. Theo Telegraph, các tuyến đường hậu cần đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi các lãnh đạo NATO vào năm 2023 chấp thuận việc chuẩn bị 300.000 quân trong trạng thái sẵn sàng cao độ để bảo vệ liên minh. Các kế hoạch hiện tại cho thấy quân đội Mỹ có thể đổ bộ tại các cảng ở Hà Lan, trước khi lên các chuyến tàu vận chuyển họ sang Đức, sau đó là đến Ba Lan. Trong trường hợp Nga tấn công NATO, lực lượng Mỹ sẽ đến cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi được đưa đến phía Đông.
NATO tích cực tổ chức lại lực lượng và chỉ huy
CSIS lưu ý rằng, kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra, các nước NATO đã đạt được thành công đáng kể, đặc biệt là trong việc tăng chi tiêu quốc phòng. Nếu như vào năm 2014, chỉ có 3 quốc gia chi 2% GDP cho nhu cầu quốc phòng, thì đến nay có 18/32 quốc gia thành viên đạt được mức chi này. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận mức chi tiêu cho quốc phòng của các nước thành viên NATO ở châu Âu gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, CSIS cũng chỉ ra khoảng trống trong chính sách an ninh-quốc phòng của châu Âu là việc quá phụ thuộc vào Mỹ trong các nhiệm vụ phòng thủ tập thể công nghệ cao và thúc đẩy hợp tác nội vùng để tối đa hóa lợi ích của việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Ngoài ra, NATO không ngừng tăng cường lực lượng tại Đông Âu. Năm 2023, 4 nhóm tác chiến mới của NATO đã được thành lập để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Các nhóm này được triển khai ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, bổ sung cho các nhóm chiến đấu hiện có ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, tất cả đều có biên giới chung với Nga. Theo người phát ngôn NATO Oana Lungescu, tại khu vực Đông Âu, hiện có 8 nhóm tác chiến của NATO với 10.000 quân, so với 4 nhóm tác chiến với 5.000 quân hồi năm 2021. Tuy nhiên, quan sát các cuộc tập trận gần đây nhằm xác định mức độ sẵn sàng chiến đấu của tất cả 8 nhóm chiến đấu, CSIS cho rằng, chỉ có 2 trong số đó, có trụ sở tại Lithuania và Latvia là có kế hoạch tăng cường sức mạnh lên quy mô lữ đoàn (lên tới 5.000 quân). Điều này cũng thể hiện sự mất cân bằng lực lượng trong khu vực của NATO, và có lợi cho Nga trong kịch bản một cuộc chiến tranh thông thường xảy ra.
Các nhà phân tích CSIS cũng chỉ ra sự chậm trễ trong việc tổ chức lại lực lượng của NATO. Mô hình lực lượng mới (NFM) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Madrid, nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ bằng cách cung cấp một lực lượng lớn hơn nhiều sẵn sàng triển khai nhanh chóng nếu xảy ra khủng hoảng. Cụ thể, mô hình này có 3 cấp huy động lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong thời gian từ 10 - 180 ngày tương ứng với quân số tối thiểu 100.000, 200.000 và 500.000. Các nước NATO cũng đang mở các bộ chỉ huy lực lượng đa quốc gia mới ở các khu vực nhạy cảm nhất ở châu Âu (hiện có 10 bộ, với một bộ khác được lên kế hoạch ở thành phố Mikkeli của Phần Lan, cách biên giới Nga 140 km). Tuy nhiên, quân đồng minh gặp vấn đề cả về thành phần lực lượng phản ứng và sự sẵn sàng chuyển giao mọi quyền quản lý của họ cho bộ chỉ huy NATO.
Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất của NATO sau Hội nghị thượng đỉnh Madrid là việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Theo CSIS, điều này giúp NATO mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng ở khu vực biên giới phía Tây Bắc của Nga vì 3 yếu tố sau: (1) Thụy Điển và Phần Lan mang lại sự bổ sung lực lượng đáng kể cho NATO. Thụy Điển là quốc gia có hải quân mạnh mẽ, lại có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO nhờ vào thế mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng. Sự phát triển và nâng cấp liên tục của khả năng quốc phòng của Thụy Điển đã định hình Thụy Điển thành một cường quốc quan trọng trong lĩnh vực này. Điều đó không chỉ cung cấp thêm nguồn lực quân sự mạnh mẽ cho NATO, mà còn tăng cường sự thúc đẩy đòn bẩy quân sự trong bối cảnh quan trọng của vị trí địa chiến lược của Thụy Điển. Phần Lan cũng có quân đội được đầu tư bài bản, hùng hậu vì đang áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới. Số liệu từ Military Balance 2022 cho biết, Quân đội Phần Lan hiện chỉ có 4.400 quân thường trực và 9.000 quân dự bị, được chia thành 2 lữ đoàn thiết giáp, 2 lữ đoàn cơ giới và 6 lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ, nhưng khi cần thiết họ có thể nhanh chóng huy động 285.000 người. (2) Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía Bắc của biển Baltic. Do đó, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO. Hơn nữa, Thụy Điển còn sở hữu Gotland, với chu vi lên tới 175km ngay chính giữa biển Baltic. Năm 2022, Thụy Điển đã công bố khoản chi lên đến 163 triệu USD để củng cố năng lực quốc phòng trên đảo này, trong đó có việc dựng thêm doanh trại. Nếu xung đột giữa Nga và NATO xảy ra, các nước NATO sẽ có nhiều hướng tấn công cả hai nơi này. (3) Phần Lan có đường biên giới trên bộ với Nga dài hơn 1.300km, đang được bố trí lực lượng tuần tra chặt chẽ, và nhiều khả năng thời gian tới sẽ được tăng cường bởi sự hiện diện của quân đội NATO. Với việc Phần Lan là thành viên chính thức, chiều dài đường biên giới trên bộ của NATO với Nga đã tăng gấp đôi. Điều này mở ra cơ hội để NATO hiện diện thường trực tại khu vực biên giới với Nga, qua đó tạo áp lực không nhỏ lên Nga khi phải tăng cường bảo vệ biên giới.
NATO tập trung vào các chương trình huấn luyện về phòng thủ tập thể, nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu trong kịch bản chiến tranh xảy ra. Trong một động thái liên quan, từ ngày 6-17/5, NATO đã tiến hành cuộc tập trận Spring Storm có sự tham gia của khoảng 14.000 binh sĩ Estonia và các nước đồng minh. Đây là một phần trong cuộc tập trận Steadfast Defender của NATO, cuộc tập trận được đánh giá là có quy mô lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Có khoảng 90.000 binh sĩ từ tất cả 32 nước đồng minh NATO tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender. Đồng thời, NATO cũng tập trung vào cái gọi là hoạt động đa miền (chiến thuật tiến hành chiến tranh chống lại kẻ thù có sức mạnh tương đương).
NATO phải đối mặt với những thách thức gì?
CSIS nhận định, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine cho thấy những hạn chế của các cơ sở công nghiệp quốc phòng NATO (một ví dụ nổi bật là những khó khăn trong việc cung cấp đạn dược cho Lực lượng vũ trang Ukraine). Trong bối cảnh đó, NATO và EU đã thực hiện các bước riêng biệt để tăng sản xuất và đồng bộ hóa việc mua sắm quốc phòng, tuy nhiên, như các nhà phân tích lưu ý, các rào cản đối với việc đẩy nhanh sản xuất và mâu thuẫn, bất đồng giữa NATO và một số nước châu Âu vẫn tồn tại.
Rõ ràng, rất khó để so sánh tương quan lực lượng giữa NATO và Nga trong giai đoạn hiện nay, kể cả trong kịch bản các bên tiến hành cuộc chiến tranh thông thường, cũng như sử dụng lực lượng hạt nhân chiến thuật, chiến lược. Song, NATO sẽ phải tập trung “vá” những “lỗ hổng” hiện nay đang làm suy yếu đáng kể khả năng răn đe quân sự truyền thống của khối. Các nước châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về lực lượng hải quân, phòng không, đạn pháo và tên lửa. “Bất kỳ hoạt động chiến đấu lớn nào ở châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào lực lượng của Mỹ để đáp ứng nhu cầu của châu Âu về lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cần thiết để thực hiện một loạt nhiệm vụ chiến đấu”, TASS dẫn nhận định của CSIS.
Một mặt, NATO sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với Nga, song câu hỏi về việc chuẩn bị như thế nào cho một cuộc chiến kéo dài vẫn còn bỏ ngỏ. “Bất kỳ kịch bản chiến tranh nào giữa Nga và NATO cũng không thể kết thúc nhanh chóng, mà sẽ trở thành cuộc xung đột không chỉ về quân sự, mà còn về xã hội. Nó sẽ trở thành một cuộc cạnh tranh về năng lực công nghiệp quốc phòng, bảo đảm chuỗi cung ứng vũ khí, năng lực hậu cần, nguồn nhân lực và ý chí chiến đấu”, các chuyên gia CSIS nhấn mạnh. Do đó, theo CSIS, NATO vẫn phải khắc phục các vấn đề liên quan đến việc tăng chi tiêu quốc phòng, chuyển đổi năng lực công nghiệp quốc phòng và thu hẹp những khoảng trống quan trọng về thiết bị. Đây sẽ là những nội dung chính tại Hội nghị thượng đỉnh Washington sắp tới mà NATO cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, để từ đó đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-06-14 08:02:00
Ngành thực phẩm châu Âu “thấp thỏm” trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa
Đằng sau quyết định đầy rủi ro của Tổng thống Pháp Macron
Bầu cử EP: Cán cân quyền lực cuối cùng vẫn chưa được xác định
Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Sự trỗi dậy của cánh hữu
Hội đàm Mỹ-Pháp đề cập nhiều “vấn đề nóng”
Nga đưa tàu hải quân đến Cuba tập trận: Động thái đáp trả Mỹ?
Bị phương Tây cô lập, Nga nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi
Tổng thống Putin đánh giá về quan hệ Nga-Mỹ và các vấn đề đối ngoại khác
Nga đang lâm vào thế “cửa dưới” trong quan hệ với Trung Quốc?
Bầu cử Ấn Độ 2024: Cuộc đua gay cấn đến phút chót