Hội đàm Mỹ-Pháp đề cập nhiều “vấn đề nóng”
Ngày 8/6, sau lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ D-Day ở Normandy, Tổng thống Mỹ Biden đã thăm chính thức Pháp và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Macron. Đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước đề ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác song phương, cũng như phối hợp trong các “điểm nóng” của khu vực và thế giới.
Hai nhà lãnh đạo tập trung thảo luận nhiều “vấn đề nóng”
Theo Reuters, trong cuộc hội đàm, lãnh đạo Pháp-Mỹ đã tập trung thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, chia sẻ quan điểm về cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, Israel-Hamas ở Dải Gaza, cũng như hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các vấn đề chính sách từ biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo đến bảo đảm chuỗi cung ứng. Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Biden khẳng định, Pháp là đồng minh lâu đời và một trong những đồng minh hợp tác chặt chẽ nhất với Mỹ. Trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, liên minh đó càng phải được tăng cường, thúc đẩy để hướng tới những lợi ích cốt lõi của hai nước, cũng như bảo đảm hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.
Việc củng cố, nâng cao sức mạnh NATO được lãnh đạo hai nước Pháp-Mỹ đặc biệt quan tâm. Cả hai Tổng thống đều cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine, tuy nhiên vẫn chưa thống nhất kế hoạch sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp đỡ Kiev. Trước đó, người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, Washington và các đồng minh G7 đã đạt được tiến bộ trong vấn đề này, và nhiều khả năng một thỏa thuận chính thức sẽ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến được tổ chức vào ngày 13-15/6 tại Ý.
Lãnh đạo Mỹ-Pháp cũng đã thảo luận về tình hình ở Trung Đông. Tổng thống Mỹ Biden là người ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến của Israel chống lại Hamas kể từ cuộc tấn công của phiến quân vào tháng 10 năm ngoái. Nhưng cái chết của hàng chục nghìn người Palestine, cùng hàng loạt vấn đề nhân đạo nghiêm trọng đang diễn ra ở Dải Gaza đã làm xói mòn sự ủng hộ của Mỹ dành cho Chính phủ Israel. Theo Mỹ-Pháp, đã đến lúc Chính phủ Israel ngừng các hành động quân sự, ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn theo kế hoạch hòa bình mà ông Biden đã đề xuất trước đó.
Cũng tại hội đàm, hai nước Mỹ-Pháp đã công bố kế hoạch hợp tác cùng nhau trong việc thực thi luật hàng hải, đồng thời Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ và Hải quân Pháp sẽ thảo luận các bước tiếp theo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai lực lượng, nhất là trong các hoạt động tuần tra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, các vấn đề thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng nằm trong chương trình nghị sự. Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ do Tổng thống Biden ký vào tháng 8/2022 đã gây ra sự bất bình trong giới quan chức châu Âu; họ coi đó là một động thái bảo hộ nhằm hút nguồn đầu tư khỏi các công ty EU. Trong chuyến thăm Washington vào năm 2022, Tổng thống Macron cho rằng, gói trợ cấp có thể “gây chia rẽ phương Tây” và làm suy yếu sự phục hồi của châu Âu thời hậu COVID-19 vào thời điểm Washington đang tìm kiếm đồng minh chống lại Trung Quốc và cả hai bên đều đối đầu với Nga. Tuy nhiên, ông và các đồng minh châu Âu đã giành được rất ít nhượng bộ từ Washington kể từ đó, và các quan chức Pháp cho biết mục đích của chuyến thăm này vẫn là cố gắng “tái đồng bộ hóa” các chương trình kinh tế của Mỹ và EU.
Chuyến thăm đa mục đích của Tổng thống Biden
Theo Politico, ông Biden bắt đầu chuyến thăm Pháp vào ngày 5/6 với lý do chính thức cho chuyến bay vượt đại dương của Tổng thống Mỹ, người đang bận rộn với chiến dịch bầu cử và không thường xuyên ra nước ngoài, là nhân kỷ niệm 80 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ vào Normandy trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, kế hoạch của người đứng đầu Nhà Trắng ở châu Âu không chỉ giới hạn ở các sự kiện lễ hội. Chuyến đi tới Pháp là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Biden tới quốc gia này, đồng thời là chuyến công du nước ngoài dài nhất trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Thông qua chuyến thăm Pháp và cuộc hội đàm với người đồng cấp Macron, Tổng thống Biden muốn đạt được một số mục tiêu chiến lược sau:
Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Hiện nay, kinh tế Mỹ-Pháp đều đang có dấu hiệu giảm tốc và rất cần những động lực thúc đẩy tăng trưởng mới. Theo số liệu thống kê từ Nhà Trắng, tháng 3/2024, Mỹ xuất khẩu 3,74 tỷ USD và nhập khẩu 4,95 tỷ USD từ Pháp. Từ tháng 3/2023 đến tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đã giảm 269 triệu USD, trong khi nhập khẩu lại tăng 251 triệu USD. Điều này cho thấy kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-Pháp hiện đang được duy trì ở mức tương đối ổn định.
Thứ hai, tìm kiếm giải pháp nhằm giúp quân đội Ukraine cải thiện cục diện trên chiến trường hiện nay. Việc Mỹ, Pháp và một số đồng minh phương Tây “bật đèn xanh” cho quân đội Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với việc các nước này sẵn sàng cho một kịch bản đối đầu trực diện với Nga và đẩy cuộc xung đột tại Ukraine leo lên một “nấc thang” mới. Tuy nhiên, quyết định này liệu có hiệu quả và tác động ra sao đến cục diện chiến sự Nga-Ukraine vẫn là dấu hỏi lớn khi mà quân đội Nga vẫn đang có những bước tiến vững chắc ở Kharkov. Do đó, cuộc hội đàm lần này là dịp để lãnh đạo Mỹ-Pháp cùng tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao tính hiệp đồng tác chiến của các vũ khí do phương Tây cung cấp cho Ukraine và giúp quân đội Ukraine trong việc sử dụng vũ khí nào, chiến thuật tác chiến nào hiệu quả nhất để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga.
Thứ ba, kêu gọi đồng minh tăng cường hỗ trợ Mỹ trong những hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden luôn muốn thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, coi đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho Ukraine khiến Mỹ không thể bảo đảm sự hiện diện thường xuyên và quy mô ở khu vực này; do đó, Mỹ cần đến sự “trợ chiến” của các đồng minh. Trong khi đó, trong các đồng minh châu Âu của Mỹ, Chính quyền Tổng thống Pháp Macron luôn dành sự quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bởi khu vực này nằm trong vùng lợi ích chiến lược của Pháp; và thực tế, cũng tích cực triển khai các chính sách ở khu vực, thông qua việc can dự mạnh mẽ trong giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực, an ninh các tuyến đường hàng hải chủ chốt, cũng như tăng cường và phát triển các mối quan hệ đối tác chiến lược tại khu vực...
Cuối cùng, chuyến công du của ông Biden diễn ra giữa lúc cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn nước rút, nên sự liên quan, ràng buộc giữa hai sự kiện này là điều dễ hiểu. Trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ứng viên của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Trump đang chiếm ưu thế nhất định để trở lại Nhà Trắng bất chấp loạt bê bối pháp lý. Giới chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, mục tiêu của ông Biden trong chuyến thăm Pháp là cố gắng xây dựng hình ảnh của mình một cách “đối lập” so với ông Trump, người có tầm nhìn về trật tự thế giới cũng như quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương rất khác với Chính quyền Mỹ hiện tại. Bằng việc thúc đẩy, thắt chặt quan hệ đồng minh Mỹ-Pháp nói riêng, Mỹ-châu Âu nói chung, một mặt, ông Biden có thể tận dụng những thành tựu trong chính sách đối ngoại của mình để vận động cử tri trong nước; mặt khác, tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu, vốn rất lo ngại kịch bản ông Trump chiến thắng và sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và châu Âu như trước đây.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-06-08 08:49:00
Nga đưa tàu hải quân đến Cuba tập trận: Động thái đáp trả Mỹ?
Bị phương Tây cô lập, Nga nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi
Tổng thống Putin đánh giá về quan hệ Nga-Mỹ và các vấn đề đối ngoại khác
Nga đang lâm vào thế “cửa dưới” trong quan hệ với Trung Quốc?
Bầu cử Ấn Độ 2024: Cuộc đua gay cấn đến phút chót
Quốc gia thành viên NATO muốn gia nhập BRICS
Kế hoạch của ông Biden liệu có mang lại hòa bình cho Dải Gaza?
Nắng nóng cực đoan thiêu đốt Ấn Độ khiến gần 100 người chết: Vì đâu nên nỗi?
Dấu hiệu leo thang căng thẳng cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine
Cuộc tổng tuyển cử lớn nhất thế giới ở Ấn Độ: Đường dài hay sức ngựa