Mường Phăng huyền thoại...
Trong “rừng Đại tướng” trầm mặc, vẫn líu lo chim hót, róc rách suối reo trong du dương gió núi, như thương nhớ vị tướng tài ba của dân tộc, về một thời hoa lửa đã qua. Ở đó, di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đơn sơ nhưng hằn in câu chuyện về tài thao lược, những quyết định đúng đắn, tài ba của Bộ Chỉ huy chiến dịch mà đứng đầu là Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đã làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lán ở và nơi làm việc của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đều đơn sơ, được làm bởi tranh tre, nứa lá.
Quốc lộ 6 thênh thang dẫn chúng tôi về TP Điện Biên Phủ trong vi vu gió núi, giữa âm hưởng hào sảng của những khúc ca “Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/ Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/ Bộ đội ta vâng lệnh Cha già”... Trên cung đường này, 70 năm trước là lớp lớp thanh niên, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đã hồ hởi vận lương tải đạn, hành quân ra mặt trận với son sắt lời thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Từ cung đường ấy rẽ vào xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ), di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn. Đây là nơi dừng chân thứ 3, cũng là chặng dừng chân cuối cùng của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ mà đứng đầu là người Anh cả của quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng lỗi lạc, tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chỉ trong 105 ngày ở lại, từ ngày 31/1 đến 15/5, nhưng từ đây, những quyết sách, mệnh lệnh đúng đắn đã được truyền ra mặt trận, quyết định số phận của thực dân Pháp trên cả chiến trường Đông Dương.
Sau quyết định khó khăn về thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, ở nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nghiên cứu, tính toán ra quyết định cho từng trận đánh, từng bước đẩy quân Pháp vào đường khốn cùng. Để sau đó, ngày 6/5/1954, một mệnh lệnh quyết định số phận của chúng đã được mã hóa truyền ra mặt trận. Đó là mệnh lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ được Đại tướng ký tên Ngọc, hiện còn ảnh chụp được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mệnh lệnh đó có đoạn: Thời gian quy định đúng 8 giờ 30, không được chậm. Đến 8 giờ rưỡi thì: Đồi A1 bộc phá. Pháo và H6 bắn tập kích lần thứ nhất. Bộ binh các hướng đều xung phong. Hàng Cung lập tức chế áp pháo địch. Các nơi phải lấy giờ cho đúng...
Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ).
Ngày hôm sau, thời khắc lịch sử đã điểm. Pháo ta đã gầm, tiếng bộc phá long trời lở đất, quân ta ào ào xung trận. Giặc nguy khốn, máy bay cứu viện không thể hạ cánh trên sân bay, đường tháo chạy cũng bị quân ta chặn lại. Tên tướng cáo già Đờ-cát cùng hàng ngàn tên giặc lóp ngóp như lũ chuột dưới các hầm hào cố thủ, cuối cùng đã phải giơ tay xin hàng. Sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, bộ đội ta đã cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ-cát. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
70 năm đã trôi đi sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dưới chân núi Pú Đồn, trong cánh rừng nguyên sinh được đồng bào Mường Phăng gọi bằng cái tên dân dã “rừng Đại tướng”, nơi làm việc sở chỉ huy chiến dịch vẫn còn đó, đơn sơ và trầm mặc. Đó là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn dọc theo con suối nhỏ, trong khu rừng tự nhiên rộng tới 73ha. Tại đây, tất cả các lán trại, từ nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, lán của Trưởng Ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy, cho tới nơi làm việc của đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc,... đều tạm bợ, được làm bởi tranh tre, nứa lá, trái ngược với vẻ kiên cố của hầm Đờ-cát đã bị khuất phục bởi quân ta.
Theo lời giới thiệu của hướng dẫn viên di tích, do được bố trí cách không xa mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn thường mang theo ống nhòm, leo núi để quan sát thung lũng Mường Thanh, tận mắt chứng kiến những trận đụng độ lịch sử trên đồi Him Lam, đồi Độc Lập, bên dòng Nậm Rốm... để đưa ra những quyết định đúng đắn. Và mãi sau này, khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, những già làng người Thái Mường Phăng mới biết trong rừng quê mình có bộ đội chỉ huy.
Chiến tranh đi qua, Mường Phăng hôm nay đang đổi mới đi lên với ngôi nhà sàn kiên cố bên ruộng lúa nương ngô bời bời xanh tốt, vẫn khắc ghi dấu ấn huy hoàng của một thời hoa lửa đã qua. Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ những ngày này không ngớt con dân nước Việt từ mọi miền Tổ quốc trở về. Họ đến và lặng lẽ bước chân trên bậc thềm đá rêu phong len lỏi trong “rừng Đại tướng”, cũng như tôi, đều nghiêng mình trước lịch sử, trước sự gian khổ, can trường, trước những tấm gương quả cảm hy sinh của cha anh để làm nên một chiến thắng vĩ đại. Ở đó, không chỉ có sự đúng đắn, sáng tạo trong đường lối, chiến lược và nghệ thuật chiến tranh Nhân dân của Đảng, Bác Hồ, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn khẳng định một chân lý sáng ngời, sắt thép, bom đạn của kẻ thù đã không thể thắng được ý chí, được sức mạnh của lòng yêu nước cháy bỏng.
Bài và ảnh: Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
-
2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
-
2024-04-11 12:09:00
“Máy bay thua đôi bồ”
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 11/4/1954, hai bên ra sức củng cố trận địa
Từ những “hoa văn” trên bánh xe cút kít...
Bên dòng sông Mã
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 10/4/1954, ta tiếp tục củng cố và phát triển trận địa tiến công
Ký ức Điện Biên
Những người con Thanh Hóa ở Điện Biên
Khúc tráng ca hang Co Phương
Tô Vĩnh Diện - Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 9/4/1954, ta bắn rơi chiếc máy bay C119