(Baothanhhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh, tính đến 16h30, ngày 20-7, mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân ở các địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại các địa phương trong tỉnh

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh, tính đến 16h30, ngày 20-7, mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân ở các địa phương.

Các lực lượng dầm mình trong mưa lũ tìm kiếm các nạn nhân ở bản Hắc, xã Trí Nang (Lang Chánh) bị mất tích.

Toàn tỉnh có 7 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 28 ngôi nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 2 khu vực dân cư bị cô lập. 1.701 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn; 10.586 ha lúa bị ngập trắng; 2.617 ha rau màu, hoa màu bị ngập trắng; 188 ha cói bị ngập; 173 ha ngô bị ngập, gãy đổ; 795 ha mía bị gãy; 2.800 cây ăn quả bị đổ, gãy; 974m2 phòng học bị tốc mái; 1 đập dâng và 4.506 kênh mương bị hư hỏng; 8 cống dưới đê, cống nội đồng bị hư hỏng. 13 điểm giao thông bị ngập lụt; 97 điểm đường quốc lộ bị sạt lở; 6.415m đường giao thông liên thôn bị sạt lở, hư hỏng. Ngoài ra, 1.015 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn; 11.610 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 26 con gia súc bị chết. 81 cột điện cao thế, trung thế, hạ thế bị gãy, đổ.

Đặc biệt, tại bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh đã xảy ra lũ quét làm 2 người chết, 2 người mất tích và 3 người bị thương.

Trong ngày 21-7, tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lang Chánh, Đồn Biên phòng Yên Khương, Công an huyện Lang Chánh và 160 dân quân tự vệ các địa phương lân cận cùng người dân chia thành 3 mũi tìm kiếm dọc các con sông suối, gần nơi xảy ra vụ tai nạn.

Suối Cảy với chiều dài là 17 km, chảy dọc theo 3 xã Trí Nang, Giao Thiện, Giao An, bộ đội, công an biên phòng dẫn theo chó nghiệp vụ, tổ chức lội dọc theo 2 bờ suối để tìm kiếm nạn nhân. Lực lượng còn lại sử dụng máy xúc, máy cưa cắt cây, đào bới để tìm kiếm tại những đống rác gỗ rừng, bị những thân cây lớn, các bụi tre luồng cản lại dọc 2 bên bờ suối khi cơn lũ quét qua...

Mặc dù các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn rất tập trung, nỗ lực, tuy nhiên do mưa lớn, nước sông suối chảy xiết, địa hình nhiều nơi bị chia cắt do mưa lũ nên việc tìm kiếm 2 nạn nhân bị tử vong vẫn chưa có kết quả.

Hiện tại gần 10 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu xung quanh 3 ngôi nhà bị cuốn trôi đã phải sơ tán đến các hộ dân nằm ở vị trí an toàn trong bản Hắc, nhằm tránh vụ sạt lở đất thứ 2 có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tập trung giúp đỡ các hộ gia đình bị nạn, triển khai công tác sửa chữa, khôi phục lại các công trình hư hỏng, xử lý nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm để nhân dân sớm ổn định đời sống sau đợt thiên tai nặng nề này.

Sở Giao thông - Vận tải đã huy động tối đa lực lượng, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt. Các vị trí sạt lở, hư hỏng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đều đã được đảm bảo giao thông tạm thời để thông xe, trừ Quốc lộ 16 (4 vị trí giáp tỉnh Nghệ An) và tuyến đường tuần tra biên giới phức tạp, khối lượng lớn, đang được tập trung khắc phục.

* Trong ngày 21-7, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã có 2 Công điện số 12 và 13 phát lệnh báo động I trên sông Mà và sông Cầu Chày.

Theo các công điện: Hồi 13h, ngày 21-7, mực nước sông Mã đo được tại Trạm thủy văn Cẩm Thủy là 17.37m, dưới báo động I là 0.13m. Tại Trạm thủy văn Lý Nhân là 7.58m, dưới báo động I là 1.92m. Dự báo lũ trên sông Mã tiếp tục tăng nhanh, mực nước tại Trạm thủy văn Cẩm Thủy có khả năng ở mức báo động 2, tại Trạm thủy văn Lý Nhân ở mức báo động I.

Trên sông Cầu Chày, mực nước tại Trạm thủy văn Xuân Vinh có khả năng đạt mức 8.3m (vượt mức báo động I).

Các công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Yên Định, Vĩnh Lộc; TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn thực hiện các nội dung: Triển khai ngay việc tuần tra canh gác và hộ đê theo cấp báo động. Rà soát, kiểm tra và có phương án xử lý bảo đảm an toàn cho các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Thông báo cho nhân dân sống vùng ngoại đê biết để chủ động sơ tán khi mực nước lên cao. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh.

* Cũng trong chiều 21-7, BCH PCTT&TKCN tỉnh đã có Công văn số 143/PCTT&TKCN về ứng phó với lũ, lũ quét và sạt lở đất, gửi BCH PCTT&TKCN các huyện, BCH PCTT&TKCN các ngành; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông - Vận tải. Theo đó, trên địa bàn các huyện miền núi tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất. Để chủ động ứng phó, BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu BCH PCTT&TKCN các huyện và các ngành: Tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND ngày 16-7-2018; Công điện khẩn số 08/CĐ/UBND ngày 17-7-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối, chủ động tổ chức, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện đi qua các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để bảo đảm an toàn.

* Sáng 21-7, do mưa lớn kéo dài, trên các tuyến giao thông trọng điểm của huyện Mường Lát xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất, đá gây khó khăn cho người dân đi lại, làm ách tắc giao thông.

Trong đó, tuyến Quốc lộ 15C qua địa phận các xã Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi; tuyến đường phía Tây Thanh Hóa (từ cầu Chiềng Nưa – xã Mường Lý) và đường vành đai biên giới bị sạt lở đất, đá gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Ngoài ra, mưa lũ đã làm thiệt hại hơn 4 ha diện tích lúa nước mùa của xã Mường Chanh.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Mường Lát cho biết: Trên tuyến Quốc lộ 15C đã xảy ra 5 điểm sạt lở, các điểm tắc nghẽn chủ yếu do xảy ra sạt lở đất, đá từ vách ta-luy dương xuống lòng đường, gây khó khăn cho người và phương tiện đi lại. Huyện Mường Lát đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và các địa phương, huy động máy móc và nhân lực xử lý các điểm sạt lở gây ách tắc trên địa bàn, khắc phục tuyến Quốc lộ 15C, bảo đảm giao thông được thông suốt. Đồng thời, cảnh báo người dân cẩn thận khi qua những tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất, đá cao.

Cùng với việc chỉ đạo các địa phương, đơn vị khắc phục hậu quả do sạt lở đất, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở, xảy ra lũ ống, lũ quét, tổ chức di dời các hộ dân có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn và không để người dân ở lại khu vực chòi rẫy khi có mưa lớn xảy ra.


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]