(Baothanhhoa.vn) - Nương vào hào quang tỏa rạng, khí thế ngút trời của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mỗi người có cái nhìn sâu hơn vào bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa và cốt cách con người xứ Thanh từ thuở sơ khai đến nay, để thấy được rằng, xứ Thanh ôm vào lòng mình biết bao giá trị. Ở đó, lịch sử - văn hóa - con người là 3 nhân tố quan trọng, tạo nên “thế kiềng ba chân” vững chãi, “nguồn lực nội sinh” quan trọng, “sức mạnh mềm” cho khát vọng xứ Thanh bay cao, vươn xa.

Lịch sử là điểm tựa, văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh, con người là động lực phát triển

Nương vào hào quang tỏa rạng, khí thế ngút trời của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mỗi người có cái nhìn sâu hơn vào bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa và cốt cách con người xứ Thanh từ thuở sơ khai đến nay, để thấy được rằng, xứ Thanh ôm vào lòng mình biết bao giá trị. Ở đó, lịch sử - văn hóa - con người là 3 nhân tố quan trọng, tạo nên “thế kiềng ba chân” vững chãi, “nguồn lực nội sinh” quan trọng, “sức mạnh mềm” cho khát vọng xứ Thanh bay cao, vươn xa.

Lịch sử là điểm tựa, văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh, con người là động lực phát triểnLễ hội Bà Triệu - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Người thầy” của hiện tại và tương lai

Khái niệm lịch sử thường gợi lên ý niệm xoay vần cùng quá khứ, kí ức, huyền thoại - là tất cả những gì đã lùi lại sau bức màn thời gian. Đó là cách hiểu cơ học, một chiều. Lịch sử không chỉ là quá khứ mà còn là người thầy của hiện tại và tương lai. Mỗi người chúng ta nhìn thấu quá khứ để biết, để hiểu, đúc rút bài học, kinh nghiệm từ đó định phương hướng, mục tiêu cho bước đường phía trước. Ở chiều ngược lại, khi chúng ta xa rời lịch sử là xa rời nguồn cội, gốc rễ. Cây không chắc rễ thì sớm lung lay, yếu sức đề kháng, một cơn gió hẩy cũng đủ khiến cây bật gốc, gãy đổ. “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ, và cũng không có tương lai”, câu nói của Robert A Heinlein là hồi chuông tỉnh thức.

Thực tiễn đã chứng minh: Dân tộc ta đi qua “đêm trường tăm tối”, bật tung xiềng xích nô lệ, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 luôn có dòng sức mạnh, niềm tin, động lực lớn lao và bài học quý giá từ tiền nhân, từ trong khói lửa trận mạc thời kỳ dựng nước và giữ nước. Thắng lợi vĩ đại ấy, “bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử loài người” ấy đã để lại những bài học đáng suy ngẫm, vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn, nóng hổi tinh thần thời đại. Bài học quý giá về chớp thời cơ, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; bài học về giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong tiến trình cách mạng và bài học về đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của quần chúng Nhân dân để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng và phát triển.

Tiến trình lịch sử dân tộc vẫn tiếp tục với những mốc son chói lọi. Phía sau tất cả thành công ấy luôn có “bệ đỡ” lịch sử vững vàng nâng bước toàn dân tộc, trong đó có xứ Thanh hào hùng và hào hoa. Xứ Thanh là vùng đất cổ, được ví như “Việt Nam thu nhỏ”; là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn đồng hành với sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. “Vùng đất căn bản”, quê hương của nhiều anh hùng dân tộc và các triều đại phong kiến Việt Nam, cùng nhiều văn thần, võ tướng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc,... đã tạo nên truyền thống văn hóa, con người Thanh Hóa với nhiều giá trị tốt đẹp: “Thanh Hoa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Nam Sơn, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn quan trọng. Đời Lê, lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi, nên nảy ra những bậc phi thường. Vượng khí chung đúc, nên xứng đáng đứng đầu cả nước” (“Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú).

Để nguồn lực văn hóa, con người nâng bước khát vọng xứ Thanh

Lịch sử - văn hóa - con người, ấy là động lực to lớn, nguồn “sức mạnh nội sinh” quý giá mà xứ Thanh vinh dự và tự hào có được. Bởi vậy, bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường... thì nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế luôn được đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quan tâm, chú trọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, thời đại 4.0, công nghệ - thông tin như vũ bão, hội nhập quốc tế sâu rộng vừa mở ra cơ hội đồng thời cũng đặt ra vô vàn khó khăn, thử thách. Dấu ấn đậm sâu nhất là sự ra đời của Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 4/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 17-NQ/TU nêu rõ quan điểm: Văn hóa, con người Thanh Hóa là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Phát triển văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị - xã hội; đầu tư cho văn hóa, con người là đầu tư để phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trên cơ sở gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương; đồng thời, chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, bảo đảm phù hợp, làm phong phú thêm giá trị văn hóa của quê hương.

Mục tiêu chung của Nghị quyết số 17-NQ/TU hướng đến là xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Thanh Hóa, hướng đến các giá trị chân - thiện - mĩ, trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị. Xây dựng nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm sắc thái xứ Thanh. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa, con người phát triển toàn diện, là nền tảng vật chất và tinh thần vững chắc, thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045, là tỉnh phát triển toàn diện và “kiểu mẫu” của cả nước.

Các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 17-NQ/TU cho thấy sự thấm nhuần, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người vào thực tiễn: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và tư tưởng xã hội chủ nghĩa"; sự kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, sự ra đời của Nghị quyết số 17-NQ/TU cũng là cách xứ Thanh bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và quyết tâm thực hiện những trăn trở của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”...

Những cuồn cuộn lịch sử khiến xứ Thanh trở thành “vùng đất giàu kỷ niệm”, “xứ sở của những bản anh hùng ca”, miền đất “níu giữ và quyến rũ như một vùng có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại”. Và cùng từ chính những chói ngời lịch sử ấy, chúng ta nhìn thấy mạch nguồn văn hóa thẳm sâu và đóng góp to lớn của lớp lớp thế hệ người xứ Thanh: “Nếu Lê Lợi không khởi binh đuổi giặc/ Tên nước Nam đã biến khỏi địa cầu/ Nếu Thanh Hóa không Nguyễn Hoàng mở đất/ Tổ quốc mình sao tới được Cà Mau” (“Thanh Hóa”, Trần Mạnh Hảo). Trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới, xứ Thanh không ngừng phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người, khơi dậy khát vọng phát triển, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về “chất” sau khi đã dự trữ đủ “lượng”: “Sông linh hiển đất ngựa lồng, trâu húc/ Tổ quốc còn Thanh Hóa sợ gì đâu” (“Thanh Hóa”, Trần Mạnh Hảo).

Nghị quyết số 17-NQ/TU là kết tinh của ý chí, nỗ lực, quyết tâm, quan tâm sâu sắc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, văn hóa và con người Thanh Hóa nói riêng; thành quả của quá trình ấp ủ, chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều thế hệ lãnh đạo, kế thừa qua các thời kỳ. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng quê hương Thanh Hóa, Đảng bộ tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa, con người thông qua việc ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, kế hoạch, chương trình... Song, đến Nghị quyết số 17-NQ/TU, vấn đề được nâng tầm, bao quát toàn diện hơn, thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người xứ Thanh với nhiều nội dung đổi mới, bám sát thực tiễn yêu cầu phát triển của tỉnh, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

Thùy Dương - Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]