(Baothanhhoa.vn) - Hình thành bởi quá trình bồi tụ của sông Mã, người dân làng Yên Định, xã Định Tân (Yên Định) tin rằng ngôi làng mình sinh sống đã có lịch sử hình thành cách đây cả nghìn năm. Là một làng Việt cổ lâu đời, làng Yên Định khi xưa có đầy đủ các công trình văn hóa tâm linh cổ kính và cả những truyền thống tốt đẹp, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ.

Làng cổ Yên Định

Hình thành bởi quá trình bồi tụ của sông Mã, người dân làng Yên Định, xã Định Tân (Yên Định) tin rằng ngôi làng mình sinh sống đã có lịch sử hình thành cách đây cả nghìn năm. Là một làng Việt cổ lâu đời, làng Yên Định khi xưa có đầy đủ các công trình văn hóa tâm linh cổ kính và cả những truyền thống tốt đẹp, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ.

Làng cổ Yên ĐịnhĐình làng Yên Định được tôn tạo trên nền móng cũ từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Khánh Lộc

Lần đầu ghé thăm làng cổ Yên Định, ấn tượng ban đầu là sự thanh bình yên ả nhưng không kém phần trù phú của làng quê truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình; những cụ già ngồi bên bóng mát ao làng, xung quanh là những đứa trẻ đang nô đùa thỏa thích. Không gian làng quê khiến ta liên tưởng, nơi đây quả thực là miền quê đáng sống. Cũng phải, bởi thôn Yên Định (làng Yên Định) là một trong những thôn kiểu mẫu đầu tiên của huyện Yên Định.

Làng Yên Định có núi thấp Quy Sơn, phía ngoài là núi Hạc Lĩnh, sau lưng là sông Mã chảy từ ngàn đời. Người dân địa phương vẫn luôn tự hào nơi đây là vùng “đất thiêng sinh người hiền”. Chẳng phải vậy mà ở ngôi làng cổ, hàng trăm năm qua vẫn lưu truyền câu đối: “Nhất thốn cẩm giang sơn dư đồ Yên Định/ Bát hoang xuân lộ dữ, cảnh sắc Thanh Hoa” - được hiểu là một bức dư đồ non sông gấm vóc trời Yên Định, tám miền xuân cảnh như thanh sắc đất Thanh Hoa.

Làng Yên Định còn được biết đến với tên gọi cổ làng Rành (Kẻ Rành). So với các làng trong tổng khi xưa, Yên Định là một làng có quy mô lớn với 6 giáp: Đông, Đồng, Thổ, Mễ, Yên, Trung. Và nhiều ngõ cổ được đặt tên, như: ngõ Giàu, ngõ Yên, ngõ Giữa, ngõ Đông... Từ thời Vua Minh Mạng, ngôi làng cổ đã có hơn 200 hộ sinh sống và có tới hơn 1.500 nhân khẩu. Đã có những thời điểm, vùng đất cổ có đến 72 dòng họ cùng nhau quần cư. Một số dòng họ lớn đến Yên Định gây dựng sự nghiệp từ rất sớm, như: Trịnh, Phạm, Nguyễn, Lê, Hoàng...

Mang nét đẹp của làng quê truyền thống, ở làng Yên Định, đình làng không chỉ là nơi hội họp, quyết định các quy ước, hương ước của làng. Đây còn là chốn thiêng gắn với việc thờ Thành hoàng làng - vị thiên thần có tên húy “Thiên hỏa Lôi công”, được dân làng suy tôn Đức thánh cả. Theo truyền thuyết lưu truyền tại địa phương, từ rất xa xưa, vào một đêm trăng sáng bỗng nhiên mây mù kéo đến, sấm chớp nổi lên khiến cả vùng náo loạn. Giữa lúc ấy, người dân bỗng nhìn thấy một đốm lửa từ trên trời dần sà xuống, càng gần mặt đất hình thù càng kì dị. Đến khi vừa chạm đất, bỗng có tiếng nổ vang trời, đốm lửa tách làm đôi như hình bóng con người, một nửa bay về đầu làng Yên Định, nửa kia về đất Đồng Phang (xã Định Hòa). Khi trời đất phong quang trở lại, người dân tìm ra vị trí có tiếng nổ thì chỉ còn nhìn thấy một lỗ thủng lớn. Cho rằng đó là “điềm lành” do trời sai “thần” giáng xuống, Nhân dân làng Yên Định đã tôn phong thần là Oanh liệt Thiên hỏa Lôi công, về sau suy tôn làm Thành hoàng bảo trợ cho làng, thờ ở đình làng Yên Định. Căn cứ theo đôi câu đối cổ còn lưu giữ tại đình làng (Thiên giáng anh linh hiển hách Lý Trần nhi hậu/ Địa chung tụ khí thanh cao mã hạc chi gian), người dân địa phương tin rằng đền (đình) thờ thần Thiên hỏa Lôi công được khởi dựng từ thời Lý. Về sau, đình làng Yên Định được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với những cột gỗ lớn vòng tay người ôm không hết và hoa văn trang trí long, ly, quy, phượng vô cùng quy mô, bề thế.

Cùng với đình làng, ở làng Yên Định trước đây còn có hai ngôi chùa cổ Diên Phúc và Cao Sơn tọa lạc trên sườn núi. Bên cạnh đó còn có khu Văn chỉ, Võ chỉ... Đáng tiếc, do thời gian và biến động lịch sử khiến cho các công trình kiến trúc văn hóa tâm linh ở làng Yên Định phần nhiều đã bị tàn phá. Đầu những năm 2000, với mong muốn khôi phục lại không gian văn hóa truyền thống, Nhân dân làng Yên Định cùng con em xa quê đã cùng nhau đóng góp kinh phí tôn tạo lại ngôi đình làng trên nền móng cũ. Năm 2003, đình và bia ký làng Yên Định được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Tại đình làng Yên Định hiện còn lưu giữ văn bia khắc ghi tên tuổi những người trong làng đỗ đạt qua các thời kỳ. Theo đó, văn bia “Yên Định xã tiên hiền bi ký” dựng dưới triều Vua Tự Đức năm 1859 đã bày tỏ sự coi trọng đặc biệt với những người đỗ đạt, làm rạng danh vùng đất: “Năm nay vào mùa xuân văn hội, có đông đảo các bậc cao tuổi cùng bàn bạc rằng những vị tiên sinh trong làng ta, sự nghiệp làm quan trước sau nổi tiếng. Trăm đời sau vẫn được xét ghi tên tuổi các bậc hiền tài, đủ để đời sau con cháu được hứng khởi, khó có thể quên...”. Ông Lê Văn Bình, trưởng làng văn hóa Yên Định cho rằng: “Di tích đình, bia ký làng Yên Định là nơi phối thờ nhiều vị thần, trong đó Thiên hỏa Lôi công là vị thần chủ, ngoài ra còn có các vị tiên hiền - đỗ đạt của làng khi xưa cũng được phối thờ tại đây. Tiếp nối truyền thống học hành, khoa cử của tiền nhân, tại làng Yên Định nhiều đời nay, việc học hành vẫn luôn được coi trọng, đề cao”.

Minh chứng cho việc coi trọng sự học ở làng Yên Định chính là hiệu quả của các quỹ khuyến học. Theo trưởng làng Lê Văn Bình, ngoài quỹ khuyến học của làng (hơn 340 triệu đồng) thì còn có quỹ khuyến học của các dòng họ, tiêu biểu như dòng họ Trịnh có quỹ khuyến học lên tới hơn 300 triệu đồng. Hàng năm, vào ngày mùng 3 Tết Nguyên đán, làng và các dòng họ lại cùng nhau tổ chức trao thưởng cho các cháu học sinh, sinh viên đạt thành tích tốt trong học tập. Đồng thời, đối với các hoàn cảnh gặp khó khăn, cũng được hỗ trợ, động viên kịp thời.

Với người dân làng Yên Định dù đi xa hay làm việc tại quê hương, họ vẫn luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tấm lòng thơm thảo hướng về quê hương - nguồn cội. Điều này được minh chứng qua việc xã hội hóa xây dựng cổng làng, tôn tạo các công trình văn hóa tâm linh với kinh phí nhiều tỷ đồng. Hàng năm, từ ngày 10 đến 13-3 (âm lịch), Nhân dân làng Yên Định và con cháu xa quê lại cùng nhau trở về đình làng tham gia lễ hội truyền thống. Trong không khí rộn ràng, náo nhiệt và thiêng liêng của lễ hội, tình làng, nghĩa xóm, sự gắn bó, cố kết cộng đồng càng thêm khăng khít. “Nhân dân làng cổ Yên Định chúng tôi tự hào bởi sự khang trang, phát triển, đổi mới của làng quê trong quá trình xây dựng nông thôn mới, song không vì thế mà đánh mất đi những truyền thống tốt đẹp đang được trao truyền qua nhiều đời nay” - ông Lê Văn Bình, trưởng làng văn hóa Yên Định tự hào chia sẻ.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]