(Baothanhhoa.vn) - 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận kết quả hoạt động và thu ngân sách khởi sắc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm động lực cho các mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục “trải thảm đỏ” đón những dòng vốn chất lượng cao này, Thanh Hóa đang có những chỉ đạo, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Kỳ vọng thu hút dòng vốn “ngoại”

6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận kết quả hoạt động và thu ngân sách khởi sắc của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm động lực cho các mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục “trải thảm đỏ” đón những dòng vốn chất lượng cao này, Thanh Hóa đang có những chỉ đạo, hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn.

Kỳ vọng thu hút dòng vốn “ngoại”(Phối cảnh) Cụm Công nghiệp phía Đông Bắc TP Thanh Hóa đang kỳ vọng đón thêm các nhà đầu tư thứ cấp từ nước ngoài.

Đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Dự án bao gồm 1 nhà máy điện LNG công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1km. Ngoài ra, dự án còn đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG, như: kho chứa LNG, trạm tái hóa khí trên bờ sức chứa khoảng 230.000m3; trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm... Với quy mô dự án dự kiến rộng khoảng 68,2ha, tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỷ USD, đây sẽ là dự án có nguồn vốn FDI lớn thứ 3 tại Thanh Hóa.

Được biết, dự án đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư “tầm cỡ” thế giới như: Liên danh Tập đoàn JERA (Nhật Bản) và đối tác SOVICO Holdings, Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C)... Trong đó, năng lực của JERA là chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện lớn nhất Nhật Bản (tổng công suất khoảng 70GW) và là nhà vận hành kho cảng LNG với công suất phát điện tương đương một nửa sản lượng nhiệt điện của Nhật Bản; đồng thời là đơn vị sử dụng LNG lớn nhất thế giới với hơn 60 năm kinh nghiệm trong chuỗi giá trị LNG.

Ngoài ra, Dự án Khu Công nghiệp (KCN) phía Tây TP Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo cũng đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục và dự kiến cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024. Được biết, Tập đoàn Sumitomo Corporation đã thể hiện tâm huyết và sự quan tâm sâu sắc đến việc phát triển và vận hành KCN phía Tây TP Thanh Hóa, với diện tích phát triển dự kiến là 650ha và trung tâm tiếp vận, đô thị xung quanh KCN với diện tích phát triển dự kiến khoảng 168,5ha. Dự án dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2025, với tổng số vốn khoảng 9.500 tỷ đồng (hơn 400 triệu USD).

Với tổng diện tích 1.200ha, khu công nghệ - đô thị - dịch vụ này sẽ được bố trí phát triển các ngành công nghiệp tập trung theo hướng công nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và dịch vụ đô thị với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Do đó nếu khu công nghệ này được Tập đoàn Sumitomo đầu tư thành công, sẽ có nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản hợp tác thành công với tỉnh Thanh Hóa.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Phú Quý (KCN WHA Smart Technology) có tổng diện tích là 540ha do Tập đoàn WHA - nhà phát triển hàng đầu trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp tại Thái Lan nghiên cứu.

Theo đánh giá của Ban Quản lý KKTNS và các KCN, dự án KCN Phú Quý được kỳ vọng phát huy lợi thế về vị trí giao thông quan trọng, là cửa ngõ trung tâm huyện Hoằng Hóa tiếp giáp với TP Thanh Hóa và các huyện phụ cận, là giao điểm tuyến giao thông của các vùng kinh tế, cảng biển, cảng hàng không. Đây được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển công nghiệp, đặc biệt các loại hình công nghiệp nhẹ, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao và sẽ tập trung ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nước ngoài với các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Cùng với năng lực tài chính, kinh nghiệm thì với hệ sinh thái có sẵn là các nhà đầu tư thứ cấp của Tập đoàn WHA, kỳ vọng sẽ sớm hiện diện một KCN mới hiện đại, tạo ra những giá trị gia tăng cao đóng góp vào cơ cấu và giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh.

Trong năm 2024, tỉnh kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD; trong đó có một số dự án quy mô lớn, như: Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn (vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD), Dự án KCN phía Tây TP Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo (400 triệu USD); Dự án Trung tâm Thương mại Aeon mall (170 triệu USD), 2 Dự án KCN của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)...

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút 12 dự án FDI, tăng 78,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư đăng ký 177,5 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ; trong đó có 10 dự án FDI trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 2 dự án trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư; tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Với những nỗ lực này, Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được 20 dự án có nguồn vốn FDI, trong đó có những dự án lớn, sớm lấy lại sức hấp dẫn thu hút nguồn vốn FDI của tỉnh ở khu vực miền Trung.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]