(Baothanhhoa.vn) - “Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu/ Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”. Đó là những vần thơ thể hiện rõ khí phách và tâm hồn lạc quan của người cộng sản kiên trung, bất khuất Hoàng Văn Thụ. Để rồi, cuộc đời cách mạng và sự hy sinh anh dũng của đồng chí mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909-2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất

“Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu/ Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”. Đó là những vần thơ thể hiện rõ khí phách và tâm hồn lạc quan của người cộng sản kiên trung, bất khuất Hoàng Văn Thụ. Để rồi, cuộc đời cách mạng và sự hy sinh anh dũng của đồng chí mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam noi theo.

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909-2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuấtToàn cảnh Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: tư liệu

Sinh năm 1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), cậu thiếu niên Hoàng Văn Thụ đã được chứng kiến những biến động mới của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Trong đó, cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926), là những sự kiện đã góp phần thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong Trường Tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền yêu nước của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Tháng Giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu - Nam Ninh, Trung Quốc. Với bí danh là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), đồng chí được chi bộ đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.

Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên. Đồng thời, củng cố được nhiều cơ sở đảng ở Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh và Hải Dương... Sự phát triển vững chắc của các cơ sở đảng ở các tỉnh đã đóng vai trò nòng cốt cho việc mở rộng phát triển phong trào cách mạng trên một địa bàn rộng lớn. Hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên nhiều địa bàn, nhiều công việc khác nhau đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu rộng.

Ngày 8/9/1939, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đến tháng 11/1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa I). Cuối tháng 12/1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Ban Thường vụ Trung ương Đảng giao nhiệm vụ quan trọng đi Tĩnh Tây (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bàn việc tổ chức thống nhất lực lượng cách mạng trong và ngoài nước. Đồng thời, xin chỉ thị của Người về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Sau khi nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí đã liên lạc với Tỉnh ủy Cao Bằng, chuẩn bị địa điểm tổ chức hội nghị.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (họp tại Pắc Bó, Cao Bằng từ ngày 10 đến 19/5/1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Văn Thụ dự hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ họp tại làng Đông Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ) và có nhiều ý kiến chỉ đạo công tác củng cố, phát triển Đảng, đẩy mạnh phát triển phong trào quần chúng cách mạng. Từ cuối năm 1941, đồng chí tập trung chỉ đạo phát triển các cơ sở quần chúng cách mạng trong công nhân, công chức, binh sĩ, cảm hóa, lôi cuốn được nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau ủng hộ cách mạng, góp phần xây dựng nhiều cơ sở quần chúng ở những địa bàn quan trọng, như Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Vĩnh Yên, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.

Với tư chất của một cán bộ lãnh đạo năng động, sáng tạo, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã có những đóng góp quan trọng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Đồng chí đã có công lớn trong việc đề xuất sáng lập báo “Giải phóng”, tham gia chỉ đạo hoạt động tuyên truyền của báo “Cờ giải phóng” và “Tạp chí Cộng sản”. Những bài viết, dịch của đồng chí về lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào cộng sản, công nhân quốc tế đã góp phần phổ biến, giác ngộ tinh thần cách mạng vô sản cho đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Phương pháp, nguyên tắc hoạt động bí mật đầy hiệu quả do đồng chí xây dựng, đã giúp cho Đảng ta có được nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích trong quá trình vận động, tổ chức phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.

Ngoài ra, những hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ trên cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng đã góp phần thức tỉnh và lôi cuốn được nhiều binh lính, sĩ quan yêu nước người Việt Nam trong quân đội Pháp ở thuộc địa, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Biết là cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí Hoàng Văn Thụ khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Chúng đã dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, dã man, từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn cực hình. Song vẫn không khuất phục được ý chí, tinh thần cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Trong cơn đau thể xác do kẻ thù tra tấn, đồng chí vẫn kiên cường bảo vệ Đảng, bảo vệ đồng chí, động viên mọi người nhớ đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân.

Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Tòa án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước. Rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”!.

Cuộc đời đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành trọn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí đã nêu một tấm gương ngời sáng về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, tuyệt đối trung thành và luôn tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí là dịp để giáo dục các thế hệ hôm nay về truyền thống yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối. Từ đó, khơi dậy ý chí quyết tâm và tinh thần cộng đồng trách nhiệm, để cùng chung sức dựng xây đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]