(Baothanhhoa.vn) - Để ngăn chặn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vào địa bàn, nhất là trong thời điểm giao mùa, huyện Yên Định đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Yên Định chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Để ngăn chặn nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vào địa bàn, nhất là trong thời điểm giao mùa, huyện Yên Định đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Yên Định chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầmTrang trại chăn nuôi gà của anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa.

Ngay từ đầu năm, trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh trên đàn GSGC, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của các loại dịch bệnh, nguy cơ tái phát, lây lan diện rộng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tập trung hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn. Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, như vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất... nhất là các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Trong thời điểm giao mùa, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn GSGC, các hộ chăn nuôi cần quan tâm chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng vật nuôi, khơi thông cống rãnh, vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi, che chắn chuồng trại đảm bảo cho vật nuôi không bị nhiễm lạnh đột ngột. Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm những con vật có biểu hiện bất thường để cách ly, điều trị kịp thời.

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Định luôn chú trọng chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi nhằm hạn chế tối đa thiệt hại trong chăn nuôi. Anh Lê Văn Nhất, chủ trang trại chăn nuôi gà nằm trong khu trang trại chăn nuôi tập trung xã Định Hòa, cho biết: Gia đình anh đang chuẩn bị cho đợt nuôi mới để xuất bán ra thị trường vào dịp cuối năm, vì vậy, phòng, chống dịch bệnh là một trong những công việc quan trọng và cần thiết. Đối với hệ thống chuồng trại, gia đình thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xới lớp độn chuồng và xử lý chất thải theo đúng quy định. Khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch toàn bộ nền, vách tường, chuồng nuôi... nhằm hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng hóa chất và vôi bột để vệ sinh chuồng trại trước khi đưa con giống vào nuôi, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Đối với con giống, kiểm tra giấy tờ kiểm định chất lượng để đảm bảo con giống khỏe, tiêm vắc-xin theo quy định và nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định cho biết: Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC cơ bản được kiểm soát, không phát sinh dịch nên người dân yên tâm tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện đã tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi, các trang trại, hộ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch và tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch của cán bộ thú y các xã, thị trấn trên địa bàn được thực hiện kịp thời, nghiêm túc. Để công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2022 cho đàn GSGC thực hiện đúng kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát số lượng vật nuôi tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn; tuyên truyền để người dân biết về lợi ích của việc tiêm phòng; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, thực hiện giám sát dịch bệnh trước, trong và sau tiêm phòng, phát hiện kịp thời các trường hợp GSGC nghi mắc bệnh nguy hiểm, nhất là với những xã có quy mô chăn nuôi lớn. Để góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, huyện chú trọng phát triển trang trại tập trung, quy mô lớn, định hướng đối tượng nuôi cụ thể, phù hợp; khuyến khích người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, như làm bể sục khí, xây dựng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học... góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]