(Baothanhhoa.vn) - Từ lâu, cây vầu đã chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với các loại cây trồng khác, vươn lên trở thành loại cây chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con miền biên viễn Quan Sơn. Câu hỏi “trồng cây gì? nuôi con gì?”, đến thời điểm này, Quan Sơn đã có câu trả lời thuyết phục. Tuy nhiên: “Trồng như thế nào? Phát triển bền vững ra sao?” lại không phải dễ.

“Vàng xanh” trên miền biên viễn Quan Sơn

Từ lâu, cây vầu đã chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với các loại cây trồng khác, vươn lên trở thành loại cây chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con miền biên viễn Quan Sơn. Câu hỏi “trồng cây gì? nuôi con gì?”, đến thời điểm này, Quan Sơn đã có câu trả lời thuyết phục. Tuy nhiên: “Trồng như thế nào? Phát triển bền vững ra sao?” lại không phải dễ.

“Vàng xanh” trên miền biên viễn Quan SơnMô hình phục tráng rừng vầu tại bản Ngàm, xã Sơn Điện, Quan Sơn. Ảnh: hương thảo

Nếu đi theo Quốc lộ 217, đoạn từ cầu Phà Lò lên đến Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, Quan Sơn, chúng ta sẽ thấy hình ảnh người dân địa phương chăm chỉ lao động, sản xuất bên những cây vầu tươi xanh, mới được khai thác ra khỏi rừng. Được biết, hiện nay, toàn huyện Quan Sơn có 40.895,3 ha rừng nứa, vầu, tập trung nhiều nhất tại các xã thuộc khu vực biên giới như: Na Mèo, Tam Lư, Tam Thanh, Mường Mìn... với hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản. 6 tháng đầu năm, toàn huyện khai thác 222,081m3 gỗ rừng trồng các loại; 2.869 tấn nan thanh nứa, vầu; 599,9 tấn tăm mành; 71,4 tấn đũa sơ chế; 45 tấn các loại lâm sản ngoài gỗ khác. Thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, đến nay, huyện Quan Sơn có 3.045 ha vầu, luồng được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC thuộc hai xã: Tam Lư, Tam Thanh. Với những lợi thế, tiềm năng vốn có, từ lâu, cây vầu đã chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện, vươn lên trở thành loại cây chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Ví như gia đình ông Vi Văn Piên (bản Hậu, xã Tam Lư) vẫn luôn trăn trở, tìm tòi cây trồng, hướng đi phù hợp trên diện tích đất trống, đồi trọc của gia đình. Ông Piên nhận thấy: “Cây vầu gắn bó bao đời nay với đồng bào. Nhiều nơi, cây vầu được khai thác, sản xuất tốt có thể cho hiệu quả kinh tế cao. Tại sao địa phương mình cũng có tiềm năng, thế mạnh về cây vầu như thế mà lại không phát huy được?”.

Nghĩ là làm, năm 2013, ông Piên mạnh dạn đi thu gom giống trong vùng, sang cả nước bạn Lào lấy giống vầu mang về trồng. Khi mới trồng vầu, ông chưa có nhiều kiến thức nên gặp khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của huyện, sau nhiều nỗ lực, cố gắng, ông Piên gặt hái được thành quả nhất định.

Đến nay, tổng diện tích trồng vầu của gia đình ông Piên là 5 ha, trong đó có hơn 3 ha vầu mới trồng, sinh trưởng, phát triển tốt và gần 2 ha vầu đang cho khai thác. Đối với diện tích vầu mới trồng, gia đình ông Piên chú trọng chăm sóc, bảo vệ, thường xuyên phát dọn thực bì, bón phân, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy rừng... Đối với diện tích vầu đã cho khai thác, gia đình ông Piên thu được từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, với số lượng hơn 10 nghìn gốc vầu ươm, ông Piên thu được khoảng từ 140 - 150 triệu đồng/năm từ việc bán giống vầu cho bà con trong vùng.

Trước đây, vầu, nứa chỉ là loài cây mọc tự nhiên trong rừng, chưa có giá trị kinh tế và người dân Quan Sơn cũng không nghĩ rằng, một ngày nào đó, loài cây này lại trở thành cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Khoảng năm 1995, một số doanh nghiệp ở vùng Hà Tây cũ vào thu mua cây vầu với mục đích phục vụ nhu cầu đan lát, làm thẻ chân hương... Họ thu mua với số lượng lớn, có thời điểm lên tới hàng nghìn tấn. Bà con nhận thấy giá trị kinh tế của cây vầu nên bắt đầu chú trọng chăm sóc, trồng mới.

Sau này, nhiều cơ sở sản xuất tăm, mành, đũa từ nguồn nguyên liệu nứa, vầu đến đặt vấn đề với huyện xây dựng các cơ sở chế biến trên địa bàn, nhất là ở một số xã biên giới. Thị trường tiêu thụ của cây vầu, nứa ngày càng mở rộng, giá bán ngày càng tăng giúp giải quyết việc làm, tăng cho thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trong vùng. Chính từ giá trị, hiệu quả kinh tế thiết thực, người dân càng nêu cao ý thức chăm sóc, bảo vệ, phục tráng cây vầu, nứa. Ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, cho biết: “Không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con, đóng góp quan trọng vào ngân sách, với giá trị, lợi ích mang lại, cây vầu được xem là cây trồng chủ lực, mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới của địa phương. Quan trọng hơn, việc phát triển rừng vầu giúp giảm nguy cơ lũ ống, lũ quét”.

Nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị, phát triển sản xuất cây vầu theo hướng bền vững, năm 2017, huyện Quan Sơn chủ trương xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững của Hội đồng quản trị rừng thế giới - FSC trên địa bàn xã Sơn Điện. Ngay sau khi tiếp nhận chủ trương, căn cứ vào điều kiện, tình hình của địa phương, ban chỉ đạo phát triển rừng bền vững xã Sơn Điện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, khảo sát thực trạng rừng. Sau đó, ban chỉ đạo thành lập các tổ, nhóm tại các thôn, bản. Đại diện các tổ, nhóm này được đi dự các lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật chăm sóc, sản xuất được tổ chức tại huyện, xã, bản. Sau đó, những người này có trách nhiệm truyền đạt, phổ biến lại cho bà con trong tổ, nhóm của mình. Mỗi tổ, nhóm sẽ xây dựng mô hình và thực hiện các công đoạn chăm sóc, bảo vệ, khai thác, tiêu thụ, sản xuất tại thôn, bản.

Từ năm 2019, xã Sơn Điện đã triển khai thí điểm mô hình tại bản Ngàm, gồm: 1 vườn ươm giống vầu và mô hình phục tráng vầu với diện tích là 5 ha, 75 hộ gia đình (100% tổng số hộ) của bản đăng ký tham gia, phân thành 5 tổ, nhóm, mỗi tổ, nhóm có khoảng 15 hộ gia đình. Các tổ, nhóm tổ chức phát dọn thực bì, ươm, xới gốc, bón phân, trồng sa nhân và giổi dưới tán vầu của mô hình phục tráng. “Trong suốt quá trình triển khai, thực hiện, cán bộ xã, huyện và trung tâm hướng dẫn, giám sát thực hiện nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về kích thước, trữ lượng. Mô hình phát triển tốt, hứa hẹn nhiều kết quả khả quan. Hiện nay, các hộ đã hoàn thành việc đăng ký cấp chứng chỉ rừng FSC. Dự kiến, tháng 12-2021, các đoàn chuyên gia sẽ tiến hành thẩm định” - anh Lò Văn Tứ, phó trưởng bản Ngàm, xã Sơn Điện cho biết.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng để duy trì và mở rộng quản lý rừng bền vững có chứng chỉ trong những năm tiếp theo là công việc đầy khó khăn, thử thách. Bởi lẽ, hiện nay, hoạt động sản xuất, chế biến, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ vầu của người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn phần lớn quy mô nhỏ, lẻ, chủ yếu là sản xuất, chế biến thô. Đường giao thông, vận chuyển vầu ra bãi tập kết khó khăn, nhiều nơi chưa có khiến cho giá bán vầu thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao, thường xuyên bị thương lái bao vùng, ép giá... Từ năm 2020, dịch COVID-19 tác động to lớn đến mọi mặt. Việc tiêu thụ vầu cũng bị ảnh hưởng. Giá bán của cây vầu bị giảm sâu. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, giá bán vầu ở mức 250 - 280 nghìn đồng/tạ. Tuy nhiên, hiện tại, giá bán vầu giảm xuống còn 130 - 170 nghìn đồng/tạ. Được biết, do việc xuất hàng sang thị trường nước ngoài gặp khó khăn, hiện nay, trên địa bàn xã Tam Lư có hơn một nửa số cơ sở, xưởng sản xuất, chế biến lâm sản phải tạm dừng hoạt động. Nhiều xưởng, cơ sở hoạt động cầm chừng, vẫn có thể tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhưng việc thanh toán, chi trả tiền bị chậm, chủ yếu theo hình thức tạm ứng. Ông Piên cho biết: “Trong bối cảnh này, bà con mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tìm hướng đi, mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định “đầu ra” cho cây vầu để bà con yên tâm sản xuất”.

Phát triển cây vầu trên mảnh đất Quan Sơn là hướng đi đúng đắn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân các dân tộc tại địa phương, đặc biệt là chuyển đổi tập quán sản xuất du canh, du cư, sống gắn bó với nghề rừng. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, lợi thế từ cây rừng của địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, chất lượng rừng, góp phần tạo hành lang xanh bảo vệ vùng biên giới, huyện Quan Sơn cần có sự quan tâm, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, nhất là trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, ổn định “đầu ra” cho cây vầu, hướng tới phát triển rừng bền vững.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]