(Baothanhhoa.vn) - Điệp khúc “được mùa, rớt giá” trong sản xuất nông nghiệp không còn xa lạ trong nhiều năm qua. Mặc dù các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp về kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, rồi những cuộc “giải cứu” cũng đã được thực hiện. Thế nhưng “kịch bản” này vẫn cứ tái diễn, mà chưa thể tìm ra được giải pháp căn cơ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự phát mở rộng diện tích cây trồng: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Điệp khúc “được mùa, rớt giá” trong sản xuất nông nghiệp không còn xa lạ trong nhiều năm qua. Mặc dù các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp về kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, rồi những cuộc “giải cứu” cũng đã được thực hiện. Thế nhưng “kịch bản” này vẫn cứ tái diễn, mà chưa thể tìm ra được giải pháp căn cơ.

Tự phát mở rộng diện tích cây trồng: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Nông dân xã Quang Trung (Ngọc Lặc) chăm sóc sắn nguyên liệu.

Nguyên nhân chính được xác định cho tình trạng được mùa, rớt giá là việc tự phát trồng và mở rộng diện tích cây trồng ngoài định hướng dẫn đến nguồn cung vượt quá cầu, sản phẩm dư thừa, khiến nông dân thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất. Minh chứng rõ nét nhất là niên vụ 2017-2018, nhiều hộ dân tại các huyện: Hà Trung, Thạch Thành, Yên Định, Ngọc Lặc, thị xã Bỉm Sơn... đã tự phát mở rộng diện tích trồng dứa gai khiến diện tích trồng dứa gai trên địa bàn tỉnh mở rộng lên tới 3.726 ha, tăng hơn 1.226 ha so với định hướng về diện tích của tỉnh. Hậu quả là giá dứa gai 2 năm trở lại đây liên tục giảm, khiến nhiều hộ trồng dứa bị thua lỗ. Để định hướng việc trồng dứa trên địa bàn tỉnh, từ năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định lại diện tích sản xuất dứa gai của địa phương để khuyến cáo sản xuất trên diện tích phù hợp, không tự ý mở rộng diện tích khi chưa có doanh nghiệp ký kết thu mua. Tuy nhiên, nhiều diện tích trồng dứa gai không nằm trong định hướng phát triển vẫn được duy trì.

Do chứng minh được hiệu quả kinh tế, nên cây ớt đang được người dân tại nhiều địa phương ưu tiên đưa vào sản xuất và tự phát mở rộng diện tích. Vì vậy, diện tích trồng ớt hiện có trên địa bàn tỉnh đã vượt so với định hướng của tỉnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng ớt toàn tỉnh hiện có 2.700 ha, vượt so với định hướng của tỉnh 700 ha. Do hiện nay, thị trường tiêu thụ ớt của tỉnh ta gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nên việc tự phát mở rộng diện tích cũng đồng nghĩa với việc thị trường đầu ra cho cây ớt thiếu sự ổn định, nguy cơ bị thương lái ép giá sẽ cao. Thấy được mối nguy đó nên những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng phát triển diện tích trồng ớt cho từng địa phương cụ thể. Song, diện tích trồng ớt trên địa bàn vẫn ngày càng tăng. Điều đáng nói hơn là hầu hết những diện tích tăng thêm không hề có liên kết đầu ra, điều đó đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ không được bảo đảm.

Sau cây dứa gai và cây ớt là cây sắn nguyên liệu. Theo đánh giá của Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, tình trạng người dân các huyện miền núi tự phát mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu ngày càng nhiều. Cây sắn vốn được trồng để phục vụ nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn (CBTBS) trên địa bàn tỉnh, gồm: Nhà máy CBTBS Phúc Thịnh; Nhà máy CBTBS Như Xuân và Nhà máy CBTBS Bá Thước. 3 nhà máy này có tổng sản lượng sắn thu mua đưa vào chế biến mỗi niên vụ đạt khoảng hơn 2.000 tấn, tương đương với sản lượng của khoảng 11.000 đến 12.000 ha trồng sắn. Căn cứ vào năng lực chế biến của các nhà máy, tỉnh ta định hướng phát triển ổn định diện tích trồng sắn của cả tỉnh ở mức 11.000 ha. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân đang tự ý phá bỏ diện tích trồng mía chuyển sang trồng sắn là phá vỡ cơ cấu cây trồng chung của cả tỉnh. Hiện diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đã mở rộng lên 16.000 ha, vượt định hướng 5.000 ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo, nếu các địa phương không có biện pháp quản lý thì nhiều diện tích trồng sắn sẽ không có nơi tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của nhiều hộ dân.

Qua thực trạng của việc tự phát mở rộng diện tích cây trồng nêu trên cho thấy: Rõ ràng, ngành nông nghiệp và các địa phương đều nắm rõ và lường trước được những hậu quả xảy ra của việc tự phát mở rộng diện tích cây trồng, cũng đã chỉ đạo, khuyến cáo người dân, song tình trạng này vẫn luôn tái diễn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các địa phương cho thấy, sở dĩ tình trạng nông dân tự phát mở rộng cây trồng chưa được khắc phục là do chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý. Bởi, khi Nhà nước giao đất cho hộ nông dân, doanh nghiệp thì họ có quyền chủ động lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi để sản xuất trên diện tích được giao. Quyền nằm trong tay chủ sử dụng đất, nên trong trường hợp hộ dân có lựa chọn trồng những loại cây trồng không phù hợp thì chính quyền địa phương chỉ có thể khuyến cáo, vận động không nên trồng chứ không có quyền ngăn cản. Chính vì vậy, việc quản lý cây trồng theo đúng định hướng là rất khó thực hiện. Đơn cử như trường hợp trồng cây chùm ngây của một số hộ dân tại xã Cẩm Phong (Cẩm Thủy). Khi người dân tin lời đường mật của thương lái, quyết định đầu tư đưa vào trồng 10 ha cây chùm ngây, xã Cẩm Phong đã khuyến cáo cho người dân biết đây là loại cây trồng không có trong cơ cấu, lại chưa được trồng thử nghiệm đánh giá về sự phù hợp, người dân không nên ồ ạt chuyển sang trồng. Song phớt lờ khuyến cáo của chính quyền địa phương, một số hộ dân vẫn cố tình trồng, hậu quả là sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch không có đơn vị thu mua, người dân phải nhổ bỏ hàng loạt.

Trong định hướng phát triển nông nghiệp, hầu hết các địa phương đều có phân vùng sản xuất cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn là manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, việc sản xuất còn mang nặng tính phong trào, rất ít địa phương tạo được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh thật sự. Vì vậy, việc chỉ đạo người dân trồng cây theo đúng định hướng gần như rất khó thực hiện. Bà Lê Thị Nhi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ngọc Lặc, cho rằng: Cái khó thay đổi và là rào cản lớn nhất trong công tác quản lý việc tự phát mở rộng cây trồng hiện nay đó là tư duy và thói quen mạnh ai nấy làm, không tuân thủ theo định hướng sản xuất của người dân, trong khi chính quyền địa phương lại thiếu sự quyết liệt trong công tác quản lý, vậy nên cái điệp khúc “trồng chặt, chặt trồng” vẫn luôn tiếp diễn mà chưa tìm ra lời giải.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, trình độ sản xuất, tập quán canh tác của nông dân tại một số địa phương còn hạn chế, vẫn tự phát sản xuất theo ý thích, phong trào. Điều này vừa không tuân thủ theo định hướng của cơ quan chuyên môn, vừa hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, chi phí cao, nhiều loại nông sản sản xuất đại trà trong cùng một thời điểm ở nhiều địa phương khác nhau làm cho khối lượng cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các định hướng, kế hoạch phát triển sản xuất tại một số địa phương chưa thật sự hiệu quả, nhất là khâu đôn đốc, kiểm tra, giám sát cũng là yếu tố khiến tình trạng người dân tự phát “vượt rào quy hoạch” không được khắc phục.

Để từng bước khắc phục tình trạng người dân tự phát mở rộng diện tích cây trồng, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những rủi ro khi tự phát mở rộng diện tích cây trồng. Chính quyền các địa phương cũng cần nâng cao vai trò, sự quyết liệt trong việc quản lý cây trồng theo định hướng. Đồng thời, nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường để có những cảnh báo phù hợp cho bà con nông dân.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Chú trọng thực hiện định hướng sản xuất theo thị trường

Tự phát mở rộng diện tích cây trồng: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Thị trường là yếu tố quyết định đến hiệu quả cây trồng. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với cơ chế thị trường. Phải sản xuất những thứ thị trường cần, chứ không phải sản xuất những thứ chúng ta có. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương để thực hiện rà soát thực trạng cũng như định hướng sản xuất của các loại cây trồng, từ đó hướng dẫn nông dân hướng vào sản xuất những cây trồng có khả năng cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tất nhiên, trong quá trình sản xuất không thể kỳ vọng có một thị trường luôn ổn định theo hướng có lợi cho nông dân. Do vậy, người dân cần hợp tác với đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc điều chỉnh sản xuất thích ứng với thị trường, lựa chọn những cây trồng phù hợp, có tính cạnh tranh cao để đưa vào sản xuất.

Về phía chính quyền, để quản lý tốt vấn đề phát triển cây trồng của địa phương, trước hết phải nắm vững định hướng phát triển, từ đó có trách nhiệm thông tin bằng các hướng dẫn, chuyển giao cho nông dân, để họ tổ chức sản xuất, tạo điều kiện để nông dân liên kết với nhau thực hiện sản xuất đối với các sản phẩm đã được định hướng, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với địa phương và thị trường.

Nguyễn Viết Thái

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa

Đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo, cảnh báo người dân không tự phát mở rộng diện tích cây trồng

Tự phát mở rộng diện tích cây trồng: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Những năm gần đây, nhiều bài học đắt giá về việc tự phát mở rộng diện tích cây trồng đã xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để giúp người dân nhìn nhận được những hậu quả của việc sản xuất tự phát, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền về thực trạng và những hệ lụy khi thực hiện phát triển cây trồng không theo định hướng. Đồng thời, đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo của các chuyên gia, đơn vị quản lý về những thiệt hại có thể xảy ra nếu người dân không tuân thủ định hướng phát triển.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, thông qua các chương trình tuyên truyền, trung tâm đã góp phần giúp bà con nông dân nâng cao nhận thức. Nhiều người dân cho biết, thông qua những trường hợp cụ thể được nêu ra trong các chuyên mục tuyên truyền của trung tâm đã giúp bà con nông dân rút ra bài học kinh nghiệm không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt mà phá vỡ kế hoạch sản xuất chung của xã, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nhiều hộ dân.

Nguyễn Hữu Hùng

Phó trưởng Phòng Tuyên truyền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh

Đưa các loại cây có giá trị kinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường vào sản xuất

Tự phát mở rộng diện tích cây trồng: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) mỗi năm có khoảng 1.850 ha đất sản xuất nông nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích, những năm gần đây, xã Kiên Thọ đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, trên địa bàn xã đã thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng 1 lúa vụ không ăn chắc sang trồng một số loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn, trung bình mỗi năm toàn xã thực hiện chuyển đổi được khoảng 10 ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nhiều hộ dân nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, để bảo đảm diện tích cây trồng được chuyển đổi trên địa bàn xã có đầu ra ổn định, xã đã định hướng, khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với nhu cầu của thị trường vào sản xuất, như: Chanh leo, bí đỏ, các loại cây dược liệu... Quan trọng hơn, trong quá trình đưa các cây trồng mới vào sản xuất, xã đã kết hợp tuyên truyền và khuyến cáo người dân không được tự ý mở rộng diện tích nếu không tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Quách Văn Phong

Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc

Cần nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp

Tự phát mở rộng diện tích cây trồng: Nhiều khó khăn trong công tác quản lý

Việc đưa và nhân rộng các cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đã giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nên nhiều hộ dân đã sản xuất theo phong trào, tự phát mở rộng diện tích cây trồng mà không lường trước được hậu quả. Vì vậy, để khắc phục tình trạng tự phát mở rộng diện tích cây trồng, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được những rủi ro có thể xảy ra khi tự ý phát triển cây trồng không theo định hướng. Từ đó, nâng cao nhận thức trong quá trình sản xuất, hạn chế thiệt hại cho người dân. Đối với những trường hợp cố tình phớt lờ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cần cử cán bộ trực tiếp đến phân tích rõ những nguy cơ có thể xảy ra khi tự phát mở rộng diện tích bằng những minh chứng cụ thể, từ đó tạo sự đồng thuận giữa nhân dân và chính quyền địa phương trong quá trình chỉ đạo phát triển sản xuất.

Lê Thị Loan (xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]