(Baothanhhoa.vn) - Tỉnh ta có tiềm năng phát triển cây dược liệu, tuy nhiên do tình trạng khai thác tràn lan nên những năm gần đây, diện tích các cây dược liệu mọc tự nhiên đã dần bị thu hẹp, một số loại dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triển vọng từ những mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu

Triển vọng từ những mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu

Mô hình sản xuất dược liệu Sâm Báo tại xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc).

Tỉnh ta có tiềm năng phát triển cây dược liệu, tuy nhiên do tình trạng khai thác tràn lan nên những năm gần đây, diện tích các cây dược liệu mọc tự nhiên đã dần bị thu hẹp, một số loại dược liệu quý có nguy cơ bị tận diệt.

Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu được các địa phương, người dân quan tâm; trong đó, chú trọng đến việc liên kết sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Nhiều mô hình liên kết sản xuất cây dược liệu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần gìn giữ, quảng bá về nguồn giống dược liệu quý của địa phương.

Vốn là loại dược liệu quý mọc rải rác trên các núi đá thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc), từ xưa cây sâm mọc trên núi Báo (thường gọi là cây Sâm Báo) được đánh giá là có chất lượng tốt hơn cả. Trong cuốn “Thanh Hóa tỉnh Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo, có viết: “Nước Nam có nhiều Sâm, chỉ có Sâm đất Biện Thượng công hiệu hơn hẳn các nơi khác. Dùng nhân Sâm ở núi Báo nhiều hiệu nghiệm kỳ lạ”. Loài cây này từ thời phong kiến được xem là Đại Việt đệ nhất danh sâm, với nhiều công dụng, như: Trị ho, sốt nóng, phổi yếu, hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn và đau lưng, suy nhược cơ thể, sức khỏe gầy yếu, những bệnh nhân mới ốm dậy... Nhận thấy giá trị lớn của cây Sâm Báo, UBND huyện Vĩnh Lộc đã xây dựng phương án bảo tồn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của loại dược liệu này. Ngày 22-10-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 4125/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2019; trong đó, phê duyệt Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo theo GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc. Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, Công ty CP Dược Triệu Sơn đã phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu thổ nhưỡng, thực hiện tích tụ hơn 3 ha đất trồng lúa kém hiệu quả tại xã Vĩnh Hùng để phát triển cây Sâm Báo.

Ông Trần Trọng Kim, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hùng, cho biết: Dự án đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho 6 lao động, với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng và hình thành tư duy khai thác gắn với bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý trong nhân dân. Ngoài 3 ha liên kết sản xuất với Công ty CP Dược Triệu Sơn, trên địa bàn xã có hàng chục hộ gia đình thực hiện trồng, nhân rộng giống cây Sâm Báo trong diện tích vườn nhà, tổng diện tích gần 2 ha. Hiện nay, sau 8 tháng sản xuất, diện tích cây Sâm Báo phát triển tốt, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối năm 2019, sản lượng ước tính khoảng 300 kg/ha, doanh thu ước đạt 400-420 triệu đồng/ha.

Được biết, với tiềm năng, triển vọng kinh tế từ việc phát triển loại dược liệu này, UBND huyện Vĩnh Lộc đã định hướng nhân rộng mô hình liên kết sản xuất cây Sâm Báo để đưa loại cây trồng này trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để phát triển thương hiệu cây Sâm Báo gắn với quảng bá hình ảnh du lịch huyện Vĩnh Lộc nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm cho loại cây dược liệu quý.

Trên địa bàn tỉnh ta có hơn 20 loại dược liệu quý; trước đây, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các huyện miền núi, như: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân... Những năm gần đây, nhiều huyện đồng bằng có diện tích đất bãi, đất đồi núi thấp, như: Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn... cũng đã lựa chọn các loại cây dược liệu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay cho một số loại cây hiệu quả kinh tế thấp. Trong đó, việc liên kết sản xuất cây dược liệu đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho người nông dân. Điển hình như mô hình trồng cà gai leo, nghệ dược liệu... của Công ty TNHH Thương mại dược liệu Út Phương tại xã Thái Hòa (Triệu Sơn) doanh thu đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm, mô hình trồng cây nghệ vàng dưới tán cây cao su của Nông trường Thạch Quảng (Thạch Thành) liên kết với Công ty CP Nghệ Việt, doanh thu đạt 120-150 triệu đồng/ha; mô hình trồng đinh lăng, cà gai leo, nghệ gừng... quy mô 11.000 m2 tại xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa)... Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thuốc y học cổ truyền Bà Giằng... hiện đang tiến hành liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây húng quế, ích mẫu, hy thiêm, cà gai leo... tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Có thể nói, việc liên kết sản xuất cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, việc nhân rộng mô hình là biện pháp thiết thực để gìn giữ, bảo tồn nguồn gen của những loài dược liệu quý, hình thành tư duy khai thác gắn với phát triển, hướng tới sản xuất dược liệu quy mô lớn, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dược phẩm trong nước và xuất khẩu.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]