(Baothanhhoa.vn) - Nhằm phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đất rừng cùng với kinh nghiệm về chế biến và sử dụng cây thảo dược tự nhiên làm thuốc của người dân, xã Thành Lâm (Bá Thước) đang phát triển mô hình trồng cây Sói dưới tán rừng, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây.

Tiềm năng phát triển cây Sói rừng ở xã Thành Lâm

Nhằm phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đất rừng cùng với kinh nghiệm về chế biến và sử dụng cây thảo dược tự nhiên làm thuốc của người dân, xã Thành Lâm (Bá Thước) đang phát triển mô hình trồng cây Sói dưới tán rừng, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc sinh sống nơi đây.

Tiềm năng phát triển cây Sói rừng ở xã Thành Lâm

Bà Hà Thị Thưa, thôn Leo, xã Thành Lâm (Bá Thước) thu hái cây Sói rừng.

Xã Thành Lâm có tới 98,1% người Thái sinh sống, nằm trong vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ có nhiều loài thảo dược và cũng có thể trồng được nhiều loài dược liệu dưới tán rừng. Từ bao đời nay, người Thái ở xã Thành Lâm đã nổi tiếng với những bài thuốc gia truyền chữa các loại bệnh từ cây rừng tự nhiên. Trước đây, do người dân thường tự lên rừng tìm hái thuốc về chữa bệnh cho gia đình và những người địa phương. Qua thời gian khai thác tự nhiên mà không có sự chủ động bảo tồn nhân giống khiến nguồn cây thuốc trong tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng. Trăn trở với điều đó, bà Hà Thị Thưa, 63 tuổi, thôn Leo là người có kinh nghiệm làm thuốc chữa bệnh từ các cây rừng tự nhiên đã tự học hỏi đem cây Sói rừng về trồng và nhân giống. Hiện nay, gia đình bà đã trồng được 500m2cây Sói rừng dưới tán cây ven đồi. Theo bà Thưa, cây Sói rừng còn có tên gọi khác là Sói nhẵn, chè rừng, chè dại. Đây là cây thuốc bản địa của người dân ở núi rừng Pù Luông từ bao đời nay. Hiện có 2 loài là Sói đứng và Sói rừng, trong đó Sói đứng chiếm đa số, người dân sinh sống trong vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thường dùng lá Sói rừng nấu nước uống và làm men lá ủ cơm, ngô nấu rượu. Cây Sói rừng có vị đắng, tính ấm, dân gian thường dùng để chữa các bệnh viêm phổi, viêm phế quản, viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, đau nhức xương khớp, gãy xương, giã đắp chữa rắn cắn. Ngâm rượu cây Sói rừng uống để chữa tức ngực, đau nhức xương khớp. Thời gian trồng cho đến khi thu hái là 2 năm, hiện giá thu mua cả cây Sói rừng khô khoảng 30.000 đồng/1kg.

Được biết, cây Sói rừng thường sống nhiều nhất dưới tán rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và một số huyện miền núi của tỉnh. Để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc bản địa - cây Sói rừng, tháng 7-2021, Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP - GEF), Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI) phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức thực hiện Dự án "Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch ở cộng đồng người Thái tại xã Thành Lâm”. Mục tiêu của dự án là xây dựng vườn cây giống gốc Sói rừng năng suất, chất lượng từ 3.000 cây 3 - 4 năm tuổi, với diện tích trồng 0,25 ha. Đến nay, dự án đã thu hút được 59 hộ dân cam kết trồng trong vườn nhà, vườn rừng khi được cung cấp cây giống và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón cây. Hiện đã có 5 hộ gia đình tham gia xây dựng vườn giống gốc (đã trồng được hơn 4.000 cây trên diện tích 0,55 ha). Nguồn giống gốc được lấy từ rừng cộng đồng của xã Thành Lâm và mua từ tỉnh Lạng Sơn. Ngoài ra, dự án đã ươm được 15.000 cây con từ hạt, 6.000 hom cây dạng bầu vườn giống Bắc bộ, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để cung cấp cây giống cho các hộ cam kết tham gia trồng.

Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, cho biết: Việc triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển bền vững cây Sói rừng để cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch cộng đồng người Thái, xã Thành Lâm” là rất cần thiết, không chỉ bảo tồn được loài cây thuốc bản địa mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Đây là loài cây đa tác dụng, làm cây thuốc, chè uống nước, ăn quả, cây cảnh và các giá trị khác. Ngoài ra, cây Sói rừng còn chiết xuất tinh dầu với mùi hương độc đáo, làm sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Trong lễ hội du lịch Pù Luông năm 2022 tổ chức vào dịp 30-4 và 1-5, người dân trong xã đã thu hái và chế biến thành 2 loại sản phẩm chè, trà Sói rừng (15kg chè Sói rừng dạng sấy khô và 320 hộp trà Sói rừng dạng túi lọc) đã được trưng bày và bán cho du khách. Đây là cơ hội để địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm từ cây Sói rừng trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách đến với Pù Luông. Cấp ủy, chính quyền xã Thành Lâm đánh giá cao mô hình trồng cây Sói rừng và mong muốn các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng diện tích, tạo nhiều việc làm để giúp người dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến từ cây Sói rừng để đăng ký sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Lê Hợi


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]