(Baothanhhoa.vn) - Phát triển đô thị, khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang đặt ra nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại, ngày càng tăng. Chính vì vậy việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại đang được tỉnh, các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố... quan tâm huy động nguồn lực cho việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực trạng phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh

Phát triển đô thị, khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang đặt ra nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại, ngày càng tăng. Chính vì vậy việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại đang được tỉnh, các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố... quan tâm huy động nguồn lực cho việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng.

Thực trạng phát triển các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh

Dự án nhà ở thương mại RUBY TOWER đang được đầu tư xây dựng tại phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa).

Theo kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020, nhu cầu nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2019 là 27.357 căn, tương ứng với 3.282.807 m2 sàn; đến năm 2020 là 36.476 căn, tương ứng với 4.377.076 m2 sàn. Chính vì vậy, tổng số dự án phát triển nhà ở thương mại cần lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt danh mục 110 dự án, tổng diện tích 2.156,8 ha. Hiện nay, tổng số dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư là 80 dự án, tổng số lượng căn hộ khoảng 39.215 căn, tương ứng khoảng 4.705.800 m2 sàn. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành 25 dự án và hoàn thành một phần của 20 dự án (tổng số lượng khoảng 17.780 căn hộ, tương ứng với 2.133.850 m2 sàn); đang thực hiện đầu tư 35 dự án và giai đoạn tiếp theo của 20 dự án (tổng số lượng khoảng 21.435 căn hộ, tương ứng 2.571.950 m2 sàn). Đồng thời, đang tổ chức lựa chọn chủ đầu tư 30 dự án (tổng số lượng khoảng 14.705 căn hộ, tương ứng với 1.764.600 m2 sàn).

Đối với việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở công nhân khu công nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án nhà ở xã hội và 5 dự án nhà ở cho công nhân đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, với số lượng là 4.386 căn hộ, tương ứng 457.000m2 sàn (trong đó, nhà ở xã hội 3.060 căn hộ, tương ứng 163.550 m2 sàn; nhà ở cho công nhân 1.586 căn hộ). Hiện, đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 9 dự án nhà ở xã hội, 1 dự án nhà ở cho công nhân và dự kiến hoàn thành trong năm 2020, đáp ứng 6.840 căn nhà ở, tương ứng với 399.500 m2 sàn (trong đó, nhà ở xã hội 5.242 căn hộ, tương ứng với 302.700m2 sàn; nhà ở cho công nhân 1.598 căn hộ, tương ứng với 96.800 m2 sàn).

Qua theo dõi, nắm bắt thông tin của Sở Xây dựng, cho thấy: Tình hình diễn biến của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản ổn định, phản ánh đúng nhu cầu của thị trường, chưa xảy ra tình trạng “bong bóng” và “sốt” giá bất động sản. Hiện nay, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng hoàn thiện để ban hành Quy chế phối hợp xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu lập đề án thu thập số liệu, xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh theo quy định. Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Xây dựng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thanh Hóa) kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng nhà ở của 7 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP Thanh Hóa. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc cấp giấy phép xây dựng, nộp tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh và việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định tại các dự án nhà ở, đất ở sai phép, không phép. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật kinh doanh bất động sản; chấn chỉnh tình trạng kinh doanh bất động sản tại một số dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh khi sản phẩm bất động sản của dự án chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng, cho biết: Để tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi quy định của Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp. Ngoài ra, Điều 67 Luật Đất đai quy định về thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng thì chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp. Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi theo hướng giảm thời gian thông báo thu hồi đất trong trường hợp trên cho phù hợp với thực tế. Luật Đấu thầu (2013) và Luật Nhà ở (2014) quy định lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (hoặc dự án phát triển nhà ở) thông qua đấu thầu dự án; theo đó, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không có quy định về việc giao đất thông qua đấu thầu dự án dẫn đến bất cập trong thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu. Chính vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, kiến nghị cấp thẩm quyền sửa đổi Luật Đất đai theo hướng bổ sung quy định trường hợp giao đất thông qua đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất.

Ngoài ra, việc phát triển nhà ở xã hội mới được triển khai thực hiện trên địa bàn TP Thanh Hóa, còn nhiều địa phương khác có nhu cầu nhà ở xã hội khá lớn, nhưng chưa huy động được nguồn lực để đầu tư xây dựng. Đối với nhà ở cho công nhân, hiện nay khó thu hút nhà đầu tư do việc đầu tư đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, tuy nhiên nếu bán cho công nhân thì họ không đủ điều kiện để mua, nếu cho thuê thì thời gian thu hồi vốn chậm. Chính vì vậy, để triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội cần một số giải pháp đặc thù, như: Chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm quy định về quỹ đất 20% (của dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Điều chỉnh mục đích sử dụng đất khác sang đất xây dựng nhà ở xã hội đối với khu vực có nhu cầu về nhà ở xã hội và phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn. Dành một phần vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]