(Baothanhhoa.vn) - Cùng là những sản phẩm truyền thống ở các làng quê, nhưng sản phẩm không được quảng bá hoặc truyền thông chưa sáng tạo sẽ không nhiều người biết đến. Thời gian gần đây, nhiều chủ thể sản xuất đã khéo léo “thổi hồn” vào sản phẩm với nhiều câu chuyện khơi gợi được sự tò mò, khám phá. Từ đó, chủ thể không những tạo thêm những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần kết tinh vào sản phẩm mà còn giúp sản phẩm của mình ngày càng vươn xa, thậm chí thâm nhập thị trường quốc tế.

“Thổi hồn” để sản phẩm nông thôn vươn xa

Cùng là những sản phẩm truyền thống ở các làng quê, nhưng sản phẩm không được quảng bá hoặc truyền thông chưa sáng tạo sẽ không nhiều người biết đến. Thời gian gần đây, nhiều chủ thể sản xuất đã khéo léo “thổi hồn” vào sản phẩm với nhiều câu chuyện khơi gợi được sự tò mò, khám phá. Từ đó, chủ thể không những tạo thêm những giá trị về mặt văn hóa, tinh thần kết tinh vào sản phẩm mà còn giúp sản phẩm của mình ngày càng vươn xa, thậm chí thâm nhập thị trường quốc tế.

“Thổi hồn” để sản phẩm nông thôn vươn xaNước mắm truyền thống Lê Gia xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) phát triển thị trường rộng mở nhờ cách quảng bá sáng tạo.

Từ nguyên liệu moi, cá biển và muối hạt, cộng với kinh nghiệm muối ủ, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã cho ra đời các sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống. Trong số đó, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã sớm đăng ký nhãn mác, thực hiện các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng bá sản phẩm. Với thông điệp “Mắm Lê Gia - tinh túy từ biển mẹ” được in trên nhãn mác như một sự dẫn dắt người tiêu dùng tìm hiểu chất lượng và quy trình sản xuất. “Biển mẹ” gợi sự gần gũi, rộng lớn mà hàm chứa những giá trị ngàn đời với người dân miền biển. Còn sự “tinh túy” trong sản phẩm dễ khơi gợi người dùng tìm hiểu qua chất lượng sản phẩm bằng cách mua thử, dùng thử. Để rồi, qua các thông tin in trên nhãn mác và vỏ hộp sản phẩm, khách hàng tiếp tục được giới thiệu bằng những hình ảnh trực quan và thông tin về phương pháp nén gài, rồi công nghệ muối mắm nhà thùng được học từ Phú Quốc và Phan Thiết. Cùng với đó là tràn ngập các thông tin phong phú và khơi gợi tìm hiểu được lan tỏa rộng rãi trên nền tảng internet. Từ đó, ngày càng nhiều khách hàng thấy được quy trình sản xuất sạch, sự “chăm bẵm” để cho ra đời những giọt nước mắm màu hổ phách, hậu vị thanh và mùi thơm dịu, hoàn toàn tự nhiên.

Theo ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia: “Là thương hiệu được phát triển từ gia đình có nghề làm mắm truyền thống lâu đời vùng biển huyện Hoằng Hóa, Lê Gia luôn đặt mình là một trong thành tố của quê hương, vùng miền và mắm truyền thống. Sứ mệnh của chúng tôi là gìn giữ phát triển nghề mắm truyền thống cha ông, phát huy tài nguyên bản địa gắn với việc cải tiến, nâng tầm một sản vật được ví như quốc hồn quốc túy là mắm truyền thống. Một trong những thành công trong phát triển thương hiệu và thị trường chính là việc “thổi hồn” để tạo ra những giá trị vô hình, nâng tầm sản phẩm”.

Sau gần 6 năm khởi nghiệp, mắm Lê Gia đã có mặt trên các siêu thị hệ thống lớn trên toàn quốc như VinMart, Big C, Aeon, Mega Market, Co.op Mart... Đây là điều mà chưa một nhãn hiệu mắm và nước mắm của Thanh Hóa nào làm được. Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2023, công ty đã xuất khẩu thành công các lô mắm tôm đến 2 thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản và Hoa Kỳ, trở thành sản phẩm mắm tôm đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đến 2 nước có những tiêu chí về thực phầm rất khắt khe này.

Tại huyện Thọ Xuân, sản phẩm bưởi Luận Văn đã trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Những vụ thu hoạch giáp tết những năm gần đây, nhiều thương lái thu gom đưa đi tiêu thụ tại thị trường nhiều tỉnh, thậm chí các tỉnh phía Nam, thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Nhưng trở lại câu chuyện hơn 10 năm về trước, giống bưởi quý này ở tình trạng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bởi lẽ, tại làng Luận Văn, xã Thọ Xương - nguồn gốc của giống bưởi này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay số cây đầu dòng thuần chủng và không nhiều những cây bưởi lai tạp. Khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề án khôi phục, chính người dân và huyện Thọ Xuân đã có những kế hoạch quảng bá khá sáng tạo cho sản phẩm trồng trọt đặc hữu này. Được định danh bởi “bưởi tiến vua” đã giúp cho bưởi Luận Văn từ sản phẩm ít người biết đến thành nổi tiếng. Những trái bưởi được gắn với những huyền tích liên quan tới vua Lê Lợi, những triều vua thời Hậu Lê sau đó. Ngoài màu sắc đỏ gấc khi chín rất đẹp mắt, chắc chắn nhiều người phải tò mò, rồi muốn thử xem chất lượng của một sản phẩm được các vị vua ngày xưa tin dùng sẽ như thế nào. Từ đó tiếng lành đồn xa, báo chí đồng hành vào cuộc, thị trường cho sản phẩm ngày càng vươn xa.

Tương tự bưởi Luận Văn là việc phát triển sản phẩm sâm Báo của huyện Vĩnh Lộc. Những cụm từ “Đại Việt đệ nhất danh sâm”, rồi “sản phẩm dâng vua tiến chúa” được gắn cho sản phẩm dược liệu trên núi Báo thuộc xã Vĩnh Hùng. Từ đó, vùng nguyên liệu sâm ngày càng mở rộng, thị trường cũng lớn dần. Nhận thấy tiềm năng phát triển của sản phẩm, gần đây đã có các doanh nghiệp vào cuộc chế biến sâu sản phẩm, tổ chức trồng và phát triển vùng nguyên liệu sâm Báo. Rõ ràng, những câu chuyện dung dị, gắn với tích cũ truyện xưa khi được “thổi hồn” sẽ giúp nhiều sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thêm sức sống mới, tạo dựng thêm những giá trị mới. Trên thực tế, cả sản phẩm bưởi Luận Văn và các sản phẩm tinh chế từ sâm Báo đều đã trở thành sản phẩm OCOP có doanh số bán hàng thuộc hàng lớn của tỉnh.

Có thể kể ra câu chuyện phát triển thị trường thành công từ hàng loạt ví dụ khác về các loại sản phẩm nông thôn nhờ được gắn thêm những câu chuyện. Sản phẩm trống đồng xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) như gắn thêm sứ mệnh mang theo tiếng trống 4.000 năm của lịch sử dân tộc. Những cây cói trên đồng đất chua mặn huyện Nga Sơn được thổi hồn để thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đi khắp cả nước, xuất khẩu tận Hoa Kỳ. Sản phẩm bánh lá răng bừa xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn được gắn với câu chuyện Bà Triệu dùng để khao quân và làm lương thực đem theo những trận đánh... Hiện nay, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng yêu cầu các chủ thể sản xuất phải có “câu chuyện sản phẩm” thành một tiêu chí thẩm định. Đó chính là điều kiện để những sản phẩm nông thôn xứ Thanh tích hợp đa giá trị: sự kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Những chai mắm, hạt lúa, trái bưởi, con vịt... không chỉ là sản phẩm hữu hình mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa, câu chuyện lịch sử... mà chúng ta nếu biết khai thác sẽ mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]