(Baothanhhoa.vn) - Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thì một trong những nhân tố quan trọng là đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án đầu tư trên các lĩnh vực. Muốn vậy, cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thì mặt bằng sạch cũng là yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tháo “nút thắt” mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thì một trong những nhân tố quan trọng là đẩy mạnh thu hút đầu tư và triển khai kịp thời, hiệu quả các dự án đầu tư trên các lĩnh vực. Muốn vậy, cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thì mặt bằng sạch cũng là yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tháo “nút thắt” mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự ánDự án nhà công vụ phục vụ vận hành và mở rộng Cảng Nghi Sơn, xã Trúc Lâm (thị xã Nghi Sơn) đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Minh Hằng

Thời gian qua, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư đã và đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai tích cực. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhằm kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư vào địa phương. Cùng với đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn về một số giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là một số dự án tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Đồng thời, tiến hành kiểm tra tiến độ thi công và công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án... Nhờ đó, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 7 dự án FDI, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD.

Theo Quyết định số 191/QĐ-UBND ngày 11-1-2022 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022, thì tổng số dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh là 58 dự án. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện của các dự án lớn, trọng điểm; thường xuyên làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư/nhà đầu tư và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho từng dự án cụ thể; ban hành các văn bản chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, giao chỉ tiêu và yêu cầu UBND cấp huyện tổ chức ký cam kết về tiến độ GPMB tới các chủ đầu tư của từng dự án; kiện toàn các đoàn kiểm tra công tác GPMB các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; thành lập tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng dự án.

Có thể nói, kết quả đạt được trong thu hút đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì quá trình triển khai các nhiệm vụ trên vẫn đang gặp một số tồn tại, hạn chế. Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, có một nguyên nhân cơ bản là thiếu các mặt bằng sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư khi có doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư. Trong khi đó, kinh phí GPMB, san lấp nền một số khu vực dành cho phát triển công nghiệp còn cao, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác GPMB của một số địa phương có lúc còn chưa quyết liệt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn do thiếu hồ sơ minh chứng, dữ liệu, gây khó khăn trong việc xây dựng phương án GPMB; việc đầu tư xây dựng một số khu tái định còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB của dự án; công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan, thời gian giải quyết hồ sơ trong công tác bồi thường GPMB có lúc chưa kịp thời, hiệu quả; một số trường hợp người dân cố tình chây ỳ, không hợp tác với hội đồng GPMB... Theo thống kê, kết quả GPMB các dự án sử dụng đất năm 2022 đạt rất thấp so với kế hoạch (đạt 57,3% kế hoạch); nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài trong GPMB chưa được giải quyết. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ GPMB dưới 30% như Quan Hóa (10,8%), Như Thanh (13,7%), Bá Thước (14,6%), Triệu Sơn (17,4%), Cẩm Thủy (18,8%), Mường Lát (21,6%), Nga Sơn (25,9%), Vĩnh Lộc (26,7%).

Năm 2022, thị xã Nghi Sơn được giao GPMB 476,2 ha, thuộc 69 dự án và được giao bổ sung 38 dự án sau khi gia hạn tiến độ đầu tư. Thực hiện nhiệm vụ được giao, thị xã Nghi Sơn đã ban hành 4 thông báo cho các chủ đầu tư để ký cam kết từ tháng 1 đến 30-6-2022. Tuy nhiên, chỉ có 57 chủ đầu tư, thuộc 76 dự án ký cam kết với tổng diện tích 450,91 ha; 29 chủ đầu tư không đến ký cam kết. Như vậy, sau khi rà soát các dự án đủ điều kiện GPMB, các dự án ký cam kết GPMB của chủ đầu tư và các dự án được UBND tỉnh giao bổ sung thì tổng số dự án thị xã Nghi Sơn thực hiện GPMB trong năm 2022 là 76 dự án, với tổng diện tích 450,91 ha. Đến cuối năm 2022, địa phương đã hoàn thành bàn giao mặt bằng được 375,9 ha (đạt 83%). Mặc dù kết quả GPMB đạt tương đối cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh, song quá trình triển khai thực hiện, thị xã Nghi Sơn cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, địa phương kiến nghị UBND tỉnh có các giải pháp triệt để nhằm đẩy nhanh tiến độ GPMB; trong đó, có biện pháp xử lý đối với các chủ đầu tư dự án không thực hiện ký cam kết GPMB. Đồng thời, quy định rõ hạn mức đất ở để thực hiện thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc; bố trí vốn đầu tư dự án tái định cư...

Hiệu quả GPMB là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, tháo “nút thắt” mặt bằng sạch đang là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương lúc này. Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 7-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, đã nhấn mạnh cần tập trung khắc phục điểm nghẽn về mặt bằng. Trong đó, yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện đề án GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch GPMB năm 2023. Cùng với đó, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện GPMB trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; thành lập tổ công tác của UBND tỉnh giải quyết, tham mưu giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện GPMB trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác GPMB.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt công tác GPMB đối với từng dự án trên địa bàn, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch. Trước mắt, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư để thực hiện di dân, GPMB; phối hợp với các ngành chức năng cấp tỉnh giải quyết các vướng mắc về bồi thường GPMB; giải quyết kịp thời khiếu kiện, khiếu nại của người dân về công tác GPMB theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiến độ GPMB tại địa phương.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]