(Baothanhhoa.vn) - Toàn tỉnh hiện có 20.596 máy kéo các loại, 784 máy gieo hạt, 650 máy cấy, 858 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 14.600 máy gặt lúa rải hàng, 8.558 máy xay xát lúa gạo, 5.957 máy nghiền thức ăn gia súc, 459 máy sấy nông sản, 16.027 máy chế biến lương thực, 132 máy sơ chế, chế biến thủy sản...

Rào cản nâng tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ

Toàn tỉnh hiện có 20.596 máy kéo các loại, 784 máy gieo hạt, 650 máy cấy, 858 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 14.600 máy gặt lúa rải hàng, 8.558 máy xay xát lúa gạo, 5.957 máy nghiền thức ăn gia súc, 459 máy sấy nông sản, 16.027 máy chế biến lương thực, 132 máy sơ chế, chế biến thủy sản...

Rào cản nâng tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộNgười dân phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) làm đất bằng máy.

Với số lượng các loại máy hiện có, tỷ lệ cơ giới hóa (CGH) trong khâu làm đất đối với lúa đạt 96,8%, rau màu 88%; khâu gieo trồng đối với lúa 29%, rau màu 8%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đối với lúa 75%, rau màu 60%; khâu thu hoạch đối với lúa 86%, rau màu 74%; khâu vận chuyển đối với lúa 94,5%, rau màu 78%. Có 85% các trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý chất thải trong chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm men vi sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, 90% các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô chuồng kín hiện đại.

Số liệu cho thấy, việc đưa CGH vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang được thực hiện trên tất cả các khâu, từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, vận chuyển. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng của các khâu lại có sự chênh lệch khá lớn, trong khi tỷ lệ CGH trong khâu làm đất và vận chuyển đạt cao, thì tỷ lệ CGH trong khâu gieo trồng lại đạt tỷ lệ khá thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ sản xuất nông nghiệp được CGH đồng bộ trên địa bàn tỉnh còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Để nâng tỷ lệ CGH đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp cùng các huyện, thị xã, thành phố đã huy động nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để đẩy mạnh áp dụng CGH vào sản xuất. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trong quá trình soạn thảo, ban hành và triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã lồng ghép các nội dung về hỗ trợ mua máy gieo trồng, thu hoạch, đầu tư kiên cố cơ sở hạ tầng để thúc đẩy CGH đồng bộ. Việc áp dụng CGH, nhất là CGH đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp đã và đang khắc phục tình trạng thiếu lao động vào thời điểm chính vụ. Từ đó, người dân đã thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công chuyển sang sản xuất tập trung. Đồng thời, góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất bình quân của toàn tỉnh.

Hiệu quả là vậy, tuy nhiên, quá trình này đang gặp phải nhiều rào cản. Ông Lê Trọng Hòa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hoằng Hóa, cho biết: Sau nhiều năm đẩy mạnh thực hiện CGH và CGH đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện có khoảng 1.000 máy làm đất các loại, khoảng 40 máy cấy, 60 máy thu hoạch. Tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt 100%, thu hoạch đạt gần 80%, song tỷ lệ gieo trồng bằng CGH chỉ đạt khoảng 25%. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhỏ, manh mún, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu CGH. Ở các khâu sản xuất khác, việc đầu tư máy móc được thực hiện khá đơn giản, song tại khâu gieo cấy lúa, để thực hiện CGH, người dân không chỉ đầu tư mình máy móc như các khâu khác, mà còn phải đầu tư thêm cơ sở, thiết bị và kiến thức, kỹ thuật sản xuất mạ khay. Điều này đòi hỏi người sản xuất phải có sự đầu tư chuyên nghiệp cả về nguồn vốn và kiến thức. Vì vậy, mới chỉ có một số HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện, chưa được nhân rộng ra các hộ cá thể, nên tỷ lệ thực hiện CGH ở khâu gieo trồng đạt thấp. Ngoài ra, các hộ áp dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, thói quen, phần lớn chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng máy nên trong quá trình vận hành còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Việc áp dụng CGH ở khu vực đồng bằng đã khó, tại các huyện miền núi, những rào cản còn nhiều hơn. Tại huyện Cẩm Thủy, ngoài khâu làm đất được CGH đạt gần 80% diện tích sản xuất nông nghiệp, các khâu gieo trồng, thu hoạch, tỷ lệ CGH chỉ đạt dưới 10%. Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Rào cản lớn nhất trong việc áp dụng CGH, nhất là CGH đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu là do yếu tố địa hình. Ở miền núi diện tích sản xuất nông nghiệp đa phần đều có địa hình bậc thang, diện tích nhỏ, lẻ, trong khi cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng chưa được đầu tư, nên việc di chuyển các loại máy, nhất là các loại máy có công suất lớn vào sản xuất khá khó khăn, chi phí cao mà hiệu quả thấp.

Khảo sát và đánh giá về tình hình thực hiện CGH trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ rõ 9 rào cản lớn trong thực hiện, gồm: quy mô đất sản xuất nhỏ, manh mún; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu CGH. Chưa có nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện CGH. Hiệu quả đầu tư của các mô hình CGH chưa cao. Ngân sách địa phương chưa hỗ trợ nhiều cho lĩnh vực CGH. Thiếu các chủng loại máy phù hợp với trình độ, quy mô sản xuất. Đào tạo lao động vận hành máy còn yếu và thiếu các đơn vị cung cấp dịch vụ CGH chuyên nghiệp.

Trên cơ sở chỉ rõ những rào cản, để nâng cao tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp, hiện ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc tích tụ, tập trung đất đai theo Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, cần quan tâm, chú trọng mở các lớp tập huấn về sửa chữa, bảo dưỡng, sử dụng các loại máy nông nghiệp nhằm bảo đảm hoạt động hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất.

Bài và ảnh: Tiến Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]