(Baothanhhoa.vn) - Bờ biển Thanh Hóa được cho là đẹp bậc nhất ở miền Bắc với những bãi cát trắng mịn, thoai thoải trải dài. Đó chính là lợi thế về mặt cảnh quan để phát triển du lịch, lưu giữ không gian ven biển thông thoáng. Tuy nhiên, hiện có một số đoạn đã có các công trình xây dựng, đường giao thông hay khu du lịch triển khai quá sát mép nước, lấn át đi không gian thơ mộng tự nhiên của các vùng ven biển...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quy định từng khu vực bảo vệ hành lang bờ biển – việc làm cấp thiết cho phát triển bền vững

Bờ biển Thanh Hóa được cho là đẹp bậc nhất ở miền Bắc với những bãi cát trắng mịn, thoai thoải trải dài. Đó chính là lợi thế về mặt cảnh quan để phát triển du lịch, lưu giữ không gian ven biển thông thoáng. Tuy nhiên, hiện có một số đoạn đã có các công trình xây dựng, đường giao thông hay khu du lịch triển khai quá sát mép nước, lấn át đi không gian thơ mộng tự nhiên của các vùng ven biển...

Quy định từng khu vực bảo vệ hành lang bờ biển – việc làm cấp thiết cho phát triển bền vững

Công trình công cộng ở Khu Du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) án ngữ đến tận chân sóng, làm mất không gian bãi biển.

Từ những bất cập đã hiện hữu...

Hơn 20 năm trước, Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến thuộc vùng ven biển huyện Hoằng Hóa được quy hoạch để thu hút đầu tư. Thời điểm ấy, dọc bãi biển các xã Hoằng Tiến, Hoằng Hải và một phần của xã Hoằng Trường đều là những rừng phi lao vi vu gió ngàn và bãi cát trải dài thơ mộng. Để “trải thảm” cho 7 nhà đầu tư từ TP Hà Nội đi đầu trong khai phá vùng đất còn hoang sơ này, chính quyền địa phương đã giao cho mỗi nhà đầu tư một khoảng bãi biển để xây dựng nhà nghỉ, khách sạn và các công trình phụ trợ. Một số doanh nghiệp với mong muốn “hướng biển” đã xây dựng công trình đến gần mép nước, thậm chí kè biển, xây tường bao ra tận chân sóng như Khách sạn Queen ở thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải. Những năm 2000 đến 2015, những công trình du lịch cứ “trăm hoa đua nở”, trải dài nhiều cây số dọc ven biển. Phía bờ biển xã Hoằng Tiến, nhà đầu tư ban đầu tiếp tục cắt đất sát mặt biển bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp xây các khách sạn san sát nhau, chỉ cách mép nước khi triều lên chừng... 10m. Không chỉ những rừng cây xanh bị thay thế bằng những công trình bê tông khô cứng, mà khu vực bãi cát cũng bị thu hẹp, có những đoạn đã “tối giản”.

Đi ngược quy luật thiên nhiên, các trận bão số 7 năm 2005 và số 5 năm 2007 đã phá tan hoang nhiều công sức, tài sản của các doanh nghiệp. Đến những năm 2017–2018, bão biển lớn đổ bộ đã cuốn trôi đi con đường nhỏ trước các khách sạn ở khu vực xã Hoằng Tiến và Hoằng Thanh. Từ đó, tỉnh và huyện Hoằng Hóa phải xin dự án từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huy động các nguồn lực hợp pháp để thi công tuyến đê biển kiên cố, đồng thời là tuyến đường giao thông chạy sát mép nước để bảo đảm an toàn. Mỗi mùa du lịch gần đây, nhiều du khách và Nhân dân địa phương đều cảm thấy tiếc nuối bởi nhiều khu vực của biển Hải Tiến đã không còn bãi cát. Khi nước thủy triều lên, du khách xuống biển tắm, theo từng bậc cầu thang dốc của tuyến đê đã đặt chân xuống nước. Ông Lê Văn Thọ, cư dân địa phương, tiếc nuối: “Biển quê tôi trước đây có bãi cát hàng trăm mét. Nay ra biển chẳng khác nào bước xuống... cầu ao. Thậm chí, những hòn đá lớn và phần móng chân kè còn lởm chởm, không an toàn cho người tắm biển”.

Bất cập từ biển Hải Tiến là vậy, Khu Du lịch biển Hải Hòa ở thị xã Nghi Sơn phát triển sau nhưng vẫn đi vào “vết xe đổ” của Hải Tiến. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều khách sạn cũng đua nhau xây dựng ra gần mép nước. Năm 2021, một tuyến đường giao thông kiên cố được thi công chạy dọc ngay sát mép biển, tiếp tục gây nhiều tiếc nuối về mặt quy hoạch. Một số nhà hàng được xây dựng từ trước cũng tiến sát ra biển, ảnh hưởng đến cảnh quan.

Hiện nay, một số vùng biển khác đang manh nha phát triển du lịch như Quảng Hùng, Quảng Đại (Quảng Xương), Hải Ninh, Hải Châu (thị xã Nghi Sơn)... cũng có những hàng quán tự phát xây dựng sát biển. Nếu không kịp thời có quy hoạch và sự vào cuộc của các cấp chính quyền, để “chuyện đã rồi” như các khu du lịch hiện nay thì khó có thể khắc phục được...

...đến cần thiết lập hành lang bảo vệ

Theo khảo sát mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh Thanh Hóa có 102,8 km bờ biển, dọc các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Sầm Sơn và thị xã Nghi Sơn. Ngoài các đoạn đã được xây dựng các cảng biển, bến cá, cấp phép cho xây dựng các công trình công cộng từ trước, thì vẫn còn hàng chục km cần phải thiết lập hành lang bảo vệ. Việc xây dựng các công trình, dự án để phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển là vô cùng cần thiết, song phải tính đến yếu tố hài hòa với cảnh quan, không làm ảnh hưởng môi trường ven biển.

Thị xã Nghi Sơn có đường bờ biển dài nhất tỉnh với 42,5 km, chạy dọc 14 xã, phường. Đến đầu năm 2022, đã có 18 dự án ven biển được chấp thuận đầu tư với tổng diện tích gần 380 ha, trong đó có 15 dự án đã được giao đất, lập quy hoạch 1/500 với tổng chiều dài bờ biển khoảng 11 km. Ngoài ra, địa bàn ven biển của thị xã có 2 dự án neo đậu tàu thuyền, khu vực quy hoạch cảng biển Nghi Sơn, gần 12 km đê biển, một số di tích lịch sử lâu đời nằm sát biển và cửa sông, thì tất cả những đoạn còn lại cần được xác lập hành lang bảo vệ, tránh cấp phép xây dựng các công trình sát mép biển.

Huyện Hoằng Hóa có chiều dài bờ biển 12 km, chạy từ núi Hòn Bò thuộc xã Hoằng Trường đến cửa biển Lạch Hới thuộc xã Hoằng Phụ. Ngoài các dự án du lịch đã được cấp phép, đoạn 2,3 km đê biển Hoằng Thanh đã được kiên cố và đoạn đê biển Hoằng Phụ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất chủ trương để UBND tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu điều chỉnh theo quy hoạch Khu Đô thị Hải Tiến, thì những đoạn còn lại cần được quy định mốc giới xây dựng. Cấp thiết nhất hiện nay là khu vực dân cư ven biển thuộc xã Hoằng Trường và khu vực phía Nam của Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến hiện tại thuộc xã Hoằng Thanh.

Tại TP Sầm Sơn, khu vực núi Trường Lệ và bờ biển phía Bắc đã cơ bản có các dự án du lịch và công trình công cộng, nhưng khu vực bờ biển phía Nam thuộc phường Quảng Vinh, xã Quảng Hùng và Quảng Đại vẫn còn khá hoang sơ. Đây là vùng ven biển có nhiều dư địa phát triển nên trong tương lai gần, chắc chắn sẽ có nhiều dự án đô thị, dân cư hay du lịch tiếp tục được thu hút về khu vực này. Điều đó cũng đặt ra vấn đề quy hoạch xây dựng ven bờ biển để đảm bảo không gian phát triển bền vững. Đáng nói, đoạn bờ biển khu phố Thanh Minh, thuộc phường Quảng Vinh nhiều năm nay xuất hiện hiện tượng sạt lở do sụt lún, rất cần được khắc phục và thiết lập hành lang bảo vệ để tránh những hệ lụy sau này.

Qua khảo sát hầu khắp các vùng ven biển của tỉnh, chúng tôi ghi nhận những đoạn chưa có dự án hay công trình đầu tư thì cảnh quan rất đẹp. Những rừng phi lao chắn cát và gió bão, những bãi cát rộng hàng trăm mét khi thủy triều xuống làm không gian chung rất cần được giữ lại. Những người từng đến biển Vũng Tàu, Nha Trang mới cảm nhận được những giá trị của những rừng dừa và phi lao ven biển, mới thấy hết được giá trị của những bãi cát trải dài cho phát triển du lịch cũng như kinh tế - xã hội bền vững. Trên thực tế, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã được UBND tỉnh và các ngành xới xáo từ những năm trước, nhưng chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Gần đây, các sở, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục được giao nhiệm vụ khảo sát, lấy ý kiến các địa phương về quy định hành lang bảo vệ cho từng vị trí bờ biển để trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt hành lang bảo vệ cho từng khu vực. Việc thực hiện sớm chủ trương này trên thực tế sẽ giúp các địa phương chủ động kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của thiên tai, các chủ đầu tư có cơ sở thực hiện nhiều dự án, thúc đẩy thu hút đầu tư vào khu vực ven biển.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]