(Baothanhhoa.vn) - Việc chuyển từ sản xuất theo hình thức tự cấp, tự túc lạc hậu sang sản xuất nông nghệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng là cả một quá trình lâu dài, đầy thử thách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển nông nghiệp bền vững - nhìn từ người nông dân nghèo

Việc chuyển từ sản xuất theo hình thức tự cấp, tự túc lạc hậu sang sản xuất nông nghệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng là cả một quá trình lâu dài, đầy thử thách.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cho người dân xã Lũng Niêm (Bá Thước).

Từ thực tế sản xuất cho thấy, người nông dân tỉnh ta đã có được những “quả ngọt” đầu tiên của quá trình ấy. Đó là việc hình thành được những vùng chuyên canh cây trồng theo hướng hàng hóa, những vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao... Có thể nói, những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa và áp dụng khoa học - kỹ thuật đưa những loại cây, con có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất... chính là những điều kiện tiên quyết, quan trọng và là động lực để người nông dân tự tin trong quá trình sản xuất. Thế nhưng, không phải ở đâu và lúc nào những người nông dân gắn cuộc sống của mình với đồng đất cũng được hưởng lợi và thay đổi cuộc sống nhờ những thành quả từ phát triển nông nghiêp, nhất là những người nông dân nghèo, những hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Một thực tế đang diễn ra ở nhiều hộ nông dân nghèo đó là dù đã đầu tư khoa học - kỹ thuật, giống mới vào sản xuất giúp năng suất các loại cây lương thực tăng lên song chưa hẳn thu nhập của họ đã cao và cuộc sống của họ đã được cải thiện. Lý giải về nghịch lý này, bà Nguyễn Thị Lanh, thôn 2, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa), cho biết: Cách đây khoảng 10 năm, khi năng suất lúa đạt 27 đến 30 tạ/ha thì giá lúa giống chỉ khoảng 30-35.000 đồng/kg; hiện nay, năng suất bình quân tại địa phương khoảng 45 đến 50 tạ/ha thì giá lúa giống cũng tăng lên từ 60 đến 65.000 đồng/kg. Như vậy, năng suất chỉ tăng từ 1,6 đến 1,7 lần nhưng chi phí đầu tư giống lại tăng gần 2 lần, chưa kể đến các chi phí sản xuất khác. Nghĩa là, người nông dân muốn có năng suất cao phải đầu tư ngày càng lớn nhưng khi trừ các loại chi phí thì lợi nhuận thu lại khó bảo đảm cuộc sống gia đình. Bà Lanh tính toán, tổng các loại chi phí để sản xuất 1 sào lúa khoảng 1,150 triệu đồng. Nếu năng suất đạt khoảng 3 tạ/sào (năm được mùa), giá lúa thương phẩm bình quân 7.000 đồng/kg, người nông dân có lợi nhuận khoảng 900.000 đồng. Song thời vụ lại kéo dài từ 4 đến 5 tháng nên lợi nhuận tính theo tháng chẳng được là bao. Nếu người nông dân không đầu tư sản xuất tập trung, quy mô lớn thì liệu lợi nhuận từ sản xuất lúa truyền thống có đủ trang trải sinh hoạt? Nhưng, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất và sản xuất quy mô lớn không thể chỉ nói bằng lý thuyết mà phải “đầu tư bằng tiền”... Nguồn vốn ấy sau khi đi 1 vòng lại trở về “điểm xuất phát”, còn lại người nông dân vẫn chỉ luẩn quẩn trong vòng vay - sản xuất - trả nợ.

Gia đình ông Hà Văn A, thôn Đòn, xã Lũng Niêm (Bá Thước), có 5 sào ruộng, 4 nhân khẩu, chủ yếu canh tác lúa, ngô. Ông cho biết, hiện nay, dù đã bón đủ phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ song hiệu quả kinh tế cũng mang lại chưa cao. Có lẽ, gia đình ông và nhiều hộ nông dân khác cũng hiểu rằng, việc lạm dụng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến đất canh tác xấu đi, cần đầu tư sản xuất với chi phí lớn hơn. Song, chi phí và kỹ thuật cải tạo đất luôn là bài toán khó đối với những hộ nông dân nghèo.

Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn đầu tư, diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ và trình độ nhận thức, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... chính là những “rào cản” đẩy người nông dân nghèo sản xuất quy mô nhỏ tụt hậu, thậm chí lệch xa với “guồng quay” của nền nông nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, đối tượng này luôn thường trực ở nguy cơ “nghèo lại hoàn nghèo”.

Khi đặt người nông dân nghèo vào xu hướng phát triển, cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp, họ không đủ điều kiện để bắt kịp yêu cầu đầu tư và mở rộng quy mô. Thay vì việc giảng giải, định hướng phát triển nông nghiệp bền vững bằng lý thuyết thì điều cần hơn cả là cầm tay chỉ việc cụ thể, hướng dẫn trực quan bằng những mô hình, những quy trình kỹ thuật đơn giản, hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân nghèo hiểu và được trang bị những tiến bộ khoa học - kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của họ. Nhiều mô hình thử nghiệm với những loại cây, con giống và kỹ thuật mới đã được áp dụng với người nông dân khu vực miền núi, như: Sử dụng phân nén dúi sâu kết hợp với kỹ thuật cấy lúa hiệu ứng hàng biên mang lại năng suất cao tại các huyện Như Thanh, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh... hay việc phát triển giống ngô truyền thống sử dụng kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đã nâng cao năng suất tại huyện Mường Lát, Quan Sơn...

Những yêu cầu đặt ra cho sự phát triển nông nghiệp bền vững chính là bảo đảm hài hòa 3 yếu tố kinh tế (thu nhập), xã hội (việc làm) và môi trường (cân bằng sinh thái). Hay nói cách khác, mục đích của nền nông nghiệp bền vững chính là việc hướng đến và bảo đảm cho người dân một cuộc sống tiến bộ, tốt đẹp hơn. Ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: “Nông nghiệp bền vững không phải là khẩu hiệu, cũng không phải là một lý thuyết xa vời, ngược lại vô cùng thiết thực và có hiệu quả kinh tế cao khi nhìn, thực hiện dưới góc độ đời sống, như: Tỷ lệ hộ nông dân nghèo đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, tạo hứng thú cho người nông dân với nền sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn và quan trọng hơn cả là cuộc sống của đối tượng người nông dân nghèo thay đổi như thế nào khi tham gia vào “guồng” phát triển của nông nghiệp bền vững...”.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]