(Baothanhhoa.vn) - Việc phát triển hệ thống công trình thủy điện góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu quy hoạch, phát triển không hợp lý sẽ gây nên những hệ lụy không nhỏ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển hệ thống thủy điện và những bất cập

Việc phát triển hệ thống công trình thủy điện góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu quy hoạch, phát triển không hợp lý sẽ gây nên những hệ lụy không nhỏ.

Nhà máy Thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Minh Hằng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 dự án thủy điện đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng với tổng công suất 825 MW. Trong số 21 dự án được nêu trên, đã có 6 dự án thi công xong và đi vào vận hành phát điện là: Thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Bá Thước 2, thủy điện Dốc Cáy, thủy điện Trung Sơn, thủy điện Bá Thước 1 và thủy điện Bái Thượng. 7 dự án đang triển khai thi công gồm: Thủy điện Thành Sơn, thủy điện Hồi Xuân, thủy điện Cẩm Thủy 1, thủy điện Xuân Minh, thủy điện Trí Năng, thủy điện Sông Âm, thủy điện Trung Xuân. Trong đó, 4 dự án: Thủy điện Thành Sơn, thủy điện Cẩm Thủy 1, thủy điện Xuân Minh, thủy điện Trí Năng đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng, đang hoàn chỉnh hồ sơ để chuẩn bị tích nước phát điện vào cuối năm 2018. Có 8 dự án đang ở bước lập hồ sơ dự án đầu tư hoặc đang tạm dừng hoạt động đầu tư (thủy điện Cẩm Thủy 2) để xem xét, so sánh với phương án quy hoạch hồ chứa thủy lợi - thủy điện.

Với 6 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động có tổng công suất lắp máy khai thác 518 MW, sản lượng điện sản xuất 2,1 tỷ kwh/năm, đem lại doanh thu hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc phát triển nhiều nhà máy thủy điện đã và đang nảy sinh nhiều bất cập.

Trước hết, sự “bùng nổ” của các nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, đời sống nhân dân, nhất là vùng ven sông, suối. Việc xây dựng nhiều dự án thủy điện làm những dòng sông bị chia cắt thành những đoạn nhỏ, ảnh hưởng đến việc duy trì tính tự nhiên, hữu ích vốn có của các dòng sông, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, tập quán sản xuất, sinh hoạt của nhân dân các dân tộc sinh sống bên sông. Luồng - cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của các huyện miền núi đã và sẽ gặp khó do dòng sông Mã có tới 7 dự án thủy điện (Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1, Bá Thước 2, Cẩm Thủy 1, Cẩm Thủy 2) khai thác nguồn nước sông. Việc ngăn đập tích nước đồng nghĩa với ngăn cản tàu bè xuôi ngược, giao thông đường thủy bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó, quá trình thi công các công trình thủy điện thường kéo dài khiến cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn.

Với tất cả các công trình thủy điện trên các dòng sông, khi được chặn dòng, mực nước phía hạ nguồn sẽ xuống thấp, ảnh hưởng tới hoạt động nuôi cá lồng của bà con ven sông. Lượng phù sa theo dòng nước bồi đắp cho đồng ruộng vùng hạ du cũng giảm đi đáng kể. Việc bị ngăn thành từng đoạn cũng làm ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học, thay đổi chế độ dòng chảy, bùn cát, ngăn cản luồng cá di cư, thay đổi hệ sinh thái ngập nước. Các dự án thủy điện tích nước, xả lũ không đúng quy trình sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt nhân dân vùng hạ du. Với các dự án thủy điện có hồ chứa dung tích lớn như: Thủy điện Cửa Đạt (1,4 tỷ m3), thủy điện Trung Sơn (360 triệu m3)... có thể gây ra những nguy cơ biến động, mất ổn định địa chất, dẫn đến sạt trượt, xói lở ở những nơi có nền địa chất yếu.

Không những vậy, với các dự án phải thực hiện bố trí tái định cư (TĐC), nhiều dự án bố trí vị trí chưa hợp lý. Tiến độ thực hiện một số dự án rất chậm khiến đời sống của nhân dân khu vực bị tác động bởi các dự án gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được chấp thuận chủ trương cho triển khai thực hiện đầu tư có tổng diện tích chiếm đất và mặt nước khoảng 4.376 ha (không tính Dự án Thủy lợi - Thủy điện Cửa Đạt). Trong đó, có 99 ha đất ở, 198 ha đất trồng lúa, 439 ha đất trồng cây hoa màu, 1.772 ha đất rừng sản xuất, 1.605 ha đất sông suối và bãi ven sông. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 4.227 hộ, trong đó có 1.004 hộ phải thực hiện TĐC. Chi phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, TĐC và hỗ trợ sinh kế của các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 1.275 tỷ đồng.

Đối với các dự án phải thực hiện xây dựng các khu TĐC, nhìn chung, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, kịp thời việc chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu TĐC tồn tại khá nhiều bất cập. Công tác quy hoạch, bố trí các khu TĐC thủy điện chưa có tiêu chí chuẩn mực, nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC chưa được đầy đủ. Quỹ đất tại các khu TĐC hạn chế, nên diện tích nhà ở TĐC nhỏ hơn nơi ở cũ, hoặc phải thiết kế nhà theo kiểu liên kế, chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Đất sản xuất bố trí với diện tích thấp hơn và cũng kém màu mỡ hơn. Điển hình như vị trí các khu TĐC của thủy điện Trung Sơn có địa hình độ dốc cao, công tác san gạt mặt bằng khó khăn nên diện tích một số lô nhà ở của người dân TĐC thấp hơn 350 m2/hộ, dẫn đến người dân không đồng ý bốc thăm phân lô, làm chậm tiến độ di dân.

Hơn nữa, công tác xây dựng sinh kế cho người dân vùng ảnh hưởng bởi dự án chưa được quan tâm đúng mức. Trong các dự án TĐC, chỉ có Dự án Thủy điện Trung Sơn có chương trình sinh kế được xây dựng khá bài bản; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo tiêu chuẩn môi trường - xã hội của ngân hàng thế giới, nên quyền lợi người dân được xem xét kỹ lưỡng. Đối với các dự án khác do chưa có quy định cụ thể, biện pháp ràng buộc nên không xây dựng phương án hỗ trợ sinh kế, hoặc có xây dựng nhưng chưa đầy đủ, chưa có tính khả thi, bám sát thực tế và nguyện vọng của người dân. Chủ đầu tư chưa thấy được hết trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, đào tạo giải quyết việc làm, ổn định đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Những bất cập, tồn tại trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và di dân, TĐC các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh do rất nhiều nguyên nhân. Về công tác quy hoạch, do ngân sách hạn chế, nên Nhà nước chỉ nghiên cứu những quy hoạch thủy điện lớn trên dòng sông chính (thủy điện Trung Sơn, thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Hồi Xuân). Các dự án thủy điện khác do doanh nghiệp tự bỏ kinh phí khảo sát, điều tra, dẫn đến quy hoạch thủy điện chưa được xây dựng một cách đồng bộ và toàn diện, mà gồm nhiều nghiên cứu riêng lẻ, chú trọng nhiều vào khía cạnh khai thác năng lượng. Bên cạnh đó, các tiêu chí, quy định chặt chẽ về môi trường - xã hội chưa được chặt chẽ nên công tác lập nghiên cứu, lập quy hoạch của các nhà chuyên môn về thủy điện (do chủ đầu tư hợp đồng) cũng như công tác thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước mới chỉ tập trung vào hiệu quả phát điện; chưa chú trọng đầy đủ vào việc đánh giá kỹ những tác động, ảnh hưởng đến môi trường - xã hội để bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và phát triển bền vững. Chính sách bồi thường, TĐC mới chỉ dừng lại ở việc bồi thường sử dụng đất và các tài sản thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp khác về thu nhập, các lợi thế và cơ hội kinh tế, thu nhập sản phẩm từ rừng, về phong tục tập quán, đời sống tinh thần của người dân chưa được tính đến, chưa có quy định cụ thể về việc bồi thường, hỗ trợ cho các thiệt hại vô hình này; trong khi đây là phần rất quan trọng đối với tập quán của đồng bào dân tộc sống ven sông, suối. Chủ đầu tư dự án khi xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, TĐC chưa nghiên cứu đề cập sâu đến các vấn đề đất đai, canh tác, khí hậu..., để phát triển sinh kế bền vững cho người dân TĐC.

Để khắc phục những tồn tại hiện nay trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, đại diện Sở Công Thương, cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện rà soát quy hoạch, đánh giá kỹ ảnh hưởng tác động môi trường - xã hội, tham mưu UBND tỉnh loại bỏ quy hoạch các dự án có hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến đất đai, môi trường, người dân. Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lập phương án sinh kế cho người dân; trong đó, nghiên cứu, xây dựng các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của vùng dự án, giúp hộ dân bị ảnh hưởng lựa chọn mô hình sản xuất bảo đảm thu nhập ổn định lâu dài. Không cho triển khai các dự án có ảnh hưởng nhiều đến diện tích đất đai, số lượng hộ dân TĐC lớn, không bảo đảm phương án sinh kế cho người dân. Tiếp tục bám sát, đôn đốc hỗ trợ các chủ đầu tư khẩn trương thi công hoàn thành các khu TĐC để bảo đảm tiến độ di dân và tích nước nhà máy. Đối với các khu TĐC đã có người dân sinh sống, tỉnh sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp tục quan tâm, có trách nhiệm đến đời sống của người dân, nhất là khắc phục những xuống cấp của các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, cấp nước, cấp điện, bảo đảm điều kiện sống của người dân nơi TĐC.

Đây cũng là vấn đề để các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Công Thương tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVII.


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]