(Baothanhhoa.vn) - Xác định cho mình được hướng đi riêng, anh Phạm Duy Thạnh ở thôn Lục Sơn, xã Nga Giáp (Nga Sơn) đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - cung ứng thực phẩm an toàn theo hướng hiện đại. Là một trong những mô hình tiên phong của nền chăn nuôi tỉnh nhà với quy trình sản xuất khép kín, anh Thạnh đã phải trải qua nhiều thử thách và thất bại. Đến nay, sản phẩm của khu trang trại xanh tổng hợp ven chân núi hẻo lánh đã thâm nhập được thị trường trong và ngoài tỉnh, cho thu nhập từ 4 đến 5 tỷ đồng mỗi năm.

Nông trang xanh theo chuỗi thực phẩm an toàn của chàng mồ côi

Xác định cho mình được hướng đi riêng, anh Phạm Duy Thạnh ở thôn Lục Sơn, xã Nga Giáp (Nga Sơn) đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - cung ứng thực phẩm an toàn theo hướng hiện đại. Là một trong những mô hình tiên phong của nền chăn nuôi tỉnh nhà với quy trình sản xuất khép kín, anh Thạnh đã phải trải qua nhiều thử thách và thất bại. Đến nay, sản phẩm của khu trang trại xanh tổng hợp ven chân núi hẻo lánh đã thâm nhập được thị trường trong và ngoài tỉnh, cho thu nhập từ 4 đến 5 tỷ đồng mỗi năm.

Nông trang xanh theo chuỗi thực phẩm an toàn của chàng mồ côi

Ao nuôi tôm tại nông trang xanh ven chân núi thuộc xã Nga Giáp của anh Phạm Duy Thạnh.

Thuộc xứ đồng Lũy ven chân núi, nông trang của anh Phạm Duy Thạnh trông giống khu công viên cây xanh hơn là một trang trại chăn nuôi. Lẩn khuất trong các rặng cây ăn quả lâu năm, khu trại nuôi lợn hơn 700m2 theo tiêu chuẩn VietGAP được xây khép kín, với hệ thống thu gom và xử lý chất thải hiện đại nên hầu như không phát tán mùi hôi khó chịu. Tại đây, hầu như tất cả các khâu, từ sản xuất lợn giống, chăm sóc, cách ly thức ăn công nghiệp, giết mổ, sản xuất giò chả đều được thực hiện khép kín theo chuỗi an toàn sinh học, ít phụ thuộc từ phía bên ngoài.

Ngoài chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa, các sản phẩm thịt lợn và giò chả được sản xuất, cung ứng theo chuỗi ở đây còn được các cơ quan chuyên môn Trung ương cấp “Chứng nhận hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn” với các chỉ số an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn. Cuối tháng 8 vừa qua, Hội đồng xét, công nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022 tỉnh Thanh Hóa đã xét, công nhận 2 sản phẩm của nông trang gồm “Giò nạc Tâm Thạnh” và “Chả lụa Tâm Thạnh” là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây sẽ là bước ngoặt để những thực phẩm này có mặt và mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ.

Là con liệt sĩ có bố hy sinh từ khi lên 2 tuổi, anh Phạm Duy Thạnh lớn lên nhờ sự tần tảo của người mẹ. Tuy cái nghèo và sự gian khó đeo đẳng suốt tuổi thơ, nhưng bằng nghị lực, chàng thanh niên sinh năm 1981 vẫn theo đuổi con đường học hành. Năm 2001, anh thi đậu Trường Trung cấp Thủy điện Hòa Bình, sau về quê làm nghề lắp điện nước, rồi tổ trưởng tổ dịch vụ của HTX điện năng xã Nga Giáp. Khi hoạt động điện ở xã được chuyển về ngành điện quản lý, năm 2014, anh tiếp tục theo học trung cấp thú y tại Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn để tạo hành lang cho hướng rẽ mới là nông nghiệp. Trên cơ sở ý tưởng nung nấu, năm 2015, anh thuê 8 sào đất gần như hoang hóa ven chân núi, đồng thời dồn đổi thêm 6 sào đất nông nghiệp của gia đình về đây để mở rộng diện tích.

Buổi đầu gây dựng cơ nghiệp, tình trạng thiếu vốn đầu tư đã trở thành thách thức lớn với chàng thanh niên mới ngoài 30 tuổi. Ngoài nguồn tiền tiết kiệm, anh phải chạy vạy vay mượn cả tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. “Cho rằng việc làm của tôi là quá liều lĩnh nên gia đình, họ hàng rồi bạn bè đều can ngăn. Bởi lẽ, nếu không thành công, sẽ vỡ nợ gây nhiều hệ lụy” - anh Thạnh chia sẻ. Trong năm 2015, khu sản xuất mới này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận công nhận trang trại tổng hợp.

Khát vọng khởi nghiệp của chàng trai trẻ như tiếp tục bị dội gáo nước lạnh khi dịch tai xanh trên đàn lợn cả nước xuất hiện. Theo anh Thạnh, “đây là giai đoạn biến cố của ngành chăn nuôi cả nước, kéo dài đến tận năm 2018, nhiều chủ trang trại lớn trong huyện, trong tỉnh khi ấy đã vỡ nợ. Có thời điểm, tôi nợ ngân hàng tới 3 tỷ đồng, tưởng chừng không thể vực dậy. Không để phải phá sản, tôi nghĩ phải bằng mọi cách phân phối được thịt lợn bền vững mà không phụ thuộc thương lái và xu thế thị trường. Vậy nên tôi quyết định đăng ký chăn nuôi theo chuỗi thực phẩm an toàn như ở một số nước vẫn làm, với hy vọng sẽ thành công”.

Giai đoạn đầu, anh đến tận các cơ quan, công sở, trường mầm non trên địa bàn huyện để mời chào và cung ứng thịt lợn an toàn. Dần dà nhiều nơi thấy chất lượng thịt tốt, trở thành mối quen để gia đình anh cung ứng thịt lợn hằng ngày. Từ năm 2019, anh Thạnh tiếp tục chủ động sản xuất thêm giò nạc và chả quế để cung ứng ra thị trường với số lượng lớn. Sản phẩm có nguồn gốc thịt lợn đầu vào rõ ràng, được nuôi cách ly thức ăn công nghiệp tới 1 tháng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều trường học bán trú trong và ngoài huyện chọn làm thực phẩm hằng ngày. Khác biệt lớn so với đa phần giò và chả quế trên thị trường hiện nay là sản phẩm ở đây có bao bì, nhãn mác, ngày sản xuất, được gắn mã QR Code để khách hàng truy xuất nguồn gốc. Nhận thấy không có chất phụ gia, nhiều con em gốc địa phương mỗi khi về quê thường mua làm quà. Hiện cơ sở sản xuất còn cấp đông giò và chả để cung ứng vào tận TP Hồ Chí Minh qua đường hàng không, gửi xe ô tô khách ra Hà Nội cho khách đặt hàng.

Những năm gần đây, anh Thạnh đã đăng ký thành lập Công ty TNHH Nông trang xanh Tâm Thạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển về quy mô sản xuất. Đến thời điểm đầu tháng 9 này, mỗi ngày, công ty đều cung ứng ra thị trường trên dưới 1 tạ giò, chả quế và gần 5 tạ thịt lợn. Nguồn cung được bảo đảm quanh năm bởi trong hệ thống chuồng nuôi, công ty luôn chủ động từ 350 đến 400 con lợn thịt gối lứa. Khâu giết mổ cũng được phía công ty chủ động với lò mổ quy mô nhỏ được đăng ký hoạt động ngay trong khuôn viên công ty. Do phát triển sản xuất theo chuỗi và có được các mối hàng bền vững nên ngay trong thời điểm COVID-19 những năm trước khiến sản xuất nhiều nơi đình trệ, thì công ty vẫn hoạt động bình thường.

Trong tổng diện tích 14 sào, anh Thạnh còn đào thêm các ao để nuôi cá trắm cỏ, tôm thẻ chân trắng, nuôi gà thả vườn... Đến nay, nông trang xanh này đang tạo việc làm cho 8 lao động, với thu nhập từ 5 - 9 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu những năm gần đây của đơn vị luôn duy trì ở mức 4 - 5 tỷ đồng/năm và tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Hiện, công ty đang sản xuất thêm sản phẩm giò tai thủ, thuê thêm đất đào 4 ao nữa nhằm mở rộng diện tích nuôi cá và tôm.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]