(Baothanhhoa.vn) - Với những ưu điểm nổi bật là “Đón tại nhà, trả đúng điểm” nên thời gian gần đây, dịch vụ xe ghép đang trở thành lựa chọn hữu hiệu của người dân kể cả tại các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh. Tuy nhiên, việc nở rộ loại hình dịch vụ này đang tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với dịch vụ vận tải hành khách truyền thống, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nở rộ dịch vụ xe ghép và những vấn đề đặt ra

Với những ưu điểm nổi bật là “Đón tại nhà, trả đúng điểm” nên thời gian gần đây, dịch vụ xe ghép đang trở thành lựa chọn hữu hiệu của người dân kể cả tại các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh. Tuy nhiên, việc nở rộ loại hình dịch vụ này đang tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với dịch vụ vận tải hành khách truyền thống, gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Nở rộ dịch vụ xe ghép và những vấn đề đặt ra

Khách hàng đặt dịch vụ xe ghép thông qua mạng Internet.

Tiện lợi...

Chị Lưu Hà Trang, một hành khách quen thuộc với dịch vụ xe ghép, cho biết: Hiện nay, dịch vụ xe ghép được chia sẻ hàng ngày trên mạng xã hội facebook, zalo với khung giờ đi, đến, giá vé và đầy đủ số điện thoại lái xe. Chỉ cần lựa chọn một nhà xe bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội là vài phút sau sẽ nhận được cuộc gọi kết nối để chốt chuyến. Thực sự, sau khi sử dụng dịch vụ nhận thấy, mặc dù giá thành cao hơn so với sử dụng các loại hình vận tải truyền thống, dịch vụ vận tải công cộng (xe buýt) nhưng sử dụng xe ghép khá tiện lợi, khách hàng được đưa đón tận nơi, giờ giấc có thể linh hoạt bởi 1 tuyến sẽ có nhiều đầu xe phục vụ.

Trong vai hành khách, chúng tôi đặt tuyến xe nội tỉnh từ TP Thanh Hóa đi huyện Thọ Xuân qua fanpage Taxi 50k Thọ Xuân - TP Thanh Hóa. Với hơn 5 nghìn lượt người tham gia fanpage cho thấy, nhu cầu sử dụng dịch vụ xe ghép trong cộng đồng khá cao. Sau 5 phút đặt lịch, chủ xe gọi điện hỏi điểm đón, nơi đến. Với 50 nghìn đồng/lượt cho quãng đường từ TP Thanh Hóa lên huyện Thọ Xuân. So với dịch vụ xe buýt công cộng thì giá xe ghép cao hơn 1,5 lần. Tuy nhiên, thay vì phải chờ xe và chỉ đến một bến cố định thì dịch vụ xe ghép đón khách tại nhà và trả tại điểm muốn đến, bảo đảm trong khung thời gian khách cần.

Tương tự, với những địa phương khác, như: Hậu Lộc, Nga Sơn, Thường Xuân... đều có thể dễ dàng tìm kiếm những fanpage của dịch vụ xe ghép. Để nâng cấp dịch vụ và bảo đảm khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi, hầu hết tại các tuyến, các tài xế xe ghép đều thành lập các hội và san sẻ khách cho nhau. Vì vậy, việc chờ xe đủ khách đã không còn lâu như trước. Theo tìm hiểu, hiện có nhiều lái xe đã thành lập nhóm, hội xe ghép phục vụ các tuyến liên tỉnh và một số tuyến ngoại tỉnh (chủ yếu từ các huyện của Thanh Hóa đi Hà Nội). Anh Hoàng Đình Dưỡng, một lái xe ghép tuyến Hậu Lộc - TP Thanh Hóa, cho biết thêm: “Nhóm của tôi có 4 đầu xe từ 4 đến 6 chỗ, luân phiên chạy vào các giờ cố định trong ngày. Các xe cùng nhận khách và dồn khách cho nhau trong cùng nhóm, khách không phải chờ lâu, quan trọng là cùng gây dựng chất lượng, uy tín để phục vụ lâu dài. Chuyển từ taxi sang xe ghép, tôi có lượng khách ổn định, đều hơn”.

... nhưng khó quản lý

Theo khảo sát nhanh của phóng viên, các tuyến xe Thọ Xuân - TP Thanh Hóa, Thường Xuân - TP Thanh Hóa, Nga Sơn - TP Thanh Hóa... đều có từ 6 đến 8 đầu xe thành lập nhóm vận chuyển hành khách. Ngoài ra, tại các điểm dừng xe buýt, dễ dàng gặp những trường hợp các loại xe từ 4 - 7 chỗ, mang biển kiểm soát nền trắng, chữ và số màu đen như xe gia đình có hành động gom, chào mời hành khách về các huyện. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc các quy định cho xe được chở, vận chuyển hành khách, các lái xe đều có chung câu trả lời “nếu bị kiểm tra cứ nói xe chở người nhà đi du lịch, thăm họ hàng hoặc đi chơi...”.

Trên thực tế, các “xe ghép” đều không có đăng ký kinh doanh chở khách. Giá từng chuyến đi do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, đương nhiên là không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống. Do đó, việc nở rộ hình thức xe ghép bên cạnh mang lại những lợi ích trước mắt cho khách hàng thì vô hình dung dịch vụ này không chỉ làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.

Trao đổi với anh Hoàng Văn Phúc, lái xe taxi Mai Linh, được biết: Chạy xe ghép điều kiện khá dễ dàng, chỉ cần có một chiếc xe, không phải kê khai đăng ký, không nộp thuế, không phải trích đóng doanh thu... nên loại dịch vụ xe này ngày càng nhiều; khách hàng, nhất là khách tại các huyện sử dụng dịch vụ này ngày càng đông. Đã có nhiều người từng là lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe ghép hoặc tự sắm xe để làm dịch vụ. Song, đây là hình thức vận tải tự phát, không được cơ quan có thẩm quyền quản lý nên nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn, hành khách sẽ không được bảo vệ và giải quyết quyền lợi theo quy định của pháp luật. Vì vậy, bên cạnh những khách hàng chuyên dùng dịch vụ xe ghép thì tỷ lệ khách hàng trung thành với các dịch vụ vận tải truyền thống vẫn khá cao.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc khách hàng lựa chọn một loại hình dịch vụ không được cơ quan chức năng kiểm duyệt, quản lý sẽ gây khó khăn trong việc bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; phải có số lượng, chất lượng phương tiện phù hợp với loại hình kinh doanh; có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; các phương tiện kinh doanh phải được gắn thiết bị giám sát hành trình... Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước...

Trong thực tế, đến nay, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng chưa có quy định cụ thể để định danh loại hình dịch vụ xe ghép nên rất khó khăn trong công tác quản lý. Thực trạng đó cho thấy, để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, chống thất thu thuế kinh doanh vận tải, bảo đảm an toàn cho hành khách sử dụng dịch vụ, việc sớm đưa loại hình dịch vụ xe ghép vào khuôn khổ pháp luật là hết sức cần thiết.

Bài và ảnh: Thụy Châu


Bài và ảnh: Thụy Châu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]