(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 24 dòng sông lớn, nhỏ với hơn 1.000 km đê các loại và là một trong những tỉnh có chiều dài đê lớn nhất cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những tuyến đê... chờ vốn

Những tuyến đê... chờ vốn

Đê sông Cầu Chày qua xã Xuân Minh (Thọ Xuân) còn nhiều đoạn xung yếu cần vốn sửa chữa.

Thanh Hóa có 24 dòng sông lớn, nhỏ với hơn 1.000 km đê các loại và là một trong những tỉnh có chiều dài đê lớn nhất cả nước.

Trong đó, 315 km đê Trung ương (từ cấp I đến cấp III) kèm theo 120 km bờ kè, 245 cống và 2 âu. 693 km đê còn lại thuộc địa phương quản lý, kèm theo 204 công trình kè với tổng chiều dài gần 95 km, 861 cống và 1 âu. Cùng với đó, các vùng cửa sông và ven biển còn có hàng chục km đê biển.

Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, các địa phương, hàng trăm km đê lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh đã được kiên cố, bảo đảm chống lũ và an toàn cho người và tài sản gần khu vực đê. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tuyến đê nhỏ, yếu chưa được kiên cố, không đủ cao trình chống lũ. Nhiều tuyến đê xuất hiện sự cố như mạch đùn, mạch sủi, thẩm lậu, các cống dưới đê bị hư hỏng, đang trở thành nỗi lo thường trực với chính quyền và nhân dân các địa phương mỗi khi mùa mưa bão về. Đáng nói, nhiều đoạn đê trong diện nguy cấp cần sửa chữa, kiên cố, đã được lên phương án sửa chữa nhưng lại chưa có hoặc thiếu vốn thực hiện...

Tuyến đê biển huyện Nga Sơn được xây dựng kiên cố gần 5 năm qua, đem lại sự yên tâm cho người dân các xã ven biển. Tuy nhiên, khi công trình thi công đến xã Nga Thủy thì hết vốn, đoạn đê còn lại chưa được thi công gần cửa sông Lèn giao với biển như “miệng hà bá” mỗi khi có đợt mưa bão. Mỗi lần nước biển dâng, hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ven biển của các xã Nga Tân và Nga Thủy lại ngập trắng. Phần còn lại của tuyến đê này dài hơn 2 km, dự kiến cần thêm 133 tỷ đồng nữa mới hoàn thành toàn tuyến theo kế hoạch. Từ đó đến nay, huyện Nga Sơn đã nhiều lần đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh và Trung ương tiếp tục phân bổ vốn để hoàn thành đoạn cuối cùng, cũng là đoạn quan trọng nhất của tuyến đê. Tuy nhiên, do thắt chặt đầu tư công, nên đoạn đê dở dang này vẫn phải chờ và... chờ.

Cũng tại huyện Nga Sơn, tuyến đê sông Càn qua các xã Nga Điền và Nga Phú còn hơn 10 km không bảo đảm chống lũ. Thông tin từ UBND huyện ven biển này, đây là đoạn đê đất, gần như còn nguyên trạng từ thời phong kiến đến nay, trông như một bờ mương. Hiện, cao độ của đoạn đê này chỉ đạt 3,5m, thấp hơn quy định đến hơn 1m nên mỗi lần nước sông dâng cao, cư dân sinh sống sát đê lại bì bõm lội nước. Trong các đợt lũ lớn năm 2017 và 2018, nước tràn đê làm ngập lụt nhiều khu dân cư, làm chết nhiều gia súc, gia cầm, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Đoạn đê này đã được Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh đưa vào danh sách 32 trọng điểm xung yếu đê điều năm 2019, được lên phương án phòng chống thiên tai riêng để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố thiên tai. Từ nhiều năm nay, đoạn đê này cũng nằm trong danh sách cần sửa chữa, nâng cấp của tỉnh, song vẫn chưa bố trí được vốn.

Tại huyện Nông Cống, đê tả sông Yên đoạn qua các xã Minh Nghĩa, Minh Khôi và một phần thị trấn Nông Cống cũng xuống cấp. Nhu cầu sửa chữa tuyến đê này đã được đặt ra từ lâu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lập dự án tu bổ, nâng cấp để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn phải chờ đợi. Tại huyện Vĩnh Lộc, mặt đê tả sông Bưởi đoạn từ K16+580 đến K22+821 và trạm bơm tiêu úng thuộc xã Vĩnh Hưng có nhiều hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa. Dự án khắc phục, sửa chữa đê và trạm bơm này đã được lập với nguồn vốn dự kiến khoảng 80 tỷ đồng, song vẫn đang chờ... vốn. Việc bảo đảm an toàn đê điều và tiêu úng cho khoảng 500 ha vẫn chưa thể thực hiện khi công trình chưa có vốn thi công...

Sông Cầu Chày - một tuyến sông không dài, không lớn nhưng sâu và có độ dốc lớn, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro vỡ đê, tràn đê gây ngập lụt cho các huyện Thiệu Hóa, Yên Định và Thọ Xuân. Riêng tuyến đê hữu dài 54,4 km nhưng có tới 15,24 km chưa được đầu tư tu bổ và nâng cấp. So với cao trình đê thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ đã được phê duyệt, cao trình mặt đê hiện tại của những đoạn chưa được kiên cố còn thấp hơn từ 1,5 đến 2,5m. Nguy hiểm là vậy, nhưng việc sửa chữa ngay những điểm đê xung yếu này là chưa thể bởi kinh phí dự kiến khoảng 100 tỷ đồng vẫn chưa tìm được nguồn.

Qua rà soát, thống kê vào đầu mùa mưa bão 2019 của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh, toàn tỉnh hiện có 32 điểm xung yếu về đê điều, tiềm ẩn nguy hiểm. Đây đều là những đoạn đê cần được sửa chữa, khắc phục khẩn cấp, song đều trong tình trạng chưa có nguồn hoặc chờ nguồn để thực hiện.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]