(Baothanhhoa.vn) - Với lợi thế đất đai của gia đình, anh Nguyễn Trọng Chiến, sinh năm 1979, thôn Bái Trúc, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá giống, thu lại lợi nhuận cao cho gia đình. Anh là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm giàu từ nghề nuôi cá giống

Làm giàu từ nghề nuôi cá giống

Nghề nuôi cá giống mang lại lợi nhuận cao cho gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến.

Với lợi thế đất đai của gia đình, anh Nguyễn Trọng Chiến, sinh năm 1979, thôn Bái Trúc, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi và đã áp dụng thành công mô hình nuôi cá giống, thu lại lợi nhuận cao cho gia đình. Anh là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.

Dẫn chúng tôi men theo con đường bê tông nằm giữa những ao cá vuông vắn san sát nhau, ông Nguyễn Trọng Xoan, trưởng thôn Bái Trúc nói với chúng tôi với một niềm tự hào: “Ở địa phương chúng tôi, hầu như nhà nào cũng có ao thả cá. Để xây được những ngôi nhà cao tầng, khang trang thế này, người dân nơi đây đều nhờ cả vào những ao cá giống này đấy. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, người dân 3 thôn Tân Cổ, Tân Hậu, Bái Trúc đã biết đến nghề nuôi cá giống. Đây là nghề truyền thống của một số tỉnh phía Bắc được người dân địa phương học hỏi và áp dụng thành công. Từ đó đến nay, dù việc nuôi trồng thuận lợi hay có những thời điểm khó khăn nhưng chúng tôi luôn bám nghề, giữ nghề để cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như xây dựng thôn xóm”.

Chỉ vào một khu ao cá rộng lớn, ông Xoan giới thiệu với chúng tôi diện tích sản xuất cá giống của gia đình anh Chiến. Tại đây đang có 5 – 6 thương lái đến lựa chọn con giống và tranh luận rôm rả. Chờ cho việc giao bán xong, chúng tôi mới ngồi trò chuyện cùng “ông chủ ao” vốn có tính cách xởi lởi, nồng hậu này.

Cũng như nhiều hộ nuôi cá khác, gia đình anh Chiến đã có mấy chục năm làm nghề nuôi cá giống. Từ thời bố mẹ anh, các cụ đã đi khắp các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội... để nhập cá về bán lại cho người dân trong tỉnh. Dần dần, nhiều hộ dân trong thôn đã học hỏi cách làm về áp dụng tại chính vùng đất mình sinh sống. Nhà nào nhà nấy đều cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang đào ao, làm bể nuôi cá.

Được kế thừa truyền thống của gia đình, từ những ngày thanh niên, anh Chiến đã chủ động bắt tay thầu thêm đất, đào ao để phát triển kinh tế. Ngoài vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá được truyền dạy từ gia đình, anh Chiến còn thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tích cực tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm với chủ các mô hình nuôi cá giống có hiệu quả để phục vụ cho công việc nuôi cá. Hiện nay gia đình anh có 2,6 ha diện tích ao nuôi từ các loại cá truyền thống như: Mè, trôi, trắm, chép, rô phi... đến những loại giống mới như: Cá đối, cá vược, cá lăng, ba sa...

Được biết, đối với cá truyền thống, anh Chiến thường tự nhân cấy giống từ các cặp cá bố mẹ nuôi sẵn trong bể. Còn với những giống mới, anh thường nhập cá con 3 đến 5 ngày tuổi từ các tỉnh Nha Trang, Vũng Tàu... rồi thả xuống ao ương khoảng 1 tháng, sau khi cá lớn đủ kích cỡ để nuôi thương phẩm thì giao cho thương lái. Với những loài cá nước mặn đã được các chủ ao “thuần ngọt” 50%, anh phải tiếp tục “thuần ngọt” bằng cách thả cá vào bể, bơm nước ao vào và lưu chuyển dòng nước liên tục cho cá quen dần với môi trường sống mới, thường xuyên dùng máy đo độ PH để kiểm tra nguồn nước. Sau 3 ngày, cá có thể xuất bán được. Thức ăn cho cá cũng khá đơn giản, chỉ là cám viên nổi do một số công ty sản xuất hoặc bột, cám, gạo, ngô, bột đậu tự chế biến tại nhà. Về giá trị kinh tế, cá giống mới có giá trị cao hơn nhiều so với cá truyền thống. Hiện nay, các loại cá trắm, chép, rô phi... chỉ bán được 25.000 – 30.000 đồng/kg, trong khi cá giống nhập từ nơi khác sau khi “thuần ngọt” lại có giá lên tới 2 triệu đồng/kg, trừ mọi chi phí, mỗi cân cá loại giống mới cho lợi nhuận từ 600.000 – 700.000 đồng/kg.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá giống của mình, anh Chiến cho biết: “Cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi ương, thâm canh, đánh bắt, vận chuyển khi mang đi tiêu thụ đều phải có kỹ thuật. Để đảm bảo chất lượng con giống và năng suất, cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá giống cần tháo hết nước trong ao rồi rắc vôi bột khử trùng, hoặc xử lý ao nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Bờ ao phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá giống phải khỏe mạnh, không xây xát, không bị dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ sống cao mới có thể xuất bán được, người mua thấy cá bị chết nhiều thì lần sau mình bán rẻ cũng không ai tới tìm mua”.

Anh Chiến cho biết thêm, năm nay việc nuôi cá giống diễn ra rất thuận lợi. Thời tiết tốt, điều kiện ao hồ được cải tạo thường xuyên nên cá khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, cá bán được giá và rất được khách hàng ở xa tín nhiệm. Hiện nay, cơ sở của anh Chiến không chỉ trực tiếp nuôi cá giống mà còn tiến hành thu mua cá tại các hộ dân trong các thôn rồi đem xuất bán sang Lào và các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Huế... Với cách làm này, nhiều năm nay gia đình anh đã có thu nhập cao từ nghề sản xuất và kinh doanh cá giống. Năm 2019 vừa qua, doanh thu của gia đình anh đạt gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho từ 5 đến 6 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Không giấu nghề, anh Chiến luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, tận tình giúp đỡ người dân trong xã về kỹ thuật nuôi cá để mọi người có thêm cách làm mới trong việc phát triển nghề truyền thống. Thành công của anh Nguyễn Trọng Chiến với mô hình nuôi cá giống đã tạo thêm động lực, khích lệ người dân nơi đây cùng nhau xây dựng kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]