(Baothanhhoa.vn) - Ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều hoạt động kinh tế liên quốc gia, nhất là thu hút đầu tư quốc tế gần như  bị “đóng băng”. Tuy nhiên, một “kỳ tích” lại đến với tỉnh Thanh Hóa khi liên tiếp có những dự án hàng tỷ USD được xúc tiến đầu tư vào tỉnh trong các tháng đầu năm 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỳ vọng những dự án “tỷ đô”

Kỳ vọng những dự án “tỷ đô”

Hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn ngày càng hiện đại, có thể thu hút các dự án lớn tầm cỡ thế giới.

Ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều hoạt động kinh tế liên quốc gia, nhất là thu hút đầu tư quốc tế gần như bị “đóng băng”. Tuy nhiên, một “kỳ tích” lại đến với tỉnh Thanh Hóa khi liên tiếp có những dự án hàng tỷ USD được xúc tiến đầu tư vào tỉnh trong các tháng đầu năm 2020.

Từ những tháng cuối năm 2019, một lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và các Khu công nghiệp tỉnh (sau đây gọi tắt là “Ban”) đã “khoe” với chúng tôi rằng, có một nhà đầu tư lớn từ Hoa Kỳ rất thiện chí đầu tư dự án “khủng” tại KKTNS. Đó chính là kết quả của quá trình chủ động đấu mối, mời gọi của Ban trong một quá trình dài, sau khi có xác minh, tìm hiểu thực lực tài chính và năng lực đầu tư quốc tế của họ. Đây là Tập đoàn Milennium Energy – một trong những nhà đầu tư lớn có 35 năm kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện tiên tiến từ khí thiên nhiên, khí thiên nhiên hóa lỏng, gió, mặt trời, địa nhiệt và chất thải. Tập đoàn đã thực hiện các dự án điện ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Sau nhiều lần đến KKTNS khảo sát địa điểm, tìm hiểu các điều kiện liên quan đến cơ chế, chính sách, hạ tầng cảng biển..., nhà đầu tư đã cơ bản thống nhất sẽ đầu tư một trung tâm điện – khí LNG với tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỷ USD tại KKTNS. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn rất phức tạp nên việc nhập cảnh vào Việt Nam để triển khai các thủ tục bị tạm ngừng, Ban vẫn liên tục đấu mối để duy trì liên lạc.

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, đại diện phía tập đoàn này đã đến tỉnh Thanh Hóa, có các buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và tiếp tục khẳng định sẽ đầu tư dự án vào KKTNS. Tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020” diễn ra vào trung tuần tháng 6–2020, đại diện Tập đoàn Milennium Energy là ông Kenneth, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã đặt bút ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng cho kêu gọi một dự án lớn vào tỉnh Thanh Hóa – nếu thành công, vốn đầu tư dự án tổng hợp này chỉ đứng sau Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (khởi công vào tháng 10–2013). Theo cam kết từ phía nhà đầu tư của Hoa Kỳ, tập đoàn sẽ đầu tư nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng có công suất lên đến 4.800 MW; trong đó, giai đoạn 1 là 2.400 MW, giai đoạn 2 là 2.400 MW, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD. Cùng với đó là hệ thống kho cảng công suất 8 triệu tấn/năm, cấp khí cho nhà máy điện và các hộ tiêu thụ khác trong khu vực với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Phía tập đoàn dự kiến đưa giai đoạn 1 của nhà máy phát điện vào vận hành trước năm 2030, giai đoạn 2 sau năm 2030. Đáng nói, đây là dự án không khai thác tài nguyên của Việt Nam mà phía tập đoàn cam kết sẽ tự cung ứng, nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào từ các nước khác, do duy nhất tập đoàn đầu tư và 1 tổ chức tài chính lớn của Hoa Kỳ tài trợ vốn.

Đến những ngày đầu tháng 7 này, phía Tập đoàn Milennium Energy đã thuê tư vấn thiết kế, triển khai một số công việc liên quan. Đây là động thái cho thấy, khả năng nhà đầu tư sẽ đầu tư vào KKTNS là rất cao. Trong các lần tiếp xúc, đàm phán, phía nhà đầu tư đều mong muốn đầu tư dự án nhà máy điện và kho cảng LNG thành trung tâm năng lượng của Đông Nam Á. Niềm tin giữa các bên ngày càng được củng cố, kỳ vọng những dự án lớn tầm cỡ thế giới tiếp tục được thành hình trên vùng đất Nghi Sơn. Khi các dự án thành công, KKTNS sẽ trở thành trung tâm sản xuất điện năng lớn bậc nhất cả nước, là “thủ phủ” lọc hóa dầu – khí hóa lỏng mang tầm châu lục, kéo theo nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác phát triển. Nếu có thêm hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào ngân sách tỉnh mỗi năm, cùng với Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án tổng hợp của Tập đoàn Milennium Energy này sẽ góp phần quan trọng đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, có sự bứt phá mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Cũng tại KKTNS, trong các tháng đầu năm, Liên doanh Tập đoàn Hokuetsu Nhật Bản và Tập đoàn Lee&Man cũng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Được sự tiếp đón, mời gọi và cung cấp các thông tin liên quan từ Ban, các sở, ngành có liên quan, phía liên doanh đã đồng ý đầu tư tổ hợp sản xuất giấy và năng lượng. Đây cũng là dự án “tỷ đô” với tổng vốn đăng ký được đưa ra 69.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD). Chủ đầu tư cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với đại diện lãnh đạo tỉnh. Theo các thông tin qua các buổi làm việc với Ban, nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà máy chế biến giấy có công suất 1,2 triệu tấn/năm và nhà máy sản xuất điện năng với công suất 200 MW.

Một tín hiệu vui khác cho thành phố du lịch Sầm Sơn là Tập đoàn SunGroup đã xúc tiến các thủ tục và được Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định Chấp thuận chủ trương đầu tư tổ hợp các dự án phát triển hạ tầng – đô thị có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 24.955 tỷ đồng. Theo đó, phía tập đoàn này dự kiến sẽ đầu tư tổ hợp các công trình, gồm: Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; các khu đô thị: Quảng trường biển, Sông Đơ; Khu Công viên giải trí và Đô thị Nam sông Mã. Một nhà đầu tư khác đến từ Hoa Kỳ là Tập đoàn Exxon Mobil cũng đã nhiều lần đến KKTNS tìm hiểu, xúc tiến đầu tư dự án dầu khí và sản xuất năng lượng với tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD tại KKTNS. Sau nhiều lần gặp gỡ với đại diện Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như làm việc tại Nghi Sơn, tập đoàn năng lượng lớn này đang tỏ ra rất thiện chí đầu tư.

Để có được những kết quả trên, đó là thành quả của cả quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức kêu gọi đầu tư... của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Từ những năm trước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dẫn đầu các đoàn công tác đến nhiều nước để tổ chức các hội nghị, đi mời gọi đầu tư. Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua đã tiếp tục khẳng định những thành công ấy. Tại đây, đã có 34 dự án đầu tư được trao Quyết định chủ trương đầu tư hoặc ký cam kết đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]